Với tư duy của một cô nhỏ tuổi lên bảy, việc được làm chủ nhiều cuốn sách lẽ dĩ nhiên oách hơn một cuốn sách rất nhiều...
1. Ngày còn bé, dì Lan Anh, con chú ruột mẹ tôi ở chung nhà suốt thời gian dì học đại học. Nhà tôi ở Trung Đô, gần trường dì theo học, chỉ cách tầm 2 km. Dì tôi ngoài thời gian đi học, gặp gỡ một hai người bạn, còn lại là thời gian dành cho sách.
Một lần, dì cho tôi tuyển tập thơ Tố Hữu. Tập sách phải dày cỡ hai phần ba gang tay tôi lúc ấy. Và dĩ nhiên nó rất đồ sộ trong mắt tôi. Và với tư duy của một cô nhỏ tuổi lên bảy, việc được làm chủ nhiều cuốn sách lẽ dĩ nhiên oách hơn một cuốn sách rất nhiều. Với tư duy tưởng đúng đắn ấy, tôi vô tư ngồi cắt chỉ khâu giữa những phần sách và chia cuốn sách làm nhiều phần, thành những tập mỏng bằng cuốn tập đọc. Từ một tuyển tập thơ Tố Hữu, tôi có 4, 5 cuốn thơ nhỏ: Từ ấy, Gió lộng...
Mẹ tôi phát hiện ra, nói với dì. Dì tôi, với đôi mắt buồn day buồn dứt, cầm cuốn sách yêu quý của mình đã bị con cháu phanh thây thành nhiều phần lên, nói: “Cháu biết không, mỗi cuốn sách là một người bạn của mình. Nếu cháu hiểu điều ấy, dì nghĩ cháu sẽ không bao giờ xẻ sách làm nhiều phần như thế này. Một vết đứt tay của mình còn đau, huống chi xẻ năm xẻ bảy? Nếu cháu muốn có nhiều sách hơn, dì sẽ giúp cháu dành dụm, tích lũy, và cháu sẽ có. Chứ không phải bằng cách xẻ sách ra...”. Vừa nói, dì vừa tỉ mẩn khâu cuốn sách lại như cũ. Dĩ nhiên công khâu lại vất vả gấp chục lần công phá ra.
Dì chưa bao giờ la mắng tôi, kể cả khi dì mang cuốn sách dì yêu quý nhất tặng tôi và nhìn thấy tôi đối xử không ra gì với nó thì dì vẫn nhắc nhở hết mức dịu dàng. Và khi tôi mới chỉ có vài cuốn sách cổ tích, thơ, truyện mà dì tặng, dì đã nhờ một người bạn đóng hộ tôi giá sách. Giá chỉ để vài cuốn sách lèo tèo nhưng theo năm tháng đã đầy dần. Cảm giác giá sách từ những ngày trống trơn đến lúc khá đầy đặn rất thích. Thích hơn nữa là khi nhìn vào cuốn sách nào đó bạn có thể ngay lập tức nhìn ra có một thế giới xa lạ mà mình có thể cùng khóc cùng cười trong đó. Đến giờ tôi vẫn nghĩ, nếu cô bé cậu bé nào có cảm xúc như mình ngày ấy, đó cũng là một phần hạnh phúc ấu thơ.
2. Bạn tôi kể, bạn đến với những cuốn sách đầu tiên khá bị động. Ba thường xuyên công tác xa nhà, mẹ đi làm sáng đi chiều về nên những ngày nghỉ học bạn sẽ bị… khóa cửa ngồi trong nhà. Đó là cách “quản lý” những cậu trai tuổi gà cồ ngỗ nghịch.
Nhà chỉ là một căn phòng rộng chưa tới hai mươi mét vuông. Căn phòng trống hầu như không có gì đáng kể ngoài giá sách phủ kín một bức tường. Và khi bắt đầu biết đọc, bạn đọc thấy tấm bảng mẹ ghi: “Cấm con nít đọc!”.
Cấm thì cấm, làm sao cấm một đứa vừa biết đọc đọc những gì nó nhìn thấy? Nhất là khi đứa ấy bị nhốt ở nhà thường xuyên với vài cái ô tô nhựa mà nó đã quá tuổi chơi từ lâu. Và bạn vớ lấy những cuốn ngang tầm mắt mình: Hai vạn dặm dưới đáy biển, Dế mèn phiêu lưu ký... Những ngày bị nhốt của bạn trở nên thú vị hơn bao giờ.
Về sau, mẹ bật mí, vì nắm được tâm lý cu cậu hay tò mò nên mẹ mới viết tấm bảng ấy để kích thích cu cậu đọc sách. Và kết quả đúng như dự đoán, cậu con ngỗ nghịch dần thuần tính hẳn khi biến thành mọt sách.
Sẽ có rất nhiều câu chuyện thú vị về sách. Những cuốn sách đầu tiên, những cuốn sách của một người đặc biệt nào đó tặng bạn hoặc có khi một người bạn thương tặng không nhân một dịp gì, chỉ nhân một ngày trở gió, nhân một ngày lá me rụng, hoa sao bay… Hết thảy chỉ là cái cớ để những người yêu sách, yêu chữ sẻ chia một chút tâm giao lòng mình. Tôi vẫn nghe nhiều người nói rằng, tiếc thời gian thuyết phục ai đó đọc sách. Bởi nếu đến với sách, không yêu thì khó lòng ngồi lại qua năm dài tháng rộng. Và nếu yêu thì cần chi thuyết phục, tự người với sách sẽ tìm đến với nhau. Ngược lại, tôi cũng như bạn tôi hoặc rất nhiều ai đó từng bị thuyết phục đọc sách vì những câu chuyện nhỏ như dì tôi, mẹ bạn vô tư sẻ chia trong thời thơ ấu. Và vì thế, sẻ chia với nhau, tin rằng vẫn luôn làm sách và người đáng yêu hơn.
Bình luận (0)