Những bang có chính quyền do đảng Cộng hòa chiếm đa số cùng các nhóm doanh nghiệp đang chăm chăm vào những sáng kiến ông Obama để lại: Đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare, kế hoạch chống biến đổi khí hậu, chính sách bảo vệ quyền của người chuyển giới, tăng tiền làm ngoài giờ cho người lao động, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nhiều vấn đề khác, theo Reuters.
Đa số những sáng kiến của ông Obama đang phải đợi phán quyết của tòa án phúc thẩm liên bang hoặc Tòa án Tối cao. Tuy nhiên, Reuters cho biết sẽ không có phán quyết nào cho đến khi người thắng cuộc trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8.11 tuyên bố nhậm chức.
Người kế nhiệm ông Obama sẽ phải đề cử Thẩm phán Tòa án Tối cao, nếu Thượng viện Mỹ (do đảng Cộng hòa kiểm soát) vẫn không thay đổi ý định, tiếp tục bác bỏ việc ông Obama đề cử Merrick Garland thay thế cho người tiền nhiệm Antonia Scalia qua đời hồi tháng 2.2016.
Về sáng kiến bảo vệ quyền của người chuyển giới, chính quyền nhiều bang ở Mỹ đã đệ đơn kiện, phản đối việc chính quyền Obama hồi tháng 5.2016 ban hành quy định mới, buộc tất cả trường học công trên toàn quốc phải cho phép học sinh sử dụng nhà vệ sinh theo đúng giới tính sau khi chuyển giới. Một thẩm phán liên bang đã ra phán quyết tạm thời ngưng áp dụng quy định này vào tháng 8.2016 để xử lý các đơn kiện và chưa đưa ra thời hạn cho một phán quyết cuối cùng.
Thời gian qua, ông Obama phải đối mặt với quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát luôn đối đầu với những sáng kiến của ông. Chính vì vậy, ông nhiều lần phải qua mặt các nghị sĩ và sử dụng quyền ký sắc lệnh hành pháp nhằm đạt được các mục tiêu chính sách của mình, theo Reuters.
“Mặc dù chiếm đa số ghế trong cả Thượng viện và Hạ viện, đảng Cộng hòa từ chối kiểm soát. Thay vào đó, đảng Cộng hòa mang các vấn đề ra tòa án”, người phát ngôn Nhà Trắng Eric Schultz nói.
“Nếu chính phủ mới hủy bỏ các sáng kiến và chính sách của người tiền nhiệm và tôn trọng những quy định trước đó, chúng tôi sẵn lòng dốc sức chỗ khác”, theo Tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton (đảng Cộng hòa), người từng giúp đảng Cộng hòa kiện tụng phản đối các sáng kiến của ông Obama.
|
Bà Clinton, được ông Obama ra sức ủng hộ trong cuộc đua vào Nhà Trắng, nếu đắc cử có thể tiếp tục bảo vệ, duy trì và mở rộng các sáng kiến của ông. Ngược lại, ông Trump nếu đắc cử sẽ nhanh chống hủy bỏ những sắc lệnh hành pháp của ông Obama như từng hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử.
Tuy nhiên, để hủy bỏ những sáng kiến quy mô lớn chẳng hạn Kế hoạch Năng lượng Sạch (bao gồm các quy định cắt giảm thải khí thải chống biến đổi khí hậu) không dễ dàng như ông Trump tuyên bố. “Đây không phải trường hợp chỉ cần đặt bút ký là được”, ông Sean Donahue, luật sự đại diện cho những tổ chức bảo vệ môi trường ủng hộ Kế hoạch Năng lượng Sạch nói.
Các nhóm chủ trương phát triển công nghiệp chỉ trích và kiện Kế hoạch Năng lượng Sạch của ông Obama. Một tòa án liên bang đã tiến hành phiên tranh luận hồi tháng 9.2016, và chưa đưa ra phán quyết. Dự kiến vụ kiện này sẽ được đưa lên Tòa án Tối cao định đoạt vào tháng 2.2016, sau khi tân Tổng thống Mỹ tuyên thệ nhậm chức.
|
Đảng Cộng hòa cũng đã nhiều lần thách thức Obamacare. Tòa án Tối cao vào năm 2012 và 2015 đã ra phán quyết bảo vệ Obamacare. Nhưng đảng Cộng hòa không bỏ cuộc, vẫn đang tiếp tục cuộc chiến pháp lý nhằm dẹp bỏ Obamacare. Ông Trump cũng từng tuyên bố sẽ hủy bỏ Obamacare nếu như ông đắc cử.
Vào tháng 9.2016, chính quyền nhiều bang và các hiệp hội doanh nghiệp đã đệ đơn kiện chính quyền Obama vì đã đưa ra quy định buộc tăng tiền lương ngoài giờ cho hàng triệu người lao động. Theo Reuters, tòa sẽ ra phán quyết sau khi ông Obama rời khỏi Nhà Trắng.
Ngoài ra, việc 12 nước đã đạt được thỏa thuận TPP đã giúp ông Obama củng cố chính sách xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng TPP đến nay vẫn chưa được quốc hội Mỹ phê chuẩn, dù ông Obama nỗ lực xúc tiến với hy vọng có thể được quốc hội thông qua trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ. Trong khi đó, cả hai ứng viên Clinton và Trump đều đã lên tiếng phản đối TPP trong chiến dịch tranh cử của minh.
Bình luận (0)