Những công việc nào giáo viên TP.HCM làm trong hè sẽ được tính thu nhập tăng thêm?

Bích Thanh
Bích Thanh
21/11/2024 11:30 GMT+7

Trong thời gian vừa qua, khá nhiều giáo viên tại TP.HCM thắc mắc những công việc nào thực hiện trong thời gian nghỉ hè được xác định để tính thu nhập tăng thêm? Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ TP.HCM đã họp bàn và thống nhất đưa ra những quy định cụ thể.

Những công việc nào giáo viên TP.HCM làm trong hè sẽ được tính thu nhập tăng thêm?- Ảnh 1.

Công tác coi thi tốt nghiệp THPT được xác định là nhiệm vụ trong thời gian nghỉ hè tính thu nhập tăng thêm

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Ngày 21.11, Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai đến các trường việc xác định nhiệm vụ chuyên môn trong thời gian nghỉ hè để làm cơ sở tính số ngày làm việc thực tế và chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên.

Các hoạt động chuyên môn được xác định tính thu nhập tăng thêm

Hoạt động giảng dạy và học tập có sản phẩm trực tiếp

  • Công tác tuyển sinh (không bao gồm các hoạt động hỗ trợ tiếp sức mùa thi, các hoạt động giới thiệu, quảng bá, cung cấp thông tin tuyển sinh đến học sinh, sinh viên).
  • Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh, sinh viên, học viên (bao gồm cả bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn tập chuẩn bị cho các kỳ thi, sát hạch, dạy học cho các đối tượng phổ cập giáo dục…) tại đơn vị sự nghiệp công lập theo kế hoạch, phân công, chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (không bao gồm các hoạt động dạy học, bồi dưỡng không phục vụ mục đích triển khai kế hoạch, chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
  • Công tác tổ chức các kỳ thi, sát hạch bắt buộc do cơ quan nhà nước phân công, giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp công lập (không bao gồm các hoạt động hỗ trợ tiếp sức mùa thi, các hoạt động giới thiệu, quảng bá, cung cấp thông tin tuyển sinh đến học sinh, sinh viên).
  • Các hội thảo, hội nghị chuyên môn, các hoạt động nghiên cứu khoa học do cấp có thẩm quyền phân công, triển khai cho đơn vị sự nghiệp công lập chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, tham gia (không bao gồm các hoạt động do đơn vị sự nghiệp công lập tự xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện theo yêu cầu thực tế, tự nguyện của các tổ chức, cá nhân khác).

Căn cứ xác định nhiệm vụ chuyên môn để tính thu nhập tăng thêm cho giáo viên

Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ thống nhất, những nội dung, hoạt động có liên quan trực tiếp đến công tác dạy và học trong nhà trường (có căn cứ pháp lý hoặc hướng dẫn chính thức của cấp có thẩm quyền) thì mới được xem xét, công nhận là nhiệm vụ chuyên môn; những hoạt động khác không liên quan trực tiếp thì không được xem là nhiệm vụ chuyên môn.

Các nhiệm vụ chuyên môn trong thời gian nghỉ hè phải được cấp có thẩm quyền xác định cụ thể về thời gian thực hiện và phải có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, hoặc điều động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ cấp huyện trở lên.

Hiệu trưởng chịu trách nhiệm về việc phân công nhiệm vụ chuyên môn cho giáo viên, giảng viên thuộc thẩm quyền quản lý trong thời gian nghỉ hè. Khi phân công nhiệm vụ chuyên môn cho giáo viên, giảng viên trong thời gian nghỉ hè, người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập phải công khai, nêu rõ trách nhiệm; có bảng chấm công; xác định cụ thể thời điểm bắt đầu và kết thúc từng hoạt động của từng cá nhân. Việc triển khai thực hiện phải được thông tin đầy đủ, đúng quy định đến người thực hiện để biết và có trách nhiệm hoàn thành công việc kèm các minh chứng sản phẩm hoàn thành.

Các hoạt động bắt buộc phục vụ cho nhiệm vụ giảng dạy và học tập

  • Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ năng liên quan trực tiếp đến chuyên ngành, nội dung giảng dạy (trên cơ sở triển khai thực hiện theo kế hoạch, phân công, chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
  • Phổ biến kiến thức bắt buộc về nhiệm vụ xây dựng và triển khai kế hoạch năm học, chương trình đào tạo, quy định pháp luật chuyên ngành và các văn bản chỉ đạo chuyên ngành do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp trên ban hành.
  • Các kỳ kiểm tra, sát hạch về chuyên môn, nghiệp vụ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện nhằm kiểm tra, đánh giá năng lực của giáo viên, giảng viên.
  • Các hội nghị chuyên môn bắt buộc (do đơn vị sự nghiệp công lập hoặc các tổ chức cấu thành của đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức) để triển khai thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và học tập (có báo cáo, thuyết minh cụ thể đây là hình thức duy nhất và phù hợp nhất để triển khai thực hiện nhiệm vụ và nếu không tổ chức thì không thể hoàn thành nhiệm vụ).
  • Đối với các hoạt động của trợ lý thanh niên, tổng phụ trách Đội trong thời gian hè bao gồm các hoạt động liên quan công tác Đoàn, Đội theo kế hoạch tổ chức hoạt động hè của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Những công việc nào giáo viên TP.HCM làm trong hè sẽ được tính thu nhập tăng thêm?- Ảnh 2.

Từ năm 2018 đến nay, giáo viên TP.HCM được hưởng thu nhập tăng thêm cao nhất đến hơn 18 triệu đồng/tháng

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Những công việc không được tính làm cơ sở xét thu nhập tăng thêm

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng nêu rõ, các hoạt động không được xem là nhiệm vụ chuyên môn trong thời gian nghỉ hè bao gồm:

  • Các hoạt động chưa được xét duyệt, công nhận gồm các hoạt động chưa được cấp có thẩm quyền xét duyệt, công nhận (kể cả các hoạt động đó liên quan trực tiếp đến công tác giảng dạy và học tập).
  • Các hoạt động có sản phẩm trực tiếp nhưng không nằm trong kế hoạch, phân công, chỉ đạo, hướng dẫn, xét duyệt, công nhận cụ thể của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ cấp huyện trở lên.
  • Các hoạt động mà đơn vị sự nghiệp công lập được phân công phải hoàn thành trong thời gian năm học nhưng chưa hoàn thành mà phải kéo dài trong thời gian hè (trừ trường hợp bất khả kháng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận và cho phép thực hiện bằng văn bản).
  • Các hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập do các tổ chức, cá nhân giao kết, phối hợp thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, tự chịu trách nhiệm.
  • Các hoạt động không liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ giảng dạy và học tập: Các hoạt động liên quan đến công tác Đảng, đoàn thể, hoạt động ngoại khóa, phong trào, thiện nguyện, công tác phổ cập giáo dục (trừ các hoạt động dạy học), công tác xã hội liên quan đến chính quyền địa phương; Các hoạt động đặc thù chỉ xảy ra ở một số đơn vị sự nghiệp công lập như: hội nghị, hội thảo, mạn đàm, nghiên cứu khoa học, đi thực tế thu thập dữ kiện… nhưng không thuộc chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của đơn vị hoặc không nằm trong kế hoạch, phân công, chỉ đạo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
  • Các hoạt động mà giáo viên, giảng viên phải thực hiện để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, thiếu sót hoặc không đạt yêu cầu về nhiệm vụ được giao.
  • Các hoạt động nằm ngoài phạm vi các hoạt động chuyên môn.

Giáo viên ở TP.HCM có thể nhận thu nhập tăng thêm cao nhất hơn 18 triệu đồng/tháng

Từ năm 2018, cùng với việc Quốc hội ban hành nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển, TP.HCM đã thực hiện chính sách chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Theo đó, năm 2018 tăng 0,6 lần, năm 2019 là 1,2 lần và từ năm 2020, hệ số điều chỉnh tăng lên 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, TP quyết định hệ số ở mức 0,6 - 1,2 lần.

Mới đây, thực hiện theo Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND ngày 19.9.2023 quy định chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24.6.2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, TP quy định hệ số điều chỉnh tăng thu nhập năm 2023 đến hết thời gian thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội để thực hiện cơ chế đặc thù. Theo đó, mức chi thu nhập tăng thêm tối đa là 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ và chi thu nhập tăng thêm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của TP. TP sẽ cân đối nguồn cải cách tiền lương để đảm bảo chi tăng lương theo lộ trình của Chính phủ và chi thu nhập tăng thêm. Trường hợp không đủ nguồn chi ở mức 1,8 lần, UBND TP sẽ báo cáo HĐND TP quy định hệ số phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.

Theo Nghị quyết 185 của HĐND TP.HCM ban hành tháng 12.2023 về dự toán thu ngân sách nhà nước và thu chi ngân sách năm 2024, hệ số chi thu nhập tăng thêm tối đa là 1,5 lần so với tiền lương ngạch bậc, chức vụ. Đối với các đối tượng nhận thu nhập tăng thêm theo mức tiền cụ thể, mức chi tối đa 3 triệu đồng/tháng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.