Những đứa trẻ ở cô nhi viện

09/10/2006 22:54 GMT+7

Ban mai. Những đợt gió lùa xao xác từ ruộng mía bạt ngàn bao bọc tứ bề thổi bạt vào khu nhà Cô nhi viện Phú Hòa. Những đứa trẻ hồn nhiên vui đùa bên nhau thật bình yên, trìu mến cùng các bà sơ đã từng hết mực thương yêu và dày công cưu mang chúng.

Những mảnh đời se thắt

Đang trò chuyện về lũ nhỏ, bỗng sơ Tuyết Hương cất tiếng gọi: "Thành, con hát tặng các chú bài hát đi con". Cậu bé vừa tròn 4 tuổi ngoan ngoãn bước lại gần, không chút dè dặt, nhoẻn miệng hát: "Ba sẽ là cánh chim, đưa con đi thật xa. Mẹ sẽ là cành hoa, cho con cài lên ngực. Ba mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con. Khi con là con ba, con của ba rất ngoan. Khi con là con mẹ, con của mẹ rất hiền. Ngày mai con khôn lớn, bay đi khắp mọi miền. Con đừng quên con nhé, ba mẹ là quê hương"... Thành là một trong số 18 trẻ mồ côi, có số phận éo le đang được dưỡng nuôi tại Cô nhi viện Phú Hòa đặt tại xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Dù chỉ mới biết đánh vần trọ trẹ và chữ viết vẫn còn nguệch ngoạc, nhưng cậu bé Thành đã thuộc nằm lòng nhiều bài hát thiếu nhi về tình mẫu tử ruột rà và khát vọng ngày mai bình yên, tươi vui của đời người. Chị Nguyễn Thị Lành, 35 tuổi, mẹ ruột của Thành từng bị bỏ rơi khi còn ấu thơ. Sau đó, các sơ ở cô nhi viện tình cờ phát hiện và nhận cưu mang chị Lành. Khi đến tuổi trưởng thành, chị Lành đã được các sơ nơi đây làm mai mối và hiện đã "yên bề gia thất" ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Sau mấy năm cưới chồng, chị Lành sinh 3 người con. Thời gian đầu ra riêng, đời sống kinh tế còn khó khăn, chị Lành quay về lại nơi mình gắn bó một thời để gửi gắm cháu Thành nhờ các sơ nuôi dưỡng. Các sơ đã tin yêu và thâu nhận đứa "cháu ngoại" của mình vào đại gia đình đặc biệt để được học hành, lớn lên.

 Nước da hồng hào, bụ bẫm, nằm quẫy đạp trên tấm nệm nhỏ đặt lên nền gạch hoa sạch sẽ, đã 5 tháng trôi qua, bé Huỳnh Thị Hồng n chưa một lần được người mẹ ruột ẵm vào vòng tay âu yếm. Bị bỏ rơi tại phòng sinh Bệnh viện huyện Sơn Tịnh, bé được các sơ Cô nhi viện Phú Hòa tất tả mang về trong hoàn cảnh chẳng đặng đừng. Sơ Tuyết Hương nhớ lại: "Đến giờ vẫn không biết tên họ người mẹ trẻ ấy. Nghe đâu chuyện mang thai của cô ấy chẳng ai hay. Cô dùng dây nịt bụng mãi đến ngày thấy cái bụng đau đau và tự mình lặng lẽ tìm đến bệnh viện "kiểm tra sức khỏe". Gặp bác sĩ, cô ấy vẫn khai tên họ, quê quán đầy đủ. Nằm viện được mấy hôm thì cô  sinh. Sau đó, người mẹ trẻ bỏ trốn không một lời nhắn nhủ...".

Nằm cạnh Hồng n là bé trai Lê Văn Lộc cũng có cảnh ngộ hết sức éo le. Nếu không may mắn được một đôi vợ chồng đi làm về trong đêm tình cờ phát hiện, đứa trẻ này sẽ không qua khỏi bởi ai đó đã đành đoạn vứt bỏ giọt máu của mình trong tấm áo choàng cũ nơi chân cầu Bà Tá thuộc xã Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh). Hai vợ chồng quáng quàng khi nghe tiếng khóc vọng lên yếu ớt. Bế đứa bé, linh cảm mách họ tin chắc rằng, đứa bé vẫn còn có thể sống. Vì hoàn cảnh gia đình, bản thân họ không thể "bạo gan" để mang về nhà mình. Định thần lại, hai vợ chồng đã quay ngược đường mang đứa bé về giao cho các sơ. Ẵm đứa nhỏ trên tay, sơ Tuyết Hương nựng: "Lộc ngoan, lớn nhanh để đi tìm lại bố mẹ ruột con nhé". Đứa trẻ vừa tròn bốn tháng tuổi chằm chằm ngước nhìn khuôn mặt hiền từ của bà sơ. Cái lưỡi của nó chép chép đằng sau bờ môi bị hở hàm ếch trông đến tội nghiệp.

Dẫu rằng mẹ chẳng sinh con...

Dẫu rằng chẳng bao giờ sinh con, nhưng sau hơn 40 năm thành lập Cô nhi viện Phú Hòa, các sơ đã nhận chăm nuôi hàng trăm đứa trẻ không may bị người thân bỏ rơi. Tất cả đều gọi các sơ bằng mẹ. Năm tháng trôi qua, nhiều đứa trẻ đã trưởng thành và ra đời lập nghiệp, thành đạt như bao người khác. Tại nơi này, cũng có nhiều sinh linh đã vĩnh viễn nằm xuống vì bệnh tật hiểm nghèo trong sự bất lực của các sơ. Là một trong số các sơ tiền nhiệm sáng lập cô nhi viện, sơ Huỳnh Thị Nhung hiện vẫn còn sống và gắn bó với những đứa trẻ bất hạnh. Những đứa con đầu tiên vào những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước được sơ Nhung cưu mang nay hầu hết đã lập gia đình, sinh con đẻ cái. Tuổi đã cận kề 80, nhưng ngày ngày, sơ Nhung vẫn tận tụy đi chợ lo cơm nước và bảo ban lũ trẻ. Sức khỏe không còn như trước, sợ lũ nhỏ không được chăm lo chu đáo, sơ Nhung đã nhờ một người cháu gái ở tận Phú Yên ra trợ giúp không công.

Mỗi cảnh đời se thắt đến với "địa chỉ tình thương Phú Hòa" đều có một nỗi niềm, gốc gác khác nhau. Những đứa trẻ nơi đây đều được đặt những cái tên rất dễ thương: Hồng Phúc, Hồng n, Văn Lộc, Khải Hoàn, Ngọc Bích... Tôi hỏi sơ Nhung: "Cha mẹ các cháu không rõ lai lịch thì làm sao có họ?". Sơ Nhung cười hiền: "Các sơ là mẹ chung của các cháu. Họ của các sơ cũng là họ của các cháu".

Nằm ven tỉnh lộ dẫn lên huyện miền cao Sơn Hà, nhưng nơi những đứa trẻ mồ côi lớn lên ít người biết đến. Cuộc sống của đại gia đình chỉ biết nương nhờ vào tấm lòng hảo tâm của một số nhà từ thiện thân quen và công sức lao động của các thành viên trên mấy thửa ruộng mía bao quanh. Buổi trưa, lũ nhỏ lại quây quần cùng nhau bên bàn ăn. Sơ Nhung bảo rằng, các cháu ăn được cũng lo, không ăn được cũng lo. Nhìn khắp khu nhà, tôi nhận ra được nỗi lo thường trực của người mẹ đặc biệt này, đoạn hỏi: "Bây giờ sơ mong ước điều gì nhất?". Sơ Nhung lại nở nụ cười hiền từ trên khuôn mặt nổi rõ vết nhăn tuổi tác và sự khó nhọc: "Mong có được chiếc xe ba gác để nhờ người quen chở bảy cháu đang độ tuổi đi học đến trường. Các cháu không cưỡi xe đạp được, đi bộ thì xa, vả lại để các cháu đi về một mình, sơ thấy không an tâm".

Đ.P

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.