Những đứa trẻ bị ‘bỏ rơi’ trong chính gia đình mình

11/11/2022 20:00 GMT+7

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh, mọi đứa trẻ đều mong muốn được bố mẹ yêu thương, ngợi khen, ghi nhận. Thế nhưng thực tế, nhiều cha mẹ lại thiếu quan tâm, hay phán xét, chỉ trích con, khiến con cái “cô lập” với cha mẹ dù sống chung dưới một mái nhà.

5 năm lủi thủi của “thằng đần”

Một buổi chiều muộn, tại Học viện Minh Trí Thành (đơn vị chuyên đào tạo, huấn luyện phát triển tư duy ở Việt Nam) xuất hiện một cậu thiếu niên có dáng vẻ đặc biệt. Là con trai nhưng cậu để tóc dài ngang vai, những sợi tóc bết lại có lẽ do lâu ngày chưa gội, phần tóc trước mặt lòa xòa che kín mắt. Cậu ngồi thu lu một góc, luôn cúi đầu, trông lẻ loi, cô độc.

Được chuyên gia trị liệu tâm lý Nguyễn Thị Lanh của Học viện Minh Trí Thành hỏi han, cậu rụt rè cho biết từ nhỏ do học kém nên cậu bị thầy cô, bố mẹ, bạn bè gán cho cái mác là ngu, đần, chậm chạp. Biệt danh “thằng đần” theo cậu suốt nhiều năm liền. Ở nhà cậu bị bố mẹ chê bai, chỉ trích, đánh chửi vì kém cỏi, học dốt. Ở trường cậu bị bạn bè cô lập vì chẳng ai muốn chơi với một “thằng đần”.

Tuổi thơ của "thằng đần" gắn liền với những lời chỉ trích, chê bai của bố mẹ

Đến năm lớp 8, cậu bị đúp 4 năm liền sau đó thì nghỉ học. Từ đó, cậu càng trở nên lặng lẽ, thường xuyên nhốt mình trong phòng, có khi 3 ngày không tắm, quần áo cả tuần mới đem ra cho giúp việc giặt. Quãng thời gian ấy kéo dài suốt 5 năm, cậu cứ lủi thủi một mình, mất đi kết nối với xã hội và mất đi cả sự kết nối với bố mẹ dù đang sống chung nhà.

Tình cờ xem những bài giảng của cô Lanh trên YouTube về việc chữa lành tổn thương trong quá khứ, đánh thức mục tiêu sống, bố mẹ đã đưa cậu đến Học viện Minh Trí Thành để gặp cô Lanh.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh, mọi đứa trẻ đều mong muốn được bố mẹ yêu thương, ngợi khen, ghi nhận

Trái ngược với “thằng đần” là câu chuyện của Thiên Ân (tỉnh Long An). Từ bé, Thiên Ân đã ngoan ngoãn, học rất giỏi nhưng lại không được cha mẹ quan tâm, khen ngợi.

Cha mẹ bận rộn quanh năm, thường xuyên vắng nhà nên lúc nào Thiên Ân cũng cảm thấy cô đơn, trống trải. Những lần bố mẹ ở nhà, có thành tích gì trong học tập hay có điều gì vui vẻ, Thiên Ân đều khoe với mẹ song chẳng hề được mẹ ngợi khen hay ghi nhận. Sau nhiều lần như thế, Thiên Ân tự hỏi: Mình cố gắng học giỏi để được gì?

Dần dần, Thiên Ân rơi vào trạng thái trầm cảm, phải dùng thuốc điều trị. Đến lúc này, bố mẹ Thiên Ân mới giật mình nhận ra họ đã “bỏ rơi” con quá lâu. Người mẹ sau đó đã đưa Thiên Ân từ tỉnh Long An đến Bắc Ninh sinh sống để cả hai mẹ con được cô Lanh chữa lành.

Những sai lầm xuyên thế hệ

“Thằng đần” và Thiên Ân chỉ là 2 trong nhiều đứa trẻ bị “bỏ rơi” trong chính gia đình mình mà Học viện Minh Trí Thành đón nhận. Sau một thời gian được chuyên gia Nguyễn Thị Lanh chữa lành, chuyển hóa, “thằng đần” đã biết cách nói chuyện với người khác một cách thoải mái, lấy lại được sự tự tin.

Còn Thiên Ân bây giờ tâm trạng, sắc mặt đã tươi tỉnh hơn rất nhiều. Mẹ Thiên Ân đã biết cách khen con, nói lời yêu thương với con. Thiên Ân hồn nhiên cười hạnh phúc bên mẹ, điều mà trước đây hai mẹ con chưa từng có được.

Khi không được ghi nhận, khích lệ, trẻ sẽ trở nên nhút nhát, tự ti và không tin vào chính mình

Chuyên gia Nguyễn Thị Lanh cho biết, mọi đứa trẻ đều mong muốn được bố mẹ yêu thương, ngợi khen, ghi nhận. Thế nhưng nhiều cha mẹ không hiểu điều đó, họ thiếu quan tâm con, hay phán xét, chỉ trích con. Họ không biết rằng sự chỉ trích có thể giết chết sự tự tin, dập tắt cá tính, khiến con trở nên nhút nhát, không tin vào chính mình. Còn việc không quan tâm, không biết cách khen ngợi, ghi nhận con sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy không ai cần mình nữa, giá trị của mình bằng không và chán ghét chính mình. Cảm giác bất cần ấy sẽ dẫn dắt chúng đến những hành vi xấu.

Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này là do cha mẹ cũng đang mắc kẹt trong những sai lầm xuyên thế hệ. Cha mẹ thường dạy con y như cách họ được dạy trước đây. Cha mẹ lớn lên từ một cậu bé, cô bé đơn độc, thiếu thốn, không được quan tâm và chưa từng được ghi nhận nên họ không thể cho con thứ mà mình không có.

Để giúp con mạnh mẽ, tự tin, bản lĩnh, bố mẹ cần yêu thương, động viên, khen ngợi những thành tựu của con

Vì thế, cô Lanh không chỉ chữa lành cho những đứa trẻ mà còn chuyển hóa chính những bậc cha mẹ, giúp họ nhận ra vấn đề, từ đó biết cách quan tâm, gần gũi với con, bố cho con trí lớn và sự dũng mãnh, mẹ cho con sự yêu thương.

“Chỉ khi nào cha mẹ yêu thương, trân quý con, luôn bên cạnh và ghi nhận những thành tựu của con, ghi nhận con kể cả khi con mắc sai lầm, yêu con ngay cả khi con chưa đúng thì khi ấy con mới có thể trở thành người mạnh mẽ, tin vào bản thân, dám thử và dám đối mặt, vững tin từng bước tiến tới thành công”, cô Lanh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.