Những danh tướng thất sủng: Georgy Zhukov, vị nguyên soái phi thường

06/11/2013 09:00 GMT+7

Dân gian Nga tin rằng các cậu bé được đặt tên theo vị thánh quân sự nổi tiếng người La Mã George (St.George) sẽ trở thành chiến binh quả cảm. Lịch sử cho thấy điều đó đúng với Georgy Zhukov.

Zhukov (trái) và chỉ huy quân đồng minh Dwight D.Eisenhower - Ảnh: pbs.org
Zhukov (trái) và chỉ huy quân đồng minh Dwight D.Eisenhower - Ảnh: pbs.org 

Lịch sử nhân loại từng chứng kiến nhiều chỉ huy quân sự huyền thoại mà những chiến tích của họ góp phần thay đổi hoặc thậm chí cứu rỗi thế giới. Những chiến công hiển hách đưa họ bước vào ngôi đền của các chiến binh được kính ngưỡng nhất mọi thời đại. Song khi trở về với sân khấu chính trị, hào quang chiến trận, tài năng quân sự thiên bẩm hóa ra là một mối đe dọa khi uy danh lừng lẫy của họ vượt lên trên cả những quyền lực chấp chính. Câu chuyện “điểu tận cung tàng” phảng phất từ thời cổ đại với những cái tên như Bạch Khởi, Hàn Tín… cho đến tận thế kỷ 20 với số phận anh hùng thất sủng dành cho những tên tuổi lừng lẫy như Georgy Zhukov, Douglas MacArthur hay Bành Đức Hoài…

Từ người lính Sa hoàng đến vị tướng Hồng quân

Theo Đài RT, Zhukov chào đời ngày 1.12.1896 tại làng Strelkovka gần thủ đô Moscow, trong một gia đình nông dân nghèo và phải học nghề bán lông thú. Năm 1915, Zhukov bị bắt lính và phục vụ cho quân đội Sa hoàng. Zhukov gia nhập Đảng Cộng sản sau cuộc Cách mạng vô sản năm 1917 và phục vụ Hồng quân Liên Xô trong cuộc nội chiến từ năm 1917 - 1921. Tuy nhiên, tên tuổi và tài năng của Zhukov chỉ được khẳng định sau khi ông được lãnh đạo Liên Xô khi đó là Joseph Stalin giao trọng trách chỉ huy cuộc chiến chống Nhật tại Mông Cổ. Với tài thao lược xuất chúng của Zhukov, Hồng quân đã đánh bại quân đội Nhật trong trận chiến Khalkin Gol. Sau chiến thắng này, ông được trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô và được phong tướng.

Gần như mọi chiến thắng lớn của Hồng quân Liên Xô đều mang dấu ấn của vị tướng tài ba, như trận chiến bảo vệ Moscow năm 1941, trận Stalingrad năm 1942, trận Kursk năm 1943, chiến dịch Bagration và chiến dịch Lvov-Sandomierz năm 1944, chiến dịch Vistula-Oder năm 1945 và chiến dịch Berlin cùng năm. Riêng trong chiến dịch Berlin, Zhukov đã có mặt khi giới chức Đức ký thỏa thuận đầu hàng.

Có thể nói trên thế giới không có vị tướng nào có bề dày thành tích và công lao như Zhukov trong Thế chiến thứ hai.

Vinh quang

Các chiến thắng của Hồng quân Liên Xô dưới sự chỉ huy của ông đã trở thành những di sản vô giá trong kho tàng kiến thức quân sự của nhân loại, có ảnh hưởng lớn đối với lý luận quân sự của Liên Xô cũng như thế giới. Và có lẽ cũng ít ai được giao nhiều trọng trách như Zhukov. Đáng kể nhất là những chức vụ như Tư lệnh Phương diện quân Dự bị, Tư lệnh Phương diện quân phía Tây, Tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Xô, Thứ trưởng Quốc phòng kiêm Phó tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô, rồi Ủy viên BCH T.Ư Đảng Cộng sản Liên Xô. Sau chiến tranh, ông giữ chức Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô tại Đức song bị triệu về Moscow và giáng cấp xuống thành tư lệnh các quân khu “làng nhàng” như Odessa và Ural. Năm 1953, khi Stalin qua đời, Zhukov trở về Moscow và được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô trước khi bị cách chức vào năm 1957.

Và cay đắng

Theo hồi ký của nguyên soái A.M.Vasilevsky, người cùng điều phối trận chiến Kursk với Zhukov, vào tháng 3.1953, sau khi Stalin đột ngột qua đời, Liên Xô lâm vào một cuộc khủng hoảng lãnh đạo. Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev đã chọn cách “liên thủ” với Zhukov trong cuộc tranh giành quyền lực với các đối thủ, đặc biệt là Phó thủ tướng thứ nhất kiêm trùm mật vụ Pavlovich Beria. Mâu thuẫn giữa Zhukov và Beria đã phát sinh từ khi Stalin còn sống. Beria cũng chính là nguyên nhân khiến Zhukov gặp nhiều lao đao trong giai đoạn này.

Khrushchev trên thực tế đã “mượn tay” Zhukov loại Beria sau khi Stalin qua đời, bằng cách đẩy đối thủ khỏi đảng, đưa ra tòa án binh và xử tử. Ngay sau khi lên cầm quyền, Khrushchev đã bổ nhiệm Zhukov vào chức Bộ trưởng Quốc phòng và sau đó là Ủy viên Đoàn Chủ tịch BCH T.Ư Đảng (Bộ Chính trị). Đó là nấc thang cao nhất mà Zhukov có thể leo đến trong sự nghiệp chính trị. Theo trang tin Military History, quan hệ giữa ông và Khrushchev nhanh chóng rạn nứt sau khi Khrushchev đề xuất thu hẹp quy mô lực lượng Hồng quân. Vị tướng dày dạn trận mạc và chiến công không ủng hộ ý kiến này và vì vậy bị Khrushchev cách chức vì nghi ngờ âm mưu đảo chính. Khi Khrushchev sa cơ vào năm 1964, Zhukov được phục hồi thanh danh nhưng ông không được lãnh đạo kế nhiệm tin dùng trở lại và qua đời trong âm thầm vào ngày 18.6.1974.

Được nhiều người đánh giá cao về khả năng quân sự, nhưng những chiến tích của ông Zhukov đã bị xem nhẹ, thậm chí phớt lờ trong nhiều thập niên. Trong cuốn sách có tựa đề Cuộc đời Georgy Zhukov phát hành cuối năm ngoái, tác giả người Ireland Geoffrey Roberts khẳng định Zhukov là “vị tướng vĩ đại bảo vệ Liên Xô khỏi thất bại thảm khốc trước Hitler và đưa quốc gia đến chiến thắng vĩ đại”.

Theo báo The Guardian, vị Giáo sư Đại học Cork này nhận xét Zhukov giỏi đánh lạc hướng kẻ thù, khiến họ đưa ra những quyết định sai lầm, nhờ đó đem lại chiến thắng cho Hồng quân Liên Xô. Trong khi đó, Đài tiếng nói nước Nga dẫn lời sử gia Mỹ Martin Kayden ghi nhận Zhukov là vị chỉ huy “gây nhiều tổn thất cho phát xít Đức hơn bất kỳ ai” và dùng chữ “nguyên soái phi thường” để nói về ông.

Trùng Quang

>> Một danh tướng không quân hàm
>> Các chính trị gia Trung Quốc bị thất sủng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.