Giúp cộng đồng theo cách của… dân lao động
“Alo, Đội SOS Đông Hà xin nghe. Chỗ mô em, đường Đặng Dung à? Số mấy Đặng Dung em? Xe bị sự cố gì vậy em, xẹp lốp à? Nhóm tới liền đây nhé”, “Alo, Đội SOS Đông Hà xin nghe. Xe không nổ máy à? Em đang ở đường Lê Lợi phải không? Rồi rồi, Đội anh có mặt giờ, em đợi tí nhé…”.
Đó là những cuộc hội thoại quen thuộc mà anh Nguyễn Hoài Nghĩa (34 tuổi), Đội trưởng Đội SOS Đông Hà, Quảng Trị, phải nghe vào ban đêm từ ngày lập ra Đội SOS Đông Hà, khác hoàn toàn với những cuộc hội thoại mà anh phải nghe vào ban ngày với công việc là nhân viên giao gas.
Nhưng cũng nhờ công việc đi giao gas nên ý tưởng về công việc “hổng giống ai” này đến với Nghĩa. Chuyện rằng, thi thoảng Nghĩa vẫn nhận đơn giao gas vào ban đêm, có lúc anh bị hỏng xe máy ở giữa đường, khi thì thủng săm, lúc thì hết xăng… “Ở Đông Hà hầu như các tiệm sửa xe đều đóng cửa vào ban đêm, các cây xăng thì không phải lúc nào cũng gần nơi xảy ra sự cố. Những lúc như vậy, tôi thực sự không biết nhờ vả ai… Từ trải nghiệm của bản thân, tôi đã lấy số điện thoại của mình để lập đường dây nóng, để cho bất kỳ ai gọi, cần nhờ vả gì vào ban đêm thì tôi sẽ đến hỗ trợ. Không phải lúc nào tôi cũng giải quyết được vấn đề về phương tiện của họ vì tôi không phải là thợ sửa xe, nhưng trong đêm khuya, ít nhất có 1 người đứng cùng, để trò chuyện cũng là 1 niềm an ủi rồi”, Nghĩa nói.
May mắn thay, Nghĩa không cô đơn mà gần như được hỗ trợ lập tức từ những người tốt bụng, chung chí hướng. Đó là 2 anh em ruột Võ Quang Hoàn (31 tuổi) và Võ Quang Trung (25 tuổi), nhân viên chở nước và thợ sửa xe máy. Đó là ông Trần Ngọc Thuận (60 tuổi), thợ cơ khí. Có 4 người, vậy là Đội SOS Đông Hà ra đời, với tên gọi khá kêu như vậy, hàm ý rằng nếu gặp sự cố về xe cộ trong đêm, bất kỳ ở đâu, bất kỳ nửa đêm hay rạng sáng, chỉ cần nhấc máy gọi, “khổ chủ” sẽ được các thành viên Đội SOS Đông Hà có mặt, giúp đỡ.
Là thành viên vào sau nhưng cao tuổi nhất Đội, ông Thuận bảo rằng vốn là dân cơ khí và ít nhiều biết về xe cộ, mấy chục năm qua ông ấp ủ về một cách giúp đời nhưng cứ lần lữa vì chỉ có một mình, sợ không kham nổi. “Nhưng nay thấy tụi trẻ nó làm, thân già này cũng xin kiếm một chân. Tụi nhỏ làm được, sao mình không làm được”, ông Thuận nói.
Trong khi đó, anh Võ Quang Hoàn (31 tuổi) tay thợ sửa xe chuyên nghiệp của Đội tâm niệm rằng, người ta giàu có, tiền trăm bạc vạn thì họ làm từ thiện kiểu khác, còn anh em trong Đội là những người lao động bình thường chọn cách này để giúp cộng đồng. “Chúng tôi chỉ có 2 thứ. Biết cách sửa xe máy, xe đạp và tấm lòng muốn giúp đỡ người khác khi họ gặp cảnh ngặt nghèo giữa đêm hôm!”.
Những đêm trắng của Đội SOS Đông Hà: sửa xe miễn phí, chỉ xin cái bắt tay |
Những thành viên của Đội SOS Đông Hà trên hành trình giúp đỡ người khác theo cách của...những người lao động |
NGUYỄN PHÚC |
Cho đi và nhận lại lời cảm ơn
Từ khi Đội SOS Đông Hà thành lập, khoảng hơn 1 tháng nay, cả 4 thành viên thường phải trải qua những đêm trắng, nếu may mắn thì có được “những giấc ngủ chập chờn”. Bởi như tâm nguyện ban đầu, những thành viên của đội đã tự hứa với nhau là sẽ không bao giờ từ chối một lời yêu cầu giúp đỡ nào của bất kỳ ai, bất kỳ thời gian và hoàn cảnh nào. “Họ hết đường rồi, họ thực sự cần mới cầu cứu đến mình, những người xa lạ. Nói thật, đêm hôm một mình giữa đường vắng, đôi khi người ta chỉ thèm một người đi cùng nói chuyện là may rồi”, Hoàn cho biết.
Trong khi đó, cậu “em út” Võ Quang Trung kể lại “kỷ niệm” về lần hỗ trợ người bị hỏng xe vào lúc 3 giờ sáng. “Vùng dậy và lao đi cũng phải đấu tranh tư tưởng lắm chứ, nhưng không đi không được, cứ nghĩ đến lời hứa ban đầu của Đội là phải lục đục dọn đồ nghề, phóng xe ra đường”, Trung kể. Cũng có hôm, gặp tình huống một ông chồng say rượu, chở vợ ngang đường 9D thì xe thủng lốp, may sao cô vợ gọi về số của Đội SOS Đông Hà. “Khi chúng tôi tới nơi thì thấy chị nước mắt giàn giụa, thấy chúng tôi mà như thấy… thần tài gõ cửa”, Trung nói.
Sau khi sửa xe, Đội SOS Đông Hà chỉ nhận lại lời cảm ơn và cái bắt tay hay chụp chung một tấm ảnh kỷ niệm |
Tất nhiên, xe hỏng cũng như con người bị bệnh, muôn hình vạn trạng. Lủng săm, thủng lốp thì như nhức đầu sổ mũi, còn nhiều “bệnh nặng” cần phải có phụ tùng thay thế, nếu quá khuya, không có cửa hàng nào mở cửa để bán thì Đội sẵn sàng chở “khổ chủ” về nhà rồi sáng mai mới xử lý “con ngựa sắt”.
Nhưng không phải lúc nào mọi sự cũng hanh thông, mấy anh em trong Đội SOS Đông Hà nói với tôi rằng cũng có người “ác mồm” nói toàn là dân lao động, không lo kiếm tiền nuôi vợ nuôi con mà còn lo việc bao đồng; kẻ khác lại nói, việc làm của Đội là lấy tiếng cho cá nhân và đang đụng đến miếng cơm của cánh thợ sửa xe, cũng là những người lao động…
“Nhưng chúng tôi vẫn bỏ ngoài tai, quyết tâm làm vì chúng tôi tin rằng rất ít người nghĩ vậy, hầu hết đều ủng hộ chúng tôi. Nguyên tắc của chúng tôi khi thành lập Đội là không kêu gọi tiền bạc gì của bất kỳ ai, tuy nhiên thấy hoạt động của anh em chúng tôi, nhiều người đã “góp sức” bằng nhiều cách khác nhau, người tặng bộ đồ nghề sửa xe nhập khẩu, người tặng vài chục cái săm, cái lốp mới, người tặng vài ly cà phê. Cảm động vô cùng”, anh Nghĩa kể.
Bình luận (0)