Những gã vũ phu

21/11/2009 14:29 GMT+7

Dạy vợ, con: quyền của đàn ông? Đây là câu hỏi mà một nhà tâm lý đã đặt ra sau nhiều vụ bạo hành tàn nhẫn phụ nữ và trẻ em xảy ra thời gian qua.

Theo số liệu của Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an, trong ba năm qua đã xảy ra 5.070 vụ xâm hại trẻ em, bắt giữ xử lý 6.215 người vi phạm, có 5.188 em bị xâm hại. Trong đó án mạng chiếm 5,2%, cố ý gây thương tích 14,7%.

Yêu là... đánh!

Một trong những nguyên nhân của sự gia tăng bạo lực là do vấn đề này chưa được các cơ quan pháp luật quan tâm đúng mức, hầu như không coi đó là hành vi phạm tội. Luật phòng chống bạo hành gia đình đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ hơn một năm nay. Nhưng không ít người còn quan niệm cha đánh con là chuyện bình thường. Họ lấy câu “yêu cho roi cho vọt” bao biện những hành vi phạm pháp đó.

Có lẽ do nước ta trải qua thời kỳ phong kiến quá dài nên người đàn ông với địa vị gia trưởng có uy quyền tuyệt đối trong gia đình và việc dạy vợ, dạy con - bằng cách đánh đập một cách vũ phu, chửi mắng tàn nhẫn - trở thành bình thường trong đời sống cộng đồng. Có những cán bộ tư pháp “hồn nhiên” nói với cán bộ phụ nữ rằng xung đột gia đình là điều bình thường, chồng có tát vợ một đôi cái cũng không sao.

Anh này còn nói: “Bị chồng đánh mà đi báo công an thì chỉ có đường bỏ xứ vì sẽ bị người đời cười chê, gia đình nhà chồng dè bỉu và hậu quả là còn bị chồng đánh nhiều hơn”. Một công an huyện ở tỉnh Thái Bình còn cho rằng xung đột gia đình chỉ nên tự giải quyết trong gia đình, với phương châm “chín bỏ làm mười” cho trong ấm ngoài êm, còn hơn “vạch áo cho người xem lưng”. Anh ta cho rằng chỉ những người không biết suy nghĩ mới đi trình báo chính quyền.

Ngay cả những trường hợp hạ nhục nhân phẩm đến mức chồng lột hết quần áo vợ, nhốt vào cũi xảy ra ở tỉnh Bắc Giang, hình thức xử lý cũng mới chỉ dừng ở mức cảnh cáo, khuyên răn, giáo dục. Chỉ khi nào nạn nhân được chứng minh là thương tích 11% trở lên mới truy cứu.

Nhưng không phải nạn nhân nào cũng được đi giám định, và cơ sở y tế địa phương cũng không đủ khả năng làm điều này. Nhiều trường hợp cơ quan chức năng phạt tiền người chồng đánh vợ, song người vợ lại phải đứng ra nộp thay cho kẻ đánh mình vì chồng không có khả năng kiếm tiền.

Dễ thành tiền lệ xấu

Chính vì cách xử lý như thế nên không đủ sức răn đe những kẻ bạo hành và mức độ phạm pháp ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Mới đây dư luận xôn xao vụ người cậu chặt đứt mấy ngón tay của đứa cháu nhỏ vì một lỗi của nó.

Có thể nói đây là hành vi trừng phạt man rợ của thời Trung cổ, coi thường thân thể người khác cần phải được pháp luật trừng trị một cách nghiêm khắc với án phạt tù giam hàng chục năm trở lên mới đủ sức răn đe những kẻ coi thường pháp luật. Nếu không nó sẽ trở thành một tiền lệ xấu, không khác gì “nhạo báng” Luật phòng chống bạo hành gia đình.

Trên thế giới hiện nay việc bảo vệ trẻ em rất được coi trọng. Vì nếu các em thường xuyên bị cha mẹ đánh đập thì sau này lớn lên chính các em lại đi theo lối mòn này, và sẽ trở thành một thế hệ bạo hành mới có khi còn tàn nhẫn hơn. Nhiều nước có đường dây nóng hoạt động rất hiệu quả và kịp thời 24/24 giờ.

Khi trẻ em kêu cứu, lập tức có lực lượng cảnh sát đến can thiệp kịp thời. Kẻ bạo hành bị còng tay dẫn đi luôn nếu có bằng chứng uy hiếp sự an toàn của đứa trẻ. Đây là hình ảnh tiêu biểu của xã hội văn minh khi mà một con người, dù nhỏ bé nhưng có cả một guồng máy pháp luật bảo vệ tránh khỏi sự uy hiếp bạo lực của người lớn.

Chỉ khi nào chúng ta coi bạo hành gia đình là hình thức tội phạm nghiêm trọng, và có biện pháp trừng trị kịp thời mới có thể chặn đứng sự gia tăng nạn bạo hành hiện nay, đem lại quyền bình đẳng và tương lai tốt đẹp cho con em chúng ta.

Thua thiệt, mất mát là nguyên nhân

Một nghiên cứu gần đây tại Hà Nội cho thấy 45% trẻ em 1-5 tuổi và 78% trẻ 6-15 tuổi bị cha mẹ, người lớn sử dụng hình phạt thân thể. Hình phạt tinh thần như chửi mắng chiếm khoảng 28%, gặp nhiều ở nhóm trẻ 11-15 tuổi, hạ nhục chiếm khoảng 7%, các hành vi thô bạo khác chiếm khoảng 9%.

Các nghiên cứu tâm lý học cho thấy trẻ em khi phải chứng kiến hành vi bạo lực hoặc là nạn nhân của hành vi bạo lực từ người lớn thường có những tổn thương tâm lý nghiêm trọng.

* Nguyên nhân của bạo lực:

- Các hành vi bạo lực thường gặp ở nam, một số ở nữ nhưng thường là họ trên 35 tuổi.

- Tỉ lệ cao những người có hành vi bạo lực thường học vấn thấp, công việc không ổn định hoặc thất nghiệp, đời sống kinh tế thấp, thường gặp bất công trong đời sống xã hội như bị mất mát cả về kinh tế lẫn tình cảm, sống trong môi trường xã hội có bạo lực, thường xem các hình ảnh bạo lực (như phim, chơi trò chơi bạo lực)...

- Hành vi bạo lực của cá nhân thường là hậu quả của một quá khứ bạo lực hoặc sống trong môi trường có bạo lực, hoặc không hạnh phúc. Nhiều trường hợp bạo lực với trẻ em là do họ có một thời thơ ấu cũng thường xuyên bị bạo lực (có người cha hay người mẹ nghiện rượu và hung bạo, thường xuyên bị đánh đập hoặc môi trường gia đình có sự ly tán, bất hòa…). Khi lớn lên điều đó in đậm vào đời sống tình cảm của họ và họ thường có hành vi bạo lực với trẻ em.

- Người có hành vi bạo lực cũng là những người dễ bị làm cho tức giận, đa nghi quá mức, sẵn sàng phạm tội trước một vài lời hay hành động của người khác, và tự cho mình là đúng trong việc theo đuổi các quyền mà họ đòi hỏi.

- Việc lạm dụng rượu và ma túy là một dự báo nhiều nhất cho hành vi bạo lực. Người lạm dụng rượu hoặc ma túy khi không kiềm chế được các xung động cảm xúc nóng giận thường có những hành động ngoài sự kiểm soát của bản thân, và có hành động bạo lực một cách nhất thời.

Lê Minh Công
(phó trưởng khoa tâm lý lâm sàng Bệnh viện Tâm thần trung ương II)

Theo Nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.