Những đứa trẻ cầu Đuồi

05/11/2008 09:42 GMT+7

Xóm vạn đò dưới chân cầu Đuồi kề với thị trấn sầm uất ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. ở đây có hơn 20 trẻ khát khao một ngày được cắp sách đến trường.

Những người lớn nhất trong xóm kể rằng không nhớ lênh đênh theo sóng nước từ khi nào, nhưng đã lâu lắm rồi. Cha truyền con nối hết đời này đến đời khác. Lúc đầu chỉ vài ba thuyền, giờ đã lên đến 11 thuyền.

Dân xóm đò nghèo lắm, ngày nào thuận lợi họ kiếm được 50.000-70.000 đồng đủ để trang trải cuộc sống, nhưng cũng có ngày chỉ biết thở dài. Trong xóm nhà nào có tivi nội địa thì thi thoảng mới được xem vì phải chạy bình ăcquy, mỗi lần đi nạp điện là mỗi lần khó khăn. Đêm đến mọi người lại lên chiếc đò nhỏ hơn để đi đánh cá. Vợ chồng đi cùng nhau, con cái đứa nào lớn cho ở lại trên đò, đứa nào nhỏ thì họ phải đưa con theo xa đến mấy cây số thâu đêm.

Họ nghèo đã đành nhưng điều đau lòng hơn cả là hầu như mọi người ở xóm vạn đò đều không biết chữ. Anh Phương, cha của mấy đứa con nhỏ, nói: “Chúng muốn đi học lắm. Hằng ngày thấy học sinh đi học trên đường qua cầu Đuồi mà ngồi thẫn người ra, để đò trôi mà không hay. Không biết hắn kiếm đâu ngòi viết rồi mỗi khi có vỏ bao thuốc lá hết là xé ra, mấy chị em hí hoáy viết cái gì đó.

Tui không biết chữ nên chẳng biết hắn viết có đúng không. Vợ chồng tui muốn cho con đi học lắm chứ nhưng hoàn cảnh ri thì biết mần răng được. Nhà không có, đất không có, tiền cũng không. Chừ tui chỉ mong con mình đánh vần được chữ, viết được số thôi là mừng lắm rồi”. Hỏi những chiếc đò xung quanh sao không cho con em mình đi học dù các em đã đủ tuổi đến trường thì đều nhận được những câu nói xót xa: “Cha mẹ mù chữ. Mỗi ngày kiếm đôi ba chục cho 5-6 miệng ăn thì lấy đâu tiền học, tiền áo quần này nọ. Mà lênh đênh sông nước ri thì ai ở nhà chăm sóc chúng”.

Khi tôi hỏi các em có muốn đến trường không, những ánh mắt rụt rè trả lời: “Thích nhưng ba mẹ cực lắm, không có tiền mua sách vở”. Cách đây mấy năm có một đoàn khách đến tặng vở cho các em, nhưng vì hoàn cảnh như vậy nên bà con cất giữ đến nay mà chưa có dịp sử dụng. Với cuộc sống khó khăn như thế không biết đến bao giờ những đứa trẻ ở xóm vạn đò này mới được đến trường như bao trẻ khác.

Theo Nguyễn Thị Lan Hương/Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.