Những đứa bé mồ côi vì Covid-19 ở TP.HCM: Những tình yêu cùng các con đi tiếp cuộc đời

19/11/2021 12:34 GMT+7

Trong tiếng nấc nghẹn ở đầu dây bên kia điện thoại, nhiều bạn đọc nói với PV “Thương quá”, “Đau lòng quá không chịu nổi”,… và muốn kết nối, xoa dịu nỗi đau mất người thân của các em không may mồ côi vì đại dịch Covid-19 .

Những ngày đầu khi báo Thanh Niên khởi đăng các bài viết trong kế hoạch Chung tay bảo trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 - Cùng con đi tiếp cuộc đời, chúng tôi liên tục nhận được điện thoại của bạn đọc khắp nơi gọi về. Đó là những cuộc gọi hỏi địa chỉ nhà, cách để kết nối, chia sẻ trực tiếp với các em; cũng có khi là những tiếng nấc nghẹn không thành tiếng khi nhắc tên các em; và thật ấm lòng khi các nhân vật trong tuyến bài tôi thực hiện đều đã được những cánh tay dang ra nhận bảo trợ ăn học đến năm 18 tuổi hoặc học xong đại học.

Nhiều em mồ côi cha, mẹ vì Covid-19 được bảo trợ học hết lớp 12 hoặc đại học -

Vũ phượng

THƯƠNG LẮM PHẬN MỒ CÔI

Ngày 19.9, điện thoại tôi đổ chuông, đầu dây bên kia là giọng người đàn ông trung niên. Sau vài câu xác minh tác giả, anh òa khóc: “Tôi muốn hỏi thăm cách nào để giúp cháu Trần Khoa Đ.Trường (10 tuổi, ngụ Q.Bình Tân – PV). Xin lỗi cô, nhưng đau lòng quá không chịu nổi”.

Bất ngờ, tôi cũng rưng rưng, cuộc điện thoại bị khựng lại vài giây. Anh cho biết, không cầm lòng được khi biết đứa bé mới 10 tuổi đã phải chịu nỗi đau mất cả cha và mẹ chỉ trong 2 ngày liên tiếp. Ngay sau đó, anh gọi cho chị gái của Trường và thông báo cho tôi biết, hết giãn cách sẽ đến nhà thăm 2 chị em.

Cùng con đi tiếp cuộc đời: Cùng trẻ mồ côi viết tiếp tương lai

Anh T.D.M (chủ doanh nghiệp chuyên về logistics) cũng mong muốn được đến thăm, tìm cách hỗ trợ chị em Trường. Anh bộc bạch: “Tôi cũng có đạo, nên thấy tấm ảnh Trường thắp nhang cho mẹ mà trên bàn thờ chỉ có hũ cốt, bát nhang, hộp sữa tươi và bảng tên của mẹ mà thương quá. Tôi đã nguyện sẽ tìm được chị em Trường nên mong báo kết nối để giúp được hai chị em”. Thật ấm lòng!

Em Q.Anh vẫn được hàng xóm nuôi dưỡng sau khi mẹ mất và được một BS bảo trợ lo việc học -

Vũ Phượng

Qua sự kết nối của nhà báo Thu Hương (Đài Truyền hình Việt Nam) và PV Thanh Niên, hiện Đăng Trường đã được chị Đỗ Thanh Hương (ngụ Nam Định) nhận đỡ đầu, hỗ trợ 500.000 đồng/tháng đến khi Trường học hết lớp 12. Chị Thu Hương cũng nhận đỡ đầu 1 bé gái ở Q.4 và là người kết nối cho 10 em mồ côi cha, mẹ vì dịch Covid-19 khác đến nhà hảo tâm.

Chị tâm sự:

“Đọc các bài viết trên Báo Thanh Niên, tôi ám ảnh, đã khóc. Mỗi em đều có một số phận, một tích cách nhưng có nỗi đau chung lúc này là mất cha, mẹ, thương vô cùng. Tôi mong muốn làm điều gì đấy để các em nhận được sự ấm áp từ mọi người”.

Nhà báo Thu Hương

Sau khi chia sẻ lên trang cá nhân, nhiều người chủ động nhờ chị kết nối nhận đỡ đầu cho các em. Vậy là trong 3 ngày, 3 chị em P.Anh (6 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) mất mẹ vì Covid-19, ba bị tai biến mất sức lao động; em Nguyễn Đ.Bảo (học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức) mất cả cha, mẹ do nhiễm Covid-19 đang chăm anh trai mắc Hội chứng Down; em Lê H.Hóa (học sinh lớp 9 Trường THCS Cửu Long, Q.Bình Thạnh) mất mẹ vì ung thư 10 năm trước, nay ba mất vì dịch; anh em sinh đôi Huỳnh N.Thành, Huỳnh N.Đạt (học sinh lớp 5 tại H.Nhà Bè) đều có người nhận đỡ đầu, hỗ trợ các em theo tháng cho đến khi học đến hết lớp 12.

“Từ con số mơ ước giúp đỡ 10 bé được đỡ đầu, giờ tôi vẫn đang tích cực kết nối nhiều hơn nữa, kết hợp cùng TƯ Đoàn tìm người đỡ đầu cho các em để các em không cô đơn ở cuộc đời nữa. Qua đó, lớn lên các con sẽ cảm nhận sự yêu thương của mọi người, biết yêu thương, san sẻ cho người kém may mắn hơn mình”, nhà báo Thu Hương chia sẻ.

Đ.Trường ôm khư khư ba lô kỷ vật của mẹ để lại

vũ phượng

Không dừng lại ở số tiền hỗ trợ hằng tháng, những nhà hảo tâm nhận đỡ đầu cho các em còn thường xuyên liên lạc hỏi thăm, chia sẻ và những nụ cười các em đã dần nở trên môi.

ĐƯỜNG ĐỜI KHÔNG CÒN ĐƠN ĐỘC

Qua Báo Thanh Niên, một PGS. BS ở Khoa Y, ĐH Y dược TP.HCM cũng nhận bảo trợ em Nguyễn Mộc Q.Anh (học sinh lớp 4 Trường TH Chương Dương, Q.1) mồ côi mẹ đang được hàng xóm nuôi dưỡng. Vị BS bộc bạch, ông bị ám ảnh với ánh mắt của em Q.Anh khi đứng ở nhà hàng xóm nhìn về phòng trọ ngày trước của mình và mẹ. Hai đêm liền ông mất ngủ và phải đến khi liên lạc được với PV, hỏi thăm tình hình cụ thể của Anh rồi tặng em một món quà Trung thu ông mới có thể ngủ ngon được. Không dừng lại ở đó, vị BS sẽ tài trợ toàn bộ các khoản tiền học thêm, học năng khiếu cho em cho Quế Anh đến năm em 18 tuổi hoặc học xong đại học.

“Đến bây giờ nhìn lại bài viết, tôi vẫn ám ảnh với ánh mắt đó. Hết giãn cách xã hội tôi sẽ sang thăm, động viên Q.Anh”, BS chia sẻ.

Một BS nha khoa khác tại TP.HCM thì cho hay sẽ đồng hành cùng 4 chị em Yến Nhi (22 tuổi, ngụ Q.12) mồ côi cả cha lẫn mẹ trên suốt chặng đường sau này để các em được học hành đến nơi đến chốn hoặc có công ăn việc làm ổn định. BS này cho biết, đây là trường hợp mồ côi đầu tiên BS đọc được trên Báo Thanh Niên và quyết định tập trung hỗ trợ lâu dài để các em không còn đơn độc trên đường đời.

Cô Nguyễn Thị Lan (69 tuổi, ngụ Hà Nội) cũng trích từ lương hưu hỗ trợ 4 chị em Yến Nhi 2 triệu đồng/tháng trong 3 năm để các em ổn định cuộc sống sau cú sốc mất cha mẹ.

Những nỗi đau sẽ dần được xoa dịu bằng tình yêu thương của cộng đồng

Vũ Phượng

Em Yến Nhi tâm sự, sau khi bài viết được đăng tải, em nhận được nhiều cuộc gọi hỏi thăm, một số người đã chuyển khoản hỗ trợ 4 chị em. Yến Nhi như trút được gánh nặng đè trên vai khi nhận tin BS nha khoa và cô Lan hỗ trợ các em trong thời gian dài. “Chuyện em lo lắng nhất cũng là di nguyện của mẹ, đó là lo cho 2 đứa em út ăn học. Giờ có sự lâu dài của các cô em yên tâm hơn, mừng lắm”, em trải lòng.

Tương tự, em Nguyễn Đ.Bảo cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn hỏi thăm, có người tìm đến nhà gửi em một ít chi phí, thực phẩm hoặc chuyển khoản để anh em Bảo đùm bọc nhau qua ngày. Bảo thông báo tin mừng với PV.

“Em được cô trung tá Lường Thanh Quyết ở Công an tỉnh Thanh Hóa nhận bảo trợ đến khi học xong đại học. Cô luôn chủ động nhắn tin, chia sẻ với em. Giờ em còn ngại chưa tâm sự được với cô nhiều nhưng em có thêm động lực để cố gắng hơn, thành công trong cuộc sống”.

Nguyễn Đ.Bảo

Chị em Phương Nhi, Phương Như, Phương Anh thì được chị Trần Hương (ngụ Hà Nội, người nhận bảo trợ) hỗ trợ máy tính để học online và hẹn đến thăm trực tiếp, giúp đỡ lâu dài cho 3 chị em.

Bà Huỳnh Thị Diễm Thúy (mẹ của anh em sinh đôi Thành – Đạt) cũng cho biết hai con vừa được BS Thu Anh, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nhận đỡ đầu. Với đồng lương công nhân ít ỏi, nay có người chia sẻ cùng lo cho các con ăn học, bà Thúy mới thở phào.

Dẫu biết rằng những đau thương, mất mát của các em khi đột ngột thành trẻ mồ côi vì đại dịch Covid-19 là không gì bù đắp được, nhưng hy vọng, tất cả sẽ dần được khỏa lấp theo thời gian bằng tình yêu thương của cộng đồng, rồi các em sẽ tự tin bước tiếp trên đường đời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.