Những dấu hiệu bất thường của một số quan chức trong dự án Rusalka, Nha Trang

16/09/2005 23:46 GMT+7

Vụ án Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư phát triển du lịch RusInvestTur dùng dự án khu nghỉ mát Rusalka (Nha Trang) để lừa đảo các doanh nghiệp hơn 100 tỉ đồng đang bước vào giai đoạn quyết định, khi cơ quan chức năng đang đề nghị điều tra làm rõ sự liên quan của một số quan chức.

Vai trò "môi giới" của ông tham tán thương mại

Theo thông tin mới nhất mà chúng tôi vừa nhận được, sau khi bị bắt giữ, các bị can Nguyễn Đức Chi và Nguyễn Thọ Trí - Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh (LTTV) đã khai báo về một số đầu mối rất quan trọng liên quan đến vụ án này. Bị can Trí đã thừa nhận việc bị khởi tố, bắt giam là đúng, không oan vì đã thiếu trách nhiệm, làm thiệt hại 2,4 triệu USD trong việc ký hợp đồng bán 31.488 tấn gạo (không có thế chấp tài sản) cho Nguyễn Đức Chi mặc dù biết rõ Chi không đủ tiền mua số gạo này.

Cũng từ lời khai của Chi và Trí, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đang tiếp tục làm rõ vai trò "giới thiệu và bảo lãnh" cho Nguyễn Đức Chi của ông Nguyễn Trí Tâm (hiện là Phó Vụ trưởng Vụ u - Mỹ, Bộ Thương mại) vì trong thời gian năm 2002-2003, ông Tâm với vai trò là Tham tán thương mại VN tại Liên bang Nga đã nhiệt tình giới thiệu cho Giám đốc Nguyễn Thọ Trí tìm đến ký hợp đồng bán gạo cho Nguyễn Đức Chi. Ngoài ra, Cơ quan CSĐT cũng đang xác minh một số dấu hiệu liên quan đến việc Nguyễn Đức Chi đưa tiền và hiện vật để hối lộ một số quan chức ở Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Sở Địa chính - Nhà đất (ĐC-NĐ) và UBND tỉnh Khánh Hòa trong việc tạo những điều kiện pháp lý hết sức dễ dàng cho Nguyễn Đức Chi thao túng các dự án tại TP Nha Trang và một số địa phương khác.

Vụ án này có 2 mảng lớn, là việc Nguyễn Đức Chi lừa đảo Công ty LTTV 5,9 triệu USD tiền mua gạo và việc Chi lừa đảo bán cổ phần ở dự án Rusalka - Nha Trang cho Công ty Lâm Viên (Bộ Quốc phòng), để công ty này chuyển cho Chi 59,996 tỉ đồng (trong đó có 43,5 tỉ đồng chuyển trả nợ thay cho Chi mua gạo của Công ty LTTV). Đối với Công ty Lâm Viên, bước đầu cũng có những dấu hiệu sai phạm liên quan đến việc thẩm tra, chỉ đạo... nhưng thuộc thẩm quyền điều tra của Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) và Viện KSQS trung ương.

Sự "hào phóng" của tỉnh Khánh Hòa


Nguyễn Đức Chi (bìa trái) nghe đọc biên bản khám xét

Trở lại với những dự án của Nguyễn Đức Chi, quá trình điều tra cho thấy, ngày 3/5/2001, Bộ KH&ĐT ra Quyết định số 2178/GPDC1, điều chỉnh diện tích đất sử dụng của dự án Rusalka lên 45 ha. Ngày 5/7/2001, Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn có Quyết định số 883/QĐ-TT thu hồi 45 ha đất tại P.Vĩnh Hải, TP Nha Trang giao cho Công ty RusInvestTur thuê, thời hạn 40 năm. Ngày 17/8/2001, Sở ĐC-NĐ Khánh Hòa có biên bản bàn giao đất và cắm mốc cho khu nghỉ mát Rusalka. Ngày 27/5/2003, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận quyền thuê 438.650m2 đất khu Bãi Tiên cho công ty của Nguyễn Đức Chi. Ngoài khu dự án nghỉ mát lớn này, UBND tỉnh Khánh Hòa còn cấp nhiều khu đất khác cho các công ty lớn, bé khác của Chi.

Cụ thể, theo tài liệu mới xác minh thì Chi còn cùng với hai em gái là Nguyễn Thị Yến và Nguyễn Thị Duyên thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Hoa Hồng (trụ sở tại 197 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM, sau chuyển ra 78 Lý Thánh Tông, Nha Trang), được ông Phạm Văn Chi (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) đồng ý cấp cho 15 ha đất tại khu Bãi Dài (Cam Ranh) để làm dự án du lịch. Chưa hết, Chi còn tham gia Công ty Đầu tư và du lịch Vạn Xuân cùng với Phạm Tiến Dũng, làm tổng giám đốc và cũng được Chủ tịch Phạm Văn Chi đồng ý cấp cho 12 ha đất cũng tại khu Bãi Dài để làm dự án du lịch. Còn nữa, Chi cùng Phạm Tiến Dũng, Võ Hoài Lam thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Đại Dương (trụ sở tại 168 Ngọc Khánh, Hà Nội) rồi làm thủ tục trình UBND tỉnh Khánh Hòa xin lập dự án du lịch tại Cam Ranh, và cũng được ông Trần Minh Duân (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) chỉ đạo các ban, ngành trong tỉnh tiến hành giao từ 35-50 ha đất ở khu vực Cam Ranh.

Qua những sự việc nói trên, cơ quan chức năng xác định, theo quy định của Chính phủ và các ngành, thì song song với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) phải tiến hành bồi thường thiệt hại cho các chủ sử dụng đất. Nhưng trong dự án Rusalka, khi Nguyễn Đức Chi chưa nộp tiền đền bù giải tỏa và nộp tiền thuê đất, chưa ký hợp đồng thuê đất, thì Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã làm tờ trình gửi UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy CNQSDĐ (không ghi rõ việc chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính), do vậy đã tạo điều kiện cho Nguyễn Đức Chi thế chấp quyền sử dụng đất dự án để vay tiền các ngân hàng. Một sai phạm khác là theo quyết định giao đất của Chính phủ và giấy phép đầu tư của Công ty RusInvestTur, không có điều khoản nào cho dự án Rusalka được miễn giảm tiền thuế đất trong quá trình kinh doanh mà chỉ được miễn giảm trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất là 5 năm, nhưng ngày 10/7/2000, Sở KH&ĐT, Sở ĐC-NĐ, Sở Tài chính - Vật giá tỉnh Khánh Hòa đã họp liên ngành và ra văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị miễn giảm tiền thuê đất cho dự án. Và ngày 2/3/2001, bà Nguyễn Thị Thu Hằng (Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) đã ký Công văn số 381/UB cho phép công ty của Nguyễn Đức Chi được miễn giảm thuế 7 năm kể từ khi xây dựng xong!

Những vấn đề nêu trên cho thấy, việc làm trái các quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế của các ban, ngành ở tỉnh Khánh Hòa trong vụ Nguyễn Đức Chi đã được thống nhất từ dưới lên trên một cách rất nhịp nhàng. Vấn đề còn lại khiến dư luận đang đặt câu hỏi là liệu đằng sau những quyết định ấy có động cơ mờ ám gì không?

Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.