Những gia đình nhã nhạc

02/02/2011 16:11 GMT+7

Ngày 7.11.2003, Nhã nhạc cung đình Huế chính thức được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Biết bao người đã âm thầm, kiên trì, lặng lẽ làm việc để Nhã nhạc sống lại từ lãng quên qua năm tháng, trong đó có những gia đình “cha truyền con nối”…

Giữ hồn cho nhã nhạc

Một chiều đầu tháng 12.2010, chúng tôi tìm gặp cụ Lữ Hữu Thi - 101 tuổi, nghệ nhân cao tuổi nhất của nhã nhạc cung đình Huế và cũng là một trong những nghệ nhân cuối cùng trong đội nhạc Hoà thanh dưới thời Bảo Đại còn sót lại. Trong căn nhà nhỏ trên đường Đặng Tất, cụ Thi ngồi trên chiếc ghế xếp cũ kỹ, ánh mắt nhìn miên man ra con đường nhỏ. Tay cầm đàn nhị kéo lên những thanh âm réo rắt, cụ bảo: “Chiều chiều hay lôi cây đàn, cái trống ra dượt một chặp cho vui. Chừ tra (già) quá rồi, chỉ có hắn làm bầu bạn”.

Cụ Lữ Hữu Thi đến với nhã nhạc cung đình Huế từ năm lên bốn lên năm. Vốn gia cảnh bần hàn, nên ông thân sinh bắt các con học nhã nhạc để đi diễn kiếm kế sinh nhai. Cụ kể: “Ông thân sinh ra tôi bắt học đánh trống, luyện kèn, luyện nhị và các bài bản. Học chưa thuộc thì chưa được ăn cơm. Đến năm mười lăm, mười sáu tuổi là đã biết chơi tất cả các loại nhạc cụ”.

Do biến cố lịch sử, một thời gian dài từ sau năm 1945, cụ Thi cùng 3 người con trai trải qua chuỗi ngày sống bần hàn bằng nghề “đánh thổi” ở các đám tiệc, đình chùa, miếu mạo. Năm 1995, cụ cùng hai con là Lữ Viên Minh, Lữ Hữu Báu được tiếp nhận vào làm tại bộ phận dịch vụ của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (BTDTCĐ) để phục vụ khách du lịch. Từ đó, 3 thế hệ của gia đình cụ Thi cùng đứng trong Đoàn nhã nhạc cung đình Huế, tiền thân của Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế hiện nay.

Tương tự cụ Lữ Hữu Thi là gia đình nghệ nhân Trần Kích (vừa qua đời ngày 18.12.2010). Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật cung đình triều Nguyễn. Đến năm 16 tuổi, nghệ nhân Trần Kích đã chơi giỏi các nhạc cụ dân tộc như kèn đại, kèn lỡ, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn bầu, sáo... Năm 1962, Trường Quốc gia âm nhạc Huế (tiền thân của Học viện m nhạc Huế bây giờ) được thành lập. Ông được mời dạy âm nhạc truyền thống Huế với các bộ môn đàn nguyệt, đàn nhị, đàn bầu, kèn; truyền dạy hệ thống đại nhạc, tiểu nhạc của nhã nhạc cung đình triều Nguyễn... Tiếp bước đam mê của cha, Trần Thảo cũng làm học trò ông để bây giờ trở thành một nghệ nhân nhã nhạc. Năm 1996, hai cha con cùng các nghệ nhân lão làng khác tham gia giảng dạy khoá đại học nhã nhạc đầu tiên trong chương trình phục hồi và phát huy giá trị của nhã nhạc và kéo dài cho đến bây giờ.

Hai cha con nhà nghiên cứu văn hoá Phan Thuận An – Phan Thuận Thảo lại đóng góp cho nhã nhạc bằng một cách khác. Năm 2002, chị Phan Thuận Thảo (sinh năm 1973) là cán bộ trẻ của Nhà hát Nghệ thuật cung đình (thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế) được giao tham gia biên soạn bộ hồ sơ về nhã nhạc trình UNESCO. Là người duy nhất đảm trách phần chuyên môn âm nhạc, chị Thảo phải đọc hết tài liệu lịch sử về nhã nhạc do cha mình cung cấp, rồi nhiều đêm thức trắng để viết bộ hồ sơ và kịch bản các phim tư liệu kèm theo hồ sơ.

Nhã nhạc từ trong máu thịt

Những gia đình nhã nhạc ở Huế hiện nay có đến 3, 4 thế hệ được truyền dạy một cách bài bản. “Nhã nhạc đối với gia đình tôi như gene di truyền vậy. Hết đời cha, đến đời con, đời cháu ai cũng mê mẩn” - nghệ nhân Lữ Viên Minh nói. Trong gia đình cụ Lữ Hữu Thi, các chắt của cụ mới chỉ lên năm, lên ba cũng đã bắt đầu làm quen với nhã nhạc.

Nghệ nhân Trần Thảo lại đến với nhã nhạc theo kiểu “chạy trời không khỏi nắng”. Từ nhỏ anh đã rất đam mê hội hoạ và mơ được thi vào Trường Cao đẳng Nghệ thuật Huế. Nhưng lúc đăng ký đi thi không biết trời xui đất khiến thế nào lại thi vào Trường Quốc gia âm nhạc (!) “Chắc từ nhỏ tui đã tiếp xúc với nhã nhạc, dần thì như bị nhiễm từ trong máu thịt, mà ba tui hay đùa là chạy trời không khỏi nắng” - anh Thảo giải thích. Hai con trai của anh cũng đang theo đuổi nghiệp nhã nhạc của cha, ông mình.

Còn chị Phan Thuận Thảo - vốn là một hướng dẫn viên du lịch chuyên “trị” khách Tây với thu nhập gấp cả chục lần so với làm tại Phòng Nghiên cứu của Trung tâm BTDTCĐ Huế. Thế nhưng niềm đam mê âm nhạc cổ truyền lại luôn thôi thúc, buộc chị phải làm một điều gì đó. Và “điều gì đó” là một ngày, chị chuyển sang làm công tác nghiên cứu, dù biết trước là cuộc sống sẽ rất khó khăn. Chị lý giải: “Đời ông cố mình làm quan võ đầu triều, dưới quyền ông là toàn thể Bộ Binh, trong đó có các đội nhạc, đội tuồng trong cung đình. Ông mê hát bội, nuôi hẳn một đội hát bội trong phủ mình. Đến đời ông ngoại, cũng mê lắm ca Huế… Và rồi mình chịu ảnh hưởng trực tiếp nghề nghiên cứu của ba".

Hiện nhã nhạc được bảo tồn và phát huy giá trị rất tốt. Tuy nhiên, trong mắt của những “gia đình nhã nhạc”, việc bảo tồn và phát huy hiện còn rất nhiều vấn đề. Nghệ nhân Trần Thảo có cảm giác rằng lớp trẻ của nhã nhạc cung đình Huế bây giờ thấy tự mãn về những gì mình đang có và hai phần ba số nhạc công nhã nhạc hiện tại theo kiểu “công nghiệp”, biểu diễn nhã nhạc như một cái máy không hồn.

Vấn đề hiện nay là làm sao để nhã nhạc đến gần hơn với đời sống, nhất là khán giả trẻ? Theo nghệ nhân Trần Thảo, đã có người lấy những bài nhã nhạc nguyên gốc phối thành bản mới, dùng đàn điện tử biểu diễn nhưng không được đón nhận. Còn việc lấy cảm hứng từ những bài bản cũ để làm nên bài bản mới thì không dễ: “Nhã nhạc là thể loại âm nhạc cao cấp, là loại quan nhạc. Trong nhã nhạc cung đình chỉ có một bài Đăng Đàn Cung được dân gian chế lại nhiều lời, ca từ khác nhau, nhưng chung quy lại chỉ tạo ra yếu tố gây cười…” - ông nói. 

Theo Đăng Khoa
Lao Động Xuân 2011

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.