Những công trình lãng phí: Tiền tỉ tan theo dự án nước

20/07/2010 00:29 GMT+7

Dự kiến bỏ ra hơn 1.700 tỉ đồng để xây dựng nhà máy nước và mạng cấp hai nhằm cung cấp nước cho các khu dân cư, khu công nghiệp... trên địa bàn. Nhưng nhà máy xây xong rồi mà mạng cấp nước đến các khu công nghiệp chưa có, các dự án công nghiệp lớn cũng đình trệ, khiến nguy cơ tiền tỉ trôi theo nước.

Xây nhà từ nóc

Sự việc bắt đầu từ năm 2009 khi Công ty cổ phần BOO nước Đồng Tâm (DTW) khởi công xây dựng một nhà máy cấp nước và hệ thống chuyển tải với công suất 90.000 m3/ngày tại xã Bình Đức, H.Châu Thành (Tiền Giang) theo phương thức hợp đồng xây dựng - sở hữu - vận hành (BOO). Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.412 tỉ đồng.

Theo hợp đồng ký với UBND tỉnh Tiền Giang, khi nhà máy vận hành, tỉnh sẽ bao tiêu toàn bộ nước sạch theo giá sỉ với khối lượng 50.000 m3/ngày trong năm đầu tiên. Mỗi năm tiếp theo sẽ tăng thêm 10.000 m3/ngày và đến năm thứ 5 thì đạt công suất 90.000 m3/ngày. Nước sạch sẽ được chuyển tải từ nhà máy DTW về Gò Công theo đường ống phi 900 và 800 qua chặng đường hơn 45 km.

Để thực hiện phương án trên, ngày 21.6.2009 UBND tỉnh Tiền Giang ký tiếp hợp đồng xây dựng -chuyển giao (BT) trị giá 328 tỉ đồng với Công ty Great Lead International Limited (Hồng Kông) xây dựng hệ thống đường ống cấp 2 để tiếp nhận, phân phối nước sạch của DTW từ thị xã Gò Công đi các khu, cụm công nghiệp và các vùng dân cư lân cận với tổng chiều dài khoảng 100 km. Thời gian hoàn thành giai đoạn 1 dự kiến là một năm. Nhưng đến nay dự án này vẫn còn... trên giấy.

Theo UBND tỉnh thì sau khi dự án được phê duyệt, các ngành chức năng sẽ thực hiện việc rà phá bom mìn, đánh giá tác động môi trường, đền bù giải tỏa... Do đó dự án trên có thể đến cuối năm 2010 mới triển khai! Trong khi đó thì Nhà máy DTW đã hoàn thành từ lâu, vì vậy đơn vị này đã liên tục ra “tối hậu thư” về thời hạn phát nước. Đầu tiên là ngày 1.5 rồi 1.7 và bây giờ thời hạn chót là 1.8.2010. Đến lúc đó họ vẫn sẽ phát nước và tỉnh vẫn phải trả tiền đúng theo hợp đồng, cho dù chưa có... đường ống phân phối nước (!).

Là đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận nguồn nước từ nhà máy của DTW, ông Huỳnh Công Dũng, Giám đốc Công ty cấp nước Tiền Giang, than thở: “Tiếp nhận nguồn nước của DTW đồng nghĩa với việc công ty phải tạm ngừng hoạt động các nhà máy và trạm cấp nước hiện hữu từ Mỹ Tho đến Gò Công, cùng với hệ lụy là hàng trăm công nhân phải nghỉ việc. Trong số này, có Nhà máy nước Bình Đức với công suất 30.000 m3/ngày, được xây dựng bằng vốn vay ODA của Pháp từ năm 1996 nhưng hiện chỉ mới sử dụng đến 20.000 m3/ngày và chưa trả nợ xong”.

Lý giải về chuyện “xây nhà từ nóc”, thiếu sự đầu tư đồng bộ, các ngành chức năng của tỉnh đã có cuộc họp với DTW và cho rằng nguyên nhân khiến dự án xây dựng hệ thống tiếp nhận nước (BT) chậm tiến độ là do các thủ tục về xây dựng kéo dài. Ngoài ra, khi kêu gọi đầu tư nhà máy nước, tỉnh cũng dự kiến các khu, cụm công nghiệp ở khu vực Gò Công sẽ triển khai rất nhiều dự án lớn, như Nhà máy đóng tàu Vinashin (285 ha), khu dịch vụ dầu khí (920 ha) và dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng của Úc (1.000 ha)... Tiếc rằng đến nay các dự án này chỉ mới dừng lại ở việc san lấp hoặc đăng ký rồi... để đó, nên không có nhu cầu sử dụng nước.

Sẽ chi mỗi ngày gần 1 tỉ đồng?

Để cứu nguy cho dự án gần 2.000 tỉ đồng khỏi bị phá sản, tỉnh đành phải “chữa cháy” bằng cách cho đấu nối nguồn nước của DTW vào hệ thống nước sinh hoạt của dân cư. Nhưng bài toán khó giải nhất hiện nay là giá. Cụ thể, trong khi người dân đang sử dụng nước sinh hoạt với đơn giá bình quân là 5.086 đồng/m3, thì giá bán sỉ của DTW năm đầu tiên là 8.000 đồng/m3 rồi tăng dần lên đến 16.761 đồng/m3. Do vậy, nếu tỉnh phải cấp bù phần chênh lệch thì theo tính toán, chỉ với chênh lệch 2.914 đồng/m3 (8.000 đồng - 5.086 đồng), nhân với khối lượng 50.000 m3/ngày thì mức bù lỗ sẽ lên đến hơn 145 triệu đồng/ngày, tương đương khoảng 4,3 tỉ đồng/tháng và hơn 52 tỉ đồng/năm. Nhưng đây chỉ là mức bù lỗ cho năm đầu tiên, trong khi cứ 2 năm giá nước lại tăng một lần cho đến năm thứ 20.

Nhằm giảm bớt thiệt hại cho ngân sách, UBND tỉnh đề xuất phương án trả tiền nước cho DTW theo khối lượng tiêu thụ thực tế. Riêng phần nước bị dư thừa hai bên sẽ đàm phán, thỏa thuận lại đơn giá, trên cơ sở tính toán lại tổng mức đầu tư thực tế. Nhưng phía DTW không chấp nhận, vì cho rằng chính họ cũng bị thiệt hại nặng vì dự án kéo dài. Tuy nhiên, điều khó hiểu là theo báo cáo của UBND tỉnh thì ngày 5.11.2007, tỉnh đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ khối lượng nước của DTW với giá bán sỉ trong 2 năm đầu tiên là 6.000 đồng/m3. Mỗi 2 năm tiếp theo sẽ tăng giá một lần, đến năm thứ 20 thì đạt mức 9.308 đồng/m3. Nhưng rồi ngày 25.9.2008, chưa đầy một năm sau thì UBND tỉnh lại ký thêm với DTW một phụ lục hợp đồng. Kết quả là giá nước trong 2 năm đầu tiên được nâng lên 8.000 đồng/m3 và tăng dần mỗi 2 năm. Đến năm thứ 20 thì đơn giá là 16.761 đồng/m3, tức là tăng gần gấp đôi so với hợp đồng trước đó.

Trước tình trạng rối rắm chưa tìm được lối ra, ngày 18.6.2010 Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phòng ký văn bản báo cáo với Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, theo hướng sẽ đàm phán với DTW để tạm dừng đầu tư giai đoạn 2 của dự án, đồng thời sẽ tiếp nhận nước với công suất 25.000 m3/ngày trong năm đầu tiên. Mỗi năm tiếp theo sẽ tăng thêm 5.000 m3/ngày cho đến khi đạt công suất 50.000 m3/ngày. Theo tính toán của UBND tỉnh, nếu thực hiện phương án này thì tỉnh phải mua lại nước từ DTW với giá 12.700 đồng/m3. Sau khi cộng thêm chi phí vận hành và phân phối, tổng chi phí tỉnh phải trả trong năm đầu tiên sẽ là 141,8 tỉ đồng. Trong khi đó thì tổng số tiền thu được từ việc cung cấp nước cho người dân là 32,4 tỉ đồng/năm. Như vậy ngay trong năm đầu tiên tỉnh phải bù lỗ 109,4 tỉ đồng. Mỗi năm tiếp theo khối lượng nước sẽ tăng thêm 5.000 m3/ngày. Trong 20 năm, UBND tỉnh dự kiến tổng số tiền phải cấp bù lỗ giá nước lên đến 6.203 tỉ đồng.

Mặt khác, để rút ngắn thời gian trả nợ, UBND tỉnh cũng đề xuất mua lại đường ống của DTW theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) trong thời hạn 10 năm. Theo phương án này, sau khi hợp đồng BT của tuyến ống cấp 2 hoàn thành thì mỗi năm tỉnh phải trả nợ cho nhà đầu tư khoảng 97 tỉ đồng. Nếu mua lại đường ống của DTW thì mỗi năm tỉnh phải trả thêm khoảng 144 tỉ đồng, chưa kể hơn 109 tỉ đồng bù lỗ giá nước. Tính ra mỗi năm tỉnh phải chi khoảng 350 tỉ đồng, tương đương 29 tỉ đồng/tháng!

Hoàng Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.