Những điều không thể quên ở Mexico

14/06/2015 15:15 GMT+7

(TNTS) Những nền văn hóa Maya, Aztec, Theotihuacan... hiện ra trước mắt tôi với quần thể công trình kiến trúc khảo cổ, những hiện vật trưng bày trong các bảo tàng trên đất nước Mexico.

(TNTS) Những nền văn hóa Maya, Aztec, Theotihuacan... hiện ra trước mắt tôi với quần thể công trình kiến trúc khảo cổ, những hiện vật trưng bày trong các bảo tàng trên đất nước Mexico. Một Trung Mỹ còn đó quá nhiều những trầm tích văn hóa đến mức ta khó mà có thể thẩm thấu trong một sớm một chiều.

Những điều không thể quên ở Mexico 1Du khách tham quan tháp Mặt trời
Bí ẩn khu khảo cổ Theotihuacan
Cách Mexico city khoảng 68 km về hướng đông bắc, sau hơn 1 giờ lái xe chúng tôi đã có mặt tại khu vực khảo cổ Theotihuacan.
Theo các nhà nghiên cứu, Theotihuacan là một trong những nền văn hóa phát triển khá rực rỡ rực rỡ và có ảnh hưởng khá sâu rộng ở khu vực Trung Mỹ trong giai đoạn tiền Columbus. Tuy nhiên, ai là chủ nhân thực sự xây dựng nên Theotihuacan thì vẫn chưa được thống nhất. Một số nhà khoa học cho rằng có thể Theotihuacan được xây dựng bởi người Nahua, Otomi hoặc Totonac... Tuy nhiên, cũng có một số học giả khác lại cho rằng Theotihuacan là một quốc gia đa dân tộc.
Theotihuacan được xây dựng trong giai đoạn từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên và kéo dài cho đến khoảng thế kỷ thứ 7 - 8. Về quy mô, nó được xem như một đô thị lớn với dân số ước tính từ vài chục cho đến khoảng 125.000 dân. Theotihuacan không đơn thuần là một trung tâm tôn giáo mà còn là nơi tập trung sinh sống của một bộ phận khá đông dân cư. Lý do đến thế kỷ thứ 8 Theotihuacan bị các chủ nhân rời bỏ cũng còn là điều bí ẩn. Có thể thành phố đã xảy ra những trận hỏa hoạn hoặc có thể do dòng sông San Juan đã bị đổi dòng, nguồn nước cung cấp cho thành phố bị mất đi. Theotihuacan là tên được đặt nên bởi người Aztec, có nghĩa là “nơi các vị thần được sinh ra”. Khi những người Aztec đến, họ đã tiếp tục coi Theothihuacan như một nơi hành hương linh thiêng của mình.
Nơi đây còn có con đường được xây dựng theo hướng bắc nam với chiều dài khoảng 2 km, bắt đầu từ kim tự tháp Mặt trăng cho đến khu vực hoàng thành, từ hoàng thành còn tiếp tục kéo dài ra khoảng 3 km nữa. Đại lộ có chiều ngang khoảng 40 m, dọc theo hai bên đại lộ là những công trình kiến trúc phức hợp như nhà ở, chợ búa... Theo lời Gabriel - hướng dẫn viên địa phương, con đường này có tên gọi là Dead Avenue (Đại lộ Tử thần). Khi người Aztec đến đây, họ lầm tưởng con đường này là khu vực lăng mộ chôn người chết, nên đặt tên như vậy.
Bước chân lên hàng trăm bậc thang khá đều nhưng hơi dốc, chúng tôi tới được đỉnh kim tự tháp Mặt trời. Trên đỉnh là một khoảng đất khá rộng và bằng phẳng, có một vòng tròn nhỏ làm bằng đá mà rất nhiều du khách đã đặt tay vào để cầu nguyện. Tương truyền đấy là nơi được cho là thiêng liêng của người Aztec, những lời cầu nguyện nơi đây khá linh ứng.
Những điều không thể quên ở Mexico 2Nơi đặt người được hiến tế
Rùng rợn Bảo tàng Nhân chủng học
Rời quần thể khu khảo cổ Theotihuacan, chúng tôi đi về trung tâm Mexico city, nơi có Bảo tàng quốc gia Nhân chủng học. Tại đây có rất nhiều cổ vật của các tộc người và các nền văn hóa khai quật được trên đất nước Mexico và một số nước Trung Mỹ khác.
Ấn tượng khá sâu sắc và mạnh mẽ đối với chúng tôi là gian phòng trưng bày về văn hóa của người Aztec. Là bộ tộc theo tín ngưỡng đa thần giáo, người Aztec thờ nhiều ngẫu tượng được cho là các vị thần mưa, gió, mùa  màng, mặt trời, mặt trăng....
Cô hướng dẫn viên Gabriel say sưa kể cho chúng tôi nghe ý nghĩa của những hiện vật nơi đây và nhiều câu chuyện về người Aztec. Chúng tôi lặng người đi khi cô chỉ tay về hướng một bệ đá, bên trên có hình dáng như một cái chậu tròn mà các bằng chứng có được chứng minh rằng đấy là tảng đá thiêng dùng để đặt người được hiến tế cho các thần linh của người Aztec.
Những điều không thể quên ở Mexico 3Nơi đặt quả tim người được hiến tế
Đối tượng người được chọn hiến tế cũng khá đa dạng, bên cạnh phụ nữ, trẻ em thì còn có cả các võ sĩ, các vận động viên ưu tú chiến thắng trong các cuộc thi tài. Thoáng chút ngỡ ngàng, chúng tôi yêu cầu cô hướng dẫn viên kể rành mạch về văn hóa của người Aztec. Họ xem những cái chết dùng cho việc hiến tế là vinh quang. Các vận động viên, võ sĩ sẽ chiến đấu, thi trổ tài năng hết mức để được chiến thắng. Và phần thưởng cho chiến thắng đầy tự hào đó là... cái chết!
Người chiến thắng ấy sẽ được chọn nằm lên bệ đá để có người đến mổ ngực lấy quả tim. Trái tim thấm máu còn nóng hổi ấy sẽ được đặt lên chậu đá tròn, khi nó ngừng đập hẳn sẽ được đốt trên lửa để dâng cho thần linh.
Theo một số học giả nghiên cứu về văn hóa Aztec, có người cho rằng trong lịch sử đã từng có những đợt hiến tế với quy mô lớn diễn ra vào khoảng cuối thế kỷ thứ 15. Khi đó, các cư dân Aztec nhìn thấy hiện tượng nhật thực, họ vô cùng hoảng sợ vì cho rằng thần mặt trời đã mất đi gần hết nguồn sinh lực, sự sống của loài người đang bị đe dọa. Để cứu vãn điều này, trong vòng khoảng 4 ngày, họ đã tiến hành hiến tế hơn 80.000 người. Một con số vẫn còn đang tranh cãi về mức độ chính xác cũng như sự tàn khốc.
Khi nghe đến đây, một cảm giác vừa ngạc nhiên pha lẫn chút kinh hoàng khiến tôi cảm thấy choáng váng với những gì đã từng xảy ra trong thời kỳ tồn tại của nền văn hóa Aztec, trong đầu gợn lên những suy nghĩ mông lung và những phán xét, nhưng tôi đã kịp dừng lại. Có lẽ sẽ là phiến diện nếu ta dùng một lăng kính mang định kiến để chiêm nghiệm về những gì đã xảy ra, và như thế chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ có thể chạm đến được tận cùng những giá trị linh thiêng mà người xưa đã tạo dựng. Ranh giới giữa cái thiêng và trần tục, giới hạn giữa văn minh và man rợ cũng rất mong manh và mông lung. Những kẻ hậu thế như ta có quyền gì để phán xét đâu là tốt đâu là xấu, cái gì nên và không nên của những nền văn hóa tồn tại cách thời đại chúng ta hôm nay nhiều thế kỷ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.