Đó là hình ảnh thường thấy vào những chiều cuối tuần ở công viên Tân Thuận (Q.7, TP.HCM). Hàng chục phụ huynh đưa con đến đây cùng những chiếc xe thăng bằng, rồi lập đường đua, "bày binh bố trận" những chướng ngại vật, sau đó để trẻ luyện tập, vui chơi cùng những chiếc xe.
Dạn dĩ, hạn chế bệnh
Vừa đeo đồ bảo hộ cho con, anh Trần Trọng Phú (27 tuổi, ở Q.4, TP.HCM) cho biết đã cho con tập luyện và chơi trò này được nửa năm nay. Ban đầu mua xe thăng bằng về cho con tập đi, không ngờ con thích và từ đó hướng dẫn con biểu diễn với xe thăng bằng.
Anh Nguyễn Vũ Thanh (34 tuổi, ở Q.7, TP.HCM), cũng bảo con tỏ ra rất mê trò này. Từ ngày mua xe về, con bị mê hoặc, luôn thích tập luyện với xe. Và nhất là khi được đưa đến những chỗ có những người bạn cùng lứa chơi xe thăng bằng, con hào hứng hơn hẳn.
Sau những động tác khởi động, đeo đồ bảo hộ ở cùi chỏ, đầu gối, nón bảo hiểm, giày thể thao bít mũi để bảo vệ ngón chân..., cả nhóm phụ huynh đưa xe cho con, cùng đứng dàn ngang. Một phụ huynh đứng ra làm trọng tài, thổi còi xuất phát. Lập tức hàng chục cua rơ nhí, ở độ tuổi từ 3 - 6 tuổi, điều khiển xe tiến về phía trước. Gặp chướng ngại vật vội lách qua và tiếp tục tiến lên. Có cua rơ ngả xuống, không hề khóc lóc, đứng dậy cầm xe, bước chân thật nhanh để đuổi theo cho bắt kịp "đối thủ" của mình... "Huấn luyện viên", là những phụ huynh, ở bên ngoài, chạy theo để phòng trường hợp con bị ngã, động viên "cố lên nào Tin", "đúng rồi, bước đến nhanh hơn nào"...
Không chỉ ở TP.HCM, mà hiện nay, phụ huynh ở nhiều tỉnh, thành cũng tham gia vào trào lưu cho con chơi xe thăng bằng. Từ Đồng Nai, TP.HCM cho đến Hà Nội, Đà Nẵng... đều có những hội, nhóm được thành lập dành cho những phụ huynh có con thích chơi trò này.
Anh Thái Văn Vinh (33 tuổi, ở Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết sở dĩ cho hai con (năm nay hơn 3 tuổi và 5 tuổi) chơi xe thăng bằng vì có thể giúp con dạn dĩ hơn. Việc hoạt động như thế sẽ tăng sức đề kháng, nhờ vậy ít bị những "bệnh vặt" như cảm, sổ mũi, nóng sốt...
"Con mình mới được gần 4 tuổi nhưng rất khoái trò này. Mà từ ngày chơi, chân của con trở nên cứng cáp hơn. Việc tiếp xúc với bạn bè trong những 'cuộc đua', những lần tập luyện như thế khiến con trở nên dạn dĩ, bớt sợ hãi, và bản lĩnh hơn rất nhiều", chị Hồ Thúy Nga (28 tuổi, ở Q.7, TP.HCM), cho biết.
Chị Nga cũng cho biết thêm để con có thể chơi xe thăng bằng thật tốt, chị cũng đã mời huấn luyện viên có chuyên môn hướng dẫn thêm cho con, nhằm tập luyện có kỹ thuật, biết cách đẩy xe bằng chân như thế nào cho nhanh, hay cách để giảm tốc độ bằng chân như thế nào là an toàn, cũng như tránh những chấn thương đáng tiếc xảy ra.
"Để con chơi trò này một cách an toàn nhất, khi tập cho con chơi, nên hướng dẫn con điều khiển xe đi thật chậm. Phụ huynh nên đi bên cạnh để đỡ con. Sau đó hướng dẫn con đi với tốc độ nhanh hơn, có thể lấy chân lên khỏi mặt đất để xe lướt đi. Cứ hướng dẫn cho đến khi thuần thục", anh Thanh nói thêm.
Thi đấu quốc tế
Không dừng lại ở việc tập luyện, những ông bố, bà mẹ trẻ còn cùng nhau tổ chức những giải đấu để cho con em thi đấu. Những giải đua liên tục được tổ chức hàng tuần, là cơ hội để phụ huynh gặp gỡ, giao lưu với nhau, cũng như để những nhóc tì có dịp được thể hiện tài năng của mình trong việc vượt qua thử thách, đưa xe tiến về phía trước nhanh nhất.
Ngoài ra, nhiều cuộc thi quy mô lớn trên toàn quốc cũng được tổ chức như: giải đua xe thăng bằng Ader Cup, 3RD Mini Racing, giải đua xe thăng bằng chuyên nghiệp dành cho trẻ em TP.HCM...
Thậm chí có cả những phụ huynh đưa con em ra nước ngoài để thi đấu với trẻ em các nước khác. Như anh Thái Văn Vinh từng đưa hai con là Thái Vĩnh Nguyên (3,5 tuổi) và Thái Bảo Nguyên (5,5 tuổi) "xuất ngoại" 4 lần qua các nước Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia để thi đấu đua xe thăng bằng. Trong đó, mới đây nhất, tại giải Strider Malaysia vừa qua, Thái Vĩnh Nguyên đã dành giải nhì và Thái Bảo Nguyên vào top 4 chung cuộc giải mở rộng dành cho lứa tuổi từ 2 - 6 tuổi.
Xe thăng bằng chỉ có hai bánh, giúp trẻ tập giữ thăng bằng trên xe. Có nhiều loại như: Strider, Nimbus, Ander, Baby Sport, Tacke, Binbo... được sản xuất ở nhiều nước khác nhau. Giá mỗi xe thăng bằng cho trẻ giao động từ vài trăm đến vài triệu đồng. |
Bình luận (0)