Những đứa trẻ mồ côi cần giúp đỡ

26/07/2009 23:11 GMT+7

Bà Phạm Thị Diệu đang lo lắng không biết bà và 4 đứa cháu ngoại mồ côi cả cha lẫn mẹ sẽ bị đứt bữa lúc nào, khi mẹ của các cháu vừa mới bị căn bệnh ung thư quái ác lấy đi sự sống...

Bây giờ, trong ngôi nhà nhỏ bé nằm ở rìa cánh đồng thuộc khu phố 7, thị trấn Gio Linh (Quảng Trị) chỉ còn lại 5 bà cháu ngày ngày rau cháo nuôi nhau. Còn bảy năm về trước, ngôi nhà tuy nghèo nhưng lại đầy ắp tiếng cười của lũ nhỏ, con của thầy giáo Nguyễn Đức Em. Một ngày mùa hạ năm 2002, tai họa ập xuống với cả gia đình, khi thầy Em đi dạy về, bị một tai nạn giao thông thảm khốc và ra đi ở tuổi 37, để lại cho vợ là chị Võ Thị Chi 4 đứa con, trong đó đứa nhỏ nhất mới chưa tròn hai tuổi. Gánh nặng thay chồng nuôi nấng 4 đứa con dồn cả lên đôi vai gầy của chị Chi.

Người con đầu của thầy giáo Em sinh năm 1991 là cháu Nguyễn Thị Hoài Thương lớn lên trong chiếc xe lăn vì bị di chứng chất độc da cam. Từ nhỏ, suốt ngày bé Thương được mẹ chăm sóc và nụ cười ngây ngô, ánh mắt thất thần của bé luôn là nỗi buồn khôn nguôi của cặp vợ chồng trẻ. Cho đến nay, bé Thương dù đã bước qua tuổi 18, nhưng vẫn chỉ là một cô bé nhỏ nhắn như đứa trẻ lên mười và không hề biết đến những khát vọng như nhiều thiếu nữ cùng tuổi. Ngày ngày, Thương được đứa em gái Nguyễn Thị Kiều Anh - đang học lớp 9 -chăm sóc khi Kiều Anh đã rỗi rãi việc đồng áng, học hành. Hai đứa con trai của thầy Em là Nguyễn Đức Quang Nhật, học lớp 6 và Nguyễn Đức Quang Ánh, học lớp 3 vẫn là “trợ thủ” đắc lực cho chị Kiều Anh trong việc chăm sóc chị cả Hoài Thương và mỗi sớm, mỗi chiều ra ruộng kiếm thêm cái ăn, khi thì mớ rau, khi thì mò cua bắt ốc...

Tang thương xuống đầu con trẻ

Cách đây hơn 1 năm, chị Chi đi khám bệnh và phát hiện mình bị ung thư. Chị choáng váng và bất lực, nhưng vì thương mấy đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn và học giỏi nên chị phải nghiến răng chịu đựng khi cơn đau hành hạ. “Tui thấy chị ấy là một người mẹ nghị lực phi thường. Có lẽ vì quá lo cho tương lai của mấy đứa con và muốn làm tròn trách nhiệm của một người vợ đối với người chồng đã khuất nên chị Chi vẫn kiên cường chống chọi với bệnh ung thư cho đến ngày cuối cùng”, một người láng giềng của chị Chi ngậm ngùi nói với chúng tôi.

Tìm hiểu thêm gia cảnh của vợ chồng thầy Em, chúng tôi không khỏi xót xa. Thầy Em vốn mồ côi từ nhỏ, phải sống dựa vào bà con và nỗ lực vươn lên để học hành, trở thành thầy giáo. Còn chị Chi là chỗ dựa tinh thần cho mẹ mình là bà Phạm Thị Diệu. Bây giờ, sau khi chị mất đi, 4 đứa con lại lay lắt sống dựa dẫm vào bà ngoại già đã mất sức lao động. Vậy mà, dù cho tang thương ập xuống mái nhà, các cháu Kiều Anh, Quang Nhật, Quang Ánh vẫn liên tục là học sinh giỏi. Riêng cô học trò nhỏ Kiều Anh là học sinh giỏi suốt 9 năm liền, kể từ lúc bước chân vào trường tiểu học.

Ông Hồ Văn Thoại - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Gio Linh cho biết: “Khi chị Chi ngã bệnh, Công đoàn ngành giáo dục huyện đã vận động mỗi thầy cô giáo trích 20 ngàn đồng từ lương để giúp đỡ cho vợ con thầy Em như một nghĩa cử với người đã khuất. Bệnh tật ngặt nghèo, gia cảnh khốn khó của gia đình thầy Em, nhất là số phận của mấy đứa trẻ mồ côi hiện đang rất cần sự giúp đỡ của xã hội”.

Bà Diệu cũng cho biết, bà con chòm xóm dù còn khổ cực nhưng vẫn thường xuyên giúp đỡ bà và 4 đứa cháu để sống qua ngày. “Nhưng nhiều khi nhận bát gạo, mớ rau của bà con còn quá khó khăn cũng thấy tủi cực lắm”, bà nấc lên nghẹn ngào.

Với bài viết này, chúng tôi hy vọng nhận được sự giúp đỡ từ những tấm lòng hảo tâm của bạn đọc đến với 4 đứa trẻ mồ côi, để các cháu vượt qua nỗi bất hạnh hôm nay và được lớn lên trong vòng tay ấm áp của mọi người.

Thanh Bình - Trịnh Ngọ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.