Dù không đủ thời gian và điều kiện để đọc hết thơ của những nhà thơ Việt định cư ở nước ngoài, nhưng với những gì mình đã đọc, tôi có thể nói rằng hầu hết thơ của những nhà thơ xa quê hương đều đáng quý, đáng trân trọng. Đó là thơ của những thân phận người Việt, là thế giới nội tâm của người Việt luôn cảm thấy trong vô thức nỗi cô đơn của con người khi bị bật gốc, khi phải tha hương, thậm chí lưu vong. Đó là thơ của nỗi hoài nhớ, của những day dứt, những buồn vui đau khổ không thoát ngoài cái “danh tính” người Việt. Khi được hòa nhập vào thơ Việt hiện đại, thơ những người Việt định cư ở nước ngoài sẽ làm phong phú, làm giàu có thêm cho thơ Việt.
Còn nhớ có lần, nhà thơ Du Tử Lê - một nhà thơ Sài Gòn cũ từng có thời khoác áo lính Cộng hòa, nay định cư ở Mỹ - về Quảng Ngãi làm đám cưới cho con trai, đã đến thăm tôi. Dù chưa gặp nhau lần nào, trong chiến tranh lại từng ở hai chiến tuyến đối địch, nhưng chúng tôi đã hồ hởi chuyện trò với nhau như những người bạn. Khi tôi hỏi vì sao lâu nay anh không về thăm quê, anh Du Tử Lê thú nhận là anh... sợ. Sợ và ngại, chẳng biết những anh em văn nghệ, những nhà thơ đồng nghiệp trong nước sẽ đối xử với mình thế nào?
|
Sau cuộc chuyện trò và mời tôi tham dự đám cưới con trai lấy vợ Quảng Ngãi, anh Lê nói: “Nếu tôi biết gặp các anh mà vui và cởi mở thế này, tôi đã xin về thăm quê từ lâu. Nếu một lúc nào đó trong tương lai tôi xin về định cư tại... Quảng Ngãi, anh nghĩ sao?”. Còn nghĩ sao nữa, dĩ nhiên là một nhà thơ, tôi rất vui vì quyết định ấy của anh.
Nhà thơ Du Tử Lê cũng vui mừng báo tôi biết là NXB Văn nghệ TP.HCM đã đồng ý in lại một tập Thơ tình Du Tử Lê gồm những bài thơ tình yêu thời chiến tranh của anh. Tôi nói với Du Tử Lê là nếu anh in lại tại Việt Nam trường ca Mẹ về Biển Đông của anh, tôi tin tác phẩm này sẽ có tiếng vang. Theo tôi, đó là một trong những trường ca hiện đại viết bằng Việt ngữ hay nhất trong 30 năm qua. Năm 2003, khi có dịp ghé Paris, tôi đã được đọc trường ca này ở nhà một người bạn và tôi đã khóc.
Dù đi đâu về đâu thì người Việt vẫn là người Việt thôi. Và mẹ ta thì muôn đời vẫn là mẹ ta thôi! Tôi nghĩ, Hội Nhà văn nên có hẳn một kế hoạch dài hơi để tạm gọi là “Đưa thơ người Việt ở nước ngoài về quê hương”. Dĩ nhiên, đây chẳng dính dáng gì tới cái gọi là “Chuyển lửa về quê nhà” cả. Các nhà xuất bản cũng nên rộng rãi hơn trong chuyện cấp phép cho tác giả người Việt định cư ở nước ngoài có thể in thơ mình ở trong nước. Thơ, thật là thơ, bao giờ cũng mang tính nhân văn sâu sắc, vì nó là tiếng nói trực tiếp của tâm hồn con người. Nó phải tuyệt đối chân thành nếu muốn được đón nhận, nếu muốn tồn tại. Không có gì phải sợ thơ cả, nếu thực sự là những con người bình thường, những người đọc bình thường. Và đã là thơ thứ thiệt thì dù được sáng tác ở đâu, trong hoàn cảnh nào, cũng sẽ được đón nhận được đồng cảm nếu nó thực sự gây được một “từ trường đồng cảm”. Những nhà thơ, nhất là nhà thơ người Việt với nhau, cũng rất cần được giao lưu, được đọc nhau nhiều hơn nữa trong một thế giới hiện đại mà không phải bao giờ và ở đâu thơ cũng được quan tâm đúng như nó đáng được như thế.
Mấy năm gần đây, tôi có cơ hội đọc nhiều hơn những nhà thơ Việt ở hải ngoại. Với những bài thơ hay (dĩ nhiên theo cảm nhận của tôi) thì tôi đều đồng cảm. Khi đọc thơ người khác, tôi cũng chỉ là người đọc bình thường, và nếu thơ ấy hay (theo tôi) thì tôi nói là thơ ấy hay. Thế thôi. Và tôi nghĩ, đó cũng là cách đọc thơ trên toàn thế giới, không có bất cứ sự khác biệt nào.
Cách đây mấy năm, tôi có in bài thơ Một người lính nói về thế hệ mình trong một tuyển tập thơ Việt được dịch ra tiếng Anh và xuất bản tại Mỹ. Qua phản hồi, tôi biết nhiều người Mỹ, trong đó có những cựu binh Mỹ, rất thích bài thơ này. Đó là bài thơ viết trong chiến tranh, viết bởi một “Việt Cộng” là tôi, ở một chiến tuyến đối địch, nhưng khi thơ ấy chân thành, trong trẻo, nhân bản, nó vẫn được đón nhận bởi những người đọc ở quốc gia khác, thậm chí là ở những người vốn ở trong đội quân thù địch, gọi trắng phớ ra là đội quân xâm lược.
Khi những nhân vật chính trị hàng đầu ở “phía bên kia” thuở nào như ông Nguyễn Cao Kỳ (bây giờ ông Kỳ đã thành người thiên cổ) vẫn vui vẻ về nước và được đón tiếp rất ân cần trọng thị, thường xuyên xuất hiện trên VTV ở những chương trình Nhớ lại 30 năm chiến tranh Việt Nam, lại còn tham gia vào những dự án liên doanh kinh tế và du lịch hoành tráng, thì không vì lẽ gì mà những nhà thơ người Việt, những người đã ra đi trong những thời điểm khác nhau và nói chung cũng chẳng có tội tình gì, lại không được “trở về” cùng với thơ của mình?
tin liên quan
Ba ngọn lửa bất tử - Kỳ 3: Ngô Kha - người đãng trí can trường
Trường ca Ngụ ngôn của người đãng trí đã đưa Ngô Kha - một nhà thơ tranh đấu trong phong trào hòa bình và dân tộc ở Huế - trở thành nhà thơ Việt đầu tiên kết hợp được thơ siêu thực và thơ yêu nước.
Bình luận (0)