Những công trình lãng phí: Chợ hoang giữa thủ đô

26/07/2010 01:46 GMT+7

Trong khi Hà Nội đang loay hoay tìm đáp số cho bài toán dẹp chợ cóc, hàng rong thì lại có không ít khu chợ đầu tư hàng chục tỉ đồng rồi để không hoặc buộc phải chuyển đổi mục đích hoạt động.

Từ 400 gian hàng nay chỉ còn 2

Dự án xây dựng chợ đầu mối Minh Khai (xã Minh Khai, H.Từ Liêm) được thực hiện theo quyết định ngày 31.1.2002 của UBND TP Hà Nội. Chợ có diện tích 41.500m2 chia làm các hạng mục: Khu chợ 1 tầng được thực hiện trong giai đoạn 1 có diện tích là 20.876m2; nhà giết mổ gia súc gia cầm có diện tích là 5.000m2; trung tâm thương mại 10.000m2, trong đó diện tích xây dựng là 4.000m2; diện tích còn lại dành cho đường nội bộ và bãi đỗ xe.

Kết thúc giai đoạn 2, chợ đầu mối Minh Khai xây dựng xong hệ thống cấp thoát nước; nhà điều hành; phần chính của chợ là khu chợ 1 tầng (2 dãy nhà A1, A2 có mái che); hệ thống sạp hàng ngoài trời; bãi đỗ xe... với tổng mức đầu tư là 27,322 tỉ đồng. Giai đoạn 3 xây dựng khu trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê 24 tầng, mức đầu tư là 500 tỉ đồng, dự kiến hoàn chỉnh trước năm 2010, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Ngày 15.9.2008, chợ đầu mối Minh Khai chính thức khai trương với hơn 400 gian hàng. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian hoạt động, chợ gần như ngừng hẳn mọi hoạt động kinh doanh buôn bán. Có mặt tại đây vào ngày 23.7, chúng tôi ngỡ như đang đi vào một khu vực đã bị bỏ hoang lâu ngày. Cả chợ chỉ còn 2 cửa hàng mở cửa, 1 là hàng nước mắm ở khu sạp ngoài trời và 1 là cửa hàng bán giấy ở khu chợ 1 tầng. Một người đàn ông chừng hơn 40 tuổi trải chiếu nằm ngủ giữa cửa hàng giấy. “Chợ vắng quá, đâm ra buồn ngủ, tôi ngủ mất lúc nào không biết. Anh chị nhìn xem, mới sáng ngày ra mà chẳng có ma nào đến chợ, thì kinh với chả doanh cái gì. Tôi thuê lại cửa hàng này làm kho để giấy chứ cũng chả mong bán được hàng ở đây”, người đàn ông tên Định thở dài nói.

Đi sâu vào nhà A1 khu chợ 1 tầng, hiện ra trước mắt chúng tôi là hàng dãy dài các ki-ốt đều khóa cửa. Ổ khóa ki-ốt nào cũng phủ một lớp bụi vì lâu ngày không được mở. Hành lang ngổn ngang rác. Trên tường không thiếu những tờ giấy đề chữ “bán ki-ốt”, kèm theo số điện thoại liên hệ. Bước lên bậc cầu thang sắt để lên trần xép, vốn là nơi chứa hàng của nhà A1, chúng tôi phải bịt chặt mũi vì mùi xú uế bốc ra nồng nặc. Sàn trần xép đầy phân người cùng la liệt bơm kim tiêm của dân nghiện ma túy để lại.  

Việc xây chợ ở Hà Nội dường như trở thành phong trào từ đầu năm 2000. Nhiều chợ xây xong chỉ hoạt động được thời gian ngắn rồi rơi vào tình trạng mua bán cầm chừng hoặc buộc phải chuyển đổi mục đích vì không được tính toán kỹ lưỡng nhiều yếu tố, kể cả tập quán kinh doanh. Cách làm này gây lãng phí rất nhiều tiền của, công sức!

Rời khu nhà A1 sang khu nhà A2 của khu chợ 1 tầng, một lần nữa chúng tôi lại chứng kiến cảnh tượng bỏ hoang không khác gì ở khu nhà A1. Khu để xe, phía sau dãy chợ 1 tầng, cỏ dại mọc um tùm. Ngoài lối cổng chính phía đường 32 mở cửa, còn lại những cổng khác dẫn vào chợ đều cửa đóng then cài.

Tiếp xúc với chúng tôi, Phó BQL chợ Nguyễn Xuân Trung cho rằng chợ vắng dần do không thu hút được tiểu thương, người mua không quen mối hàng, chợ lại cách xa trung tâm thành phố nên người mua kẻ bán đều đi qua chợ Dịch Vọng, Long Biên... Một nguyên nhân nữa khiến chợ đầu mối Minh Khai hoạt động cầm hơi là do QL32 đoạn qua chợ vẫn đang trong quá trình thi công nên đường khó đi. “Bên cạnh đó, quanh chợ đầu mối còn tồn tại nhiều chợ tạm nên rất khó để thu hút khách hàng cũng như người kinh doanh”, ông Trung nói.

Xây 10 tỉ đồng cho... 20 hộ mua bán

Các ki-ốt bên trong khu chợ 1 tầng của chợ đầu mối Minh Khai cửa đóng then cài

Cách chợ đầu mối Minh Khai không xa là chợ hoa Tây Tựu cũng đang trong tình trạng “chết dần chết mòn”. Chợ được xây dựng trên khu đất rộng cạnh QL70 từ những năm 2000, với mong muốn làm cho làng hoa Tây Tựu trở thành vùng trung tâm mua bán hoa phía tây Hà Nội. Nhưng do không tính toán kỹ, không tìm hiểu sâu thị trường nên khi chợ xây xong lại bỏ không.

“Làng hoa Tây Tựu này chủ yếu trồng hoa hồng và một số loại khác như hoa đồng tiền, hoa cúc vàng... nên chợ hoa không đa dạng, không thu hút được lái buôn hoa về thu mua. Ban đầu, chúng tôi cũng mang ra chợ hoa này bán, nhưng ít người đến mua, ế hàng lại phải chở ra tận chợ hoa Quảng Bá (Q.Tây Hồ) để bán. Ở chợ hoa Quảng Bá, nơi nơi đổ về, đa dạng các loại hoa, lái buôn phần lớn đổ về đây gom hàng nên giá được cao hơn”, chị Nguyễn Thị Hương, xóm 2, xã Tây Tựu cho biết.

Vào thời điểm hiện tại, chợ hoa Tây Tựu bán hàng thịt cá, thực phẩm và... bãi để vật liệu xây dựng.

Chợ đầu mối nông sản Xuân Đỉnh (H.Từ Liêm) cũng được xây dựng quy mô 10.000m2, khánh thành và đưa vào hoạt động từ tháng 10.2001. Nhưng chỉ sau một thời gian hoạt động, phần lớn các ki-ốt đều phải đóng cửa vì vắng khách. Nguyên nhân, chợ nằm gần đường cao tốc Nam Thăng Long nhưng cổng chợ lại hướng vào con ngõ rộng chưa đầy 6m, khuất mắt và khó vào.

Tương tự, được đưa vào sử dụng từ năm 2003 nhưng đến nay chợ Thượng Đình (Q.Thanh Xuân, kinh phí gần 10 tỉ đồng) cũng chỉ có trên dưới 20 tiểu thương kinh doanh. Nguyên nhân là lối ra vào bất hợp lý. Người đi trên đường Nguyễn Trãi theo hướng từ ngã tư Sở xuống Hà Đông có thể vào chợ dễ dàng. Nhưng lưu thông theo chiều ngược lại, muốn vào chợ phải đi ngược chiều nếu không muốn lên một đoạn khá xa mới có chỗ sang đường.

            Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.