img

Tháng 1.2020, đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc rồi lan rộng tới nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thời điểm ấy, thế giới chưa có thuốc đặc hiệu đối với loại dịch bệnh này, trong khi số ca nhiễm và tử vong không ngừng tăng. Nhằm hạn chế thấp nhất sự lây lan, Chính phủ lựa chọn phương án "chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng, chống dịch", bằng việc hạn chế các chuyến bay thương mại từ các nước đến Việt Nam.

Tuy nhiên, mặt trái của chính sách này khiến hàng chục ngàn công dân Việt Nam ở nước ngoài bị mắc kẹt, tạm thời chưa thể về nước. "Nhu cầu về nước của công dân không ngừng tăng, ban đầu từ hơn 10.000 người nhưng sau mỗi tháng con số tăng lên hàng chục ngàn người", Bộ Công an cho hay.

Công dân về nước trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát - Hình ảnh: Đậu Tiến Đạt

Bài toán hóc búa đặt ra: làm sao vừa ngăn ngừa sự lây nhiễm từ bên ngoài, vừa đáp ứng nhu cầu của những người dân muốn về nước - nguyện vọng chính đáng của họ? Và đáp án được Chính phủ lựa chọn, đó là "không để ai bị bỏ lại phía sau", bằng việc tổ chức các "chuyến bay giải cứu" (chỉ thu phí vé máy bay, cách ly) và "chuyến bay combo" (trả phí toàn bộ).

Theo thời gian, các chuyến bay dần được tổ chức với mật độ dày hơn. Tính đến hết tháng 1.2022, cơ quan chức năng đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân về nước. Nhưng cũng từ đây, dư luận dần bàn tán về số tiền phải bỏ ra để có được một suất về nước, một số thông tin cho rằng chi phí như vậy là quá cao, bất hợp lý, vượt khả năng chi trả của nhiều người.

Tháng 1.2022, những sai phạm "tày trời" chính thức bị phanh phui, bằng việc Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 lãnh đạo, cán bộ thuộc Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao về tội nhận hối lộ, trong đó có Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan.

Từ mắt xích này, hàng loạt quan chức nhúng chàm đã bị "lộ sáng". Tiêu cực không dừng lại ở một mà lan sang nhiều bộ, ngành, địa phương. Lãnh đạo các doanh nghiệp liên quan đến tổ chức chuyến bay cũng lần lượt "xộ khám".

Tháng 4.2023, cơ quan điều tra hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 54 bị can trong vụ án tham nhũng có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Chỉ 15 ngày sau, Viện KSND tối cao ban hành cáo trạng, truy tố nhóm này ra trước tòa.

Phanh phui thủ đoạn 500 lần nhận hối lộ trong đại án “chuyến bay giải cứu”

54 bị cáo vụ "chuyến bay giải cứu" bị truy tố về 5 tội danh khác nhau. Trong đó, 21 người nhận hối lộ, 23 người đưa hối lộ, 4 người môi giới hối lộ, 4 người lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, 2 người lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đây cũng là một trong những vụ án liên quan đến nhiều bộ, ngành nhất từ trước tới nay. Cụ thể, 5 bộ, ngành có cán bộ sai phạm, gồm: Văn phòng Chính phủ (4 người), Bộ Y tế (2 người), Bộ Ngoại giao (5 người), Bộ GTVT (2 người), Bộ Công an (4 người); riêng Bộ Quốc phòng đã tách hồ sơ để xử lý theo thẩm quyền.

Những con số gây choáng váng trong vụ ‘chuyến bay giải cứu’ - Ảnh 3.

Ngoài ra, hàng loạt lãnh đạo, cán bộ thuộc các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài (Nhật Bản, Malaysia, Angola, Nga) và 2 địa phương Hà Nội, Quảng Nam cũng vướng lao lý. Số bị cáo còn lại là đại diện các doanh nghiệp trực tiếp liên quan đến việc tổ chức chuyến bay.

Trong số những người bị đưa ra xét xử, nhóm bị cáo có chức vụ cao nhất tại thời điểm bị bắt giữ có thể kể đến như: Tô Anh Dũng (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), Vũ Hồng Nam (Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản), Nguyễn Quang Linh (Trợ lý Phó thủ tướng thường trực), Chử Xuân Dũng (Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội), Trần Văn Tân (Cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam), Nguyễn Thị Hương Lan (Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao)…

Đặc biệt, có đến 18 người bị truy tố tội nhận hối lộ, theo điểm a khoản 4 điều 354 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), với khung hình phạt 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình. Nhóm này gồm các bị cáo giữ chức vụ cao nhất như đã nêu ở trên, hoặc nhận tiền "bôi trơn" nhiều nhất.

Hiếm vụ án nào cùng lúc có nhiều bị cáo bị truy tố tội nhận hối lộ như "chuyến bay giải cứu". Theo quy trình, doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay cần xin chủ trương cách ly tại địa phương, gửi hồ sơ đến Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Cục Lãnh sự lấy ý kiến tổ công tác các bộ, ngành và trình Chính phủ phê duyệt, sau đó thông báo cho doanh nghiệp thực hiện.

Để có thể lọt vào danh sách tổ chức chuyến bay, một phần từ yêu sách của nhóm cán bộ, một phần từ sự chủ động của bản thân, các doanh nghiệp tìm cách "bôi trơn" ở tất cả các khâu xét duyệt. Kết quả điều tra cho thấy, việc đưa nhận hối lộ diễn ra trong thời gian dài, thủ đoạn ngang nhiên, thậm chí có cả sự móc ngoặc, liên kết chặt chẽ.

"Kỷ lục" tiêu cực được xác lập khi 21 bị can có tới hơn 500 lần nhận tiền từ doanh nghiệp, với tổng cộng gần 165 tỉ đồng. Điển hình như bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) nhận hối lộ 37 lần với tổng số 21,5 tỉ đồng, Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự) nhận 32 lần với tổng số hơn 25 tỉ đồng, Nguyễn Quang Linh (cựu Trợ lý Phó thủ tướng) nhận 5 lần với tổng số hơn 4,2 tỉ đồng, Chử Xuân Dũng (cựu Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội) nhận 7 lần với tổng số hơn 2 tỉ đồng, Trần Văn Tân (Cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) nhận 9 lần với tổng số 5 tỉ đồng, Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản) nhận 2 lần với tổng số hơn 1,8 tỉ đồng…

Đặc biệt, dù không phải bị cáo có chức vụ cao nhất, nhưng bị can Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) lại có tới 253 lần nhận hối lộ, với tổng số hơn 42,6 tỉ đồng; hay như bị cáo Vũ Tuấn Anh (cựu Phó trưởng phòng thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) nhận 49 lần, với tổng số hơn 27,3 tỉ đồng.

10 người bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất

Những con số gây choáng váng trong vụ ‘chuyến bay giải cứu’ - Ảnh 6.

Để có số tiền khổng lồ hối lộ cho quan chức mà vẫn đảm bảo lợi nhuận thu được từ các chuyến bay đưa công dân về nước, các doanh nghiệp sẽ nâng giá vé máy bay và các khoản chi phí phát sinh, dẫn tới số tiền mà công dân phải bỏ ra để có thể về nước bị đội lên rất lớn.

Số lần và số tiền nhận hối lộ rất lớn, đồng nghĩa số lần và số tiền đưa hối lộ cũng phải tương ứng. Trong khoảng 100 doanh nghiệp được cấp phép chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước thì chỉ có khoảng 20 nhóm doanh nghiệp triển khai thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước, số còn lại cho mượn pháp nhân hoặc đứng ra xin cấp phép rồi bán quyền tổ chức cho pháp nhân khác. Hầu hết số này đều chấp nhận việc chung chi để được cấp phép chuyến bay.

Cơ quan tố tụng cáo buộc 23 bị cáo, là đại diện các doanh nghiệp trực tiếp liên quan đến công tác tố chức chuyến bay, phạm tội đưa hối lộ. Nhóm này đã có hơn 400 lần đưa hối lộ, với tổng số hơn 226 tỉ đồng, cho các quan chức.

Trong số này, 2 bị cáo Nguyễn Thị Hằng (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky) và Lê Hồng Sơn (cựu Tổng giám đốc Công ty Bluesky) cùng bị xác định có 76 lần đưa hối lộ, với tổng số tiền hơn 100 tỉ đồng. Viện KSND tối cao xác định, từ tháng 11.2020 đến tháng 12.2021, để được cấp phép 109 chuyến bay và cách ly y tế, Sơn và Hằng đã chi tiền cho hàng loạt lãnh đạo, cán bộ, như: đưa 8 lần với tổng số 5 tỉ đồng cho cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng; đưa 8 lần với tổng số 5,9 tỉ đồng cho cựu Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan; đưa 7 lần với tổng số 6 tỉ đồng cho cựu thư ký Phạm Trung Kiên; đưa 9 lần với tổng số 5 tỉ đồng cho cựu Phó chủ tịch Trần Văn Tân…

Một cái tên khác là Hoàng Diệu Mơ (Tổng giám đốc Công ty An Bình), một trong những đại diện doanh nghiệp đầu tiên bị bắt giữ trong vụ án. Để được cấp phép 66 chuyến bay, từ tháng 12.2020 đến tháng 1.2022, bà Mơ chi hối lộ 41 lần cho 7 cá nhân, với tổng số hơn 34,6 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo 8 lần đưa cho cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng với tổng số 8,5 tỉ đồng; 11 lần đưa cho cựu Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan với tổng số 13,2 tỉ đồng; 4 lần đưa cho cựu thư ký Phạm Trung Kiên với tổng số 5,1 tỉ đồng…

Các bị cáo khác cũng có số lần "bôi trơn" lớn như: Nguyễn Tiến Mạnh (Phó giám đốc Công ty Lũ Hành Việt) 22 lần với tổng số hơn 27,8 tỉ đồng; Vũ Thùy Dương (Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt) 17 lần với tổng số hơn 24,2 tỉ đồng; Hoàng Anh Kiếm (lao động tự do) 15 lần với tổng số hơn 22,8 tỉ đồng…

10 người bị cáo buộc đưa hối lộ nhiều nhất

Những con số gây choáng váng trong vụ ‘chuyến bay giải cứu’ - Ảnh 8.

Nhiều người đặt câu hỏi: số tiền đưa hối lộ là hơn 226 tỉ đồng nhưng số tiền nhận hối lộ lại chỉ có gần 165 tỉ đồng, vậy số chênh lệch còn lại đi đâu? Câu trả lời liên quan đến phi vụ "chạy án" có sự tham gia của cựu thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội.

Như đã đề cập, Nguyễn Thị Hằng (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky) và Lê Hồng Sơn (cựu Tổng giám đốc Công ty Bluesky) đã bỏ ra 38,5 tỉ đồng để "lót tay" cho các quan chức nhằm được cấp phép 109 chuyến bay.

Những con số gây choáng váng trong vụ ‘chuyến bay giải cứu’ - Ảnh 7.

Hồ sơ vụ án cho thấy, trước khi vụ án bị khởi tố, bị cáo Hằng từng có ý định ra tự thú, nhưng vì sợ bị xử lý hình sự và sẵn quen biết với thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, nên quyết định bàn bạc với bị cáo Sơn, thống nhất nhờ ông Tuấn "chạy án". Ông Tuấn nhận lời, làm trung gian để kết nối với Hoàng Văn Hưng, thời điểm ấy là Trưởng phòng Điều tra (Cục An ninh điều tra Bộ Công an), điều tra viên thụ lý chính vụ án.

Với vị trí công tác được giao, ông Hưng nhiều lần gặp gỡ bị cáo Hằng mà không báo cáo lãnh đạo; hướng dẫn bị cáo Hằng và Sơn khai báo. Sau này, ông Hưng bị điều chuyển công tác, dù không còn quyền hạn gì nhưng vẫn đưa ra thông tin sai sự thật để phía bị cáo Hằng thông qua ông Tuấn nhiều lần chi tiền "chạy án".

Kết quả điều tra xác định, bị cáo Hằng và Sơn đã đưa cho cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội 2,65 triệu USD (tương đương hơn 61 tỉ đồng) để lo lót không bị xử lý hình sự. Trong số này, đến nay có đủ cơ sở cho thấy ông Hưng nhận 800.000 USD, phần còn lại là 1,85 triệu USD ông Tuấn phải chịu trách nhiệm. Ông Tuấn bị truy tố tội môi giới hối lộ, ông Hưng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 2 bị cáo Hằng và Sơn tội đưa hối lộ như đã nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.