Những gia đình thể thao nổi tiếng: Tình yêu bóng đá nhà Văn Sỹ

27/03/2015 07:35 GMT+7

Không phải là ông Văn Sỹ Chi hay Văn Sỹ Sơn, Văn Sỹ Thủy, Văn Sỹ Hùng..., trong tâm thức của những người con gia đình Văn Sỹ, mẹ Nguyễn Thị Việt mới là người đá bóng giỏi nhất.

Không phải là ông Văn Sỹ Chi hay Văn Sỹ Sơn, Văn Sỹ Thủy, Văn Sỹ Hùng..., trong tâm thức của những người con gia đình Văn Sỹ, mẹ Nguyễn Thị Việt mới là người đá bóng giỏi nhất.

Những gia đình thể thao nổi tiếng: Tình yêu bóng đá nhà Văn Sỹ
Gia đình nhà Văn Sỹ - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Gánh hàng rong  và trái bóng tròn

Ông Văn Sỹ Chi hơn bà Nguyễn Thị Việt 5 tuổi, hai người cùng quê. Năm 1958, ông Chi nhập ngũ, sau giải bóng đá toàn quân năm 1959, ông được mời về chơi cho Thể Công. Suốt từ đó đến năm 1972, ông khoác áo Thể Công, vào tuyển quốc gia, thi đấu với tuyển quân đội nhiều nước khác nhau. Năm 1964, ông Văn Sỹ Chi về Nghệ An cưới bà Nguyễn Thị Việt, sinh người con đầu lòng là Văn Sỹ Ngọc.

Năm 1970, khi theo chồng ra Hà Nội ở tại khu tập thể của đội Thể Công, người con thứ hai là Văn Sỹ Hùng chào đời. Năm 1972, ông Văn Sỹ Chi rời Thể Công về làm HLV cho Công an Thanh Hóa. Văn Sỹ Sơn sinh tại Thanh Hóa đúng năm này, tiếp đến là Văn Sỹ Thủy (1974). Cô con gái duy nhất Văn Thị Nga (1979) và cậu út Văn Sỹ Linh (1980) chào đời ở Nghệ An.

6 người con thì trừ mỗi cô con gái, còn lại đều chơi bóng giỏi. Bộ ba Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Sơn, Văn Sỹ Thủy của Sông Lam Nghệ An đã chiếm được tình yêu của hàng triệu người hâm mộ từ những năm 1990. Văn Sỹ Linh sau đó cũng gia nhập gia đình Sông Lam Nghệ An. Để chồng yên tâm công tác, các con được tự do bay nhảy, bà Việt hàng chục năm trời bươn bả ngoài đường với nghề buôn bán. Từ cà chua tới gạo, đỗ, lạc, cái gì ra tiền bà đều thử sức. Hàng đánh lên xe tải, người phụ nữ này rong ruổi theo xe khắp Nghệ An, Thanh Hóa...

Chồng và 5 người con đều đá bóng, nhưng người phụ nữ quê chân chất ít khi ra sân xem, cũng không hiểu luật bóng đá ra sao, tuy nhiên bà nhớ rất rõ lịch thi đấu của từng con. Sau này có điện thoại di động, kết thúc mỗi trận, bà đều gọi con hỏi thăm. Bà sợ xem bóng cũng vì sợ nhìn cảnh các con chấn thương. Văn Sỹ Hùng 7 lần gãy chân, lần sau cùng phải đóng 7 đinh, cả 7 lần đều khiến bà khóc cạn nước mắt. Năm 2001, lần đầu tiên bà ra sân Vinh cùng chồng xem 3 con trai Sỹ Thủy, Sỹ Hùng, Sỹ Sơn đá chung kết Cúp quốc gia. Năm ấy, Sông Lam Nghệ An vô địch, cả 3 con trai chạy ào lên khán đài tặng hoa mẹ, bà Việt nức nở khóc. Nước mắt hạnh phúc cũng rơi trên khóe mắt bà khi một buổi tối năm 1997, “little boy” Văn Sỹ Hùng ghi cú đúp vào lưới chủ nhà Indonesia tại SEA Games 19, góp phần sau đó đưa đội tuyển VN vào bán kết. Hàng ngàn người dân TP.Vinh mang hoa, bánh kẹo chạy đến khu nhà ông bà Văn Sỹ Chi, hét vang trời: “Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Hùng”.

Con cháu nối nghiệp cha ông

Giã từ sự nghiệp cầu thủ, anh em nhà Văn Sỹ đam mê quả bóng tròn. Văn Sỹ Thủy đã mở lò đào tạo bóng đá trẻ mang tên VST, sau đó được Hà Nội T&T mua lại, đổi tên thành Công ty đào tạo bóng đá trẻ VSH T&T (trụ sở tại Cửa Lò, Nghệ An), Văn Sỹ Hùng về làm giám đốc, Văn Sỹ Linh làm HLV. Đây là trung tâm đào tạo nhân lực cho Hà Nội T&T rất có uy tín những năm qua. Văn Sỹ Sơn đang công tác ngoài Hà Nội, làm HLV phó của Hà Nội T&T. Văn Sỹ Ngọc cùng vợ buôn bán tại Thanh Hóa. Văn Sỹ Thủy kinh doanh nhà hàng tại Vinh, Nghệ An. Đại gia đình thường chỉ đoàn tụ vào ngày lễ, tết, những lúc đó ngôi nhà ở Vinh chẳng lúc nào ngớt tiếng cười.

Điều đặc biệt là cô con gái duy nhất nhà Văn Sỹ là Văn Thị Nga không chơi bóng, nhưng cậu con trai Nguyễn Bá Dương của chị đang là một chân sút triển vọng, vừa giành HCB U.19 quốc gia. Con trai của Văn Sỹ Sơn là Văn Sỹ Phong cũng đang khoác áo đội U.17 Hà Nội T&T. Ông nội Văn Sỹ Chi năm nay đã 80 tuổi nhưng vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn, gặp các cháu là uốn nắn chiến thuật, dạy các cháu cách ứng xử trên sân. Một ngày của ông Chi bây giờ có đến quá nửa thời gian dành cho bóng đá, xem các giải bóng đá trên truyền hình, trên sân Vinh, xuống công ty ở Cửa Lò xem các cháu đá bóng. Có ngày, Văn Sỹ Sơn hết hồn khi thấy bố một mình một xe máy từ Vinh về Thanh Hóa (140 km) xem Hà Nội T&T đá V-League. Có một dòng chảy mang tên tình yêu bóng đá vẫn đang được các thế hệ nối tiếp trong đại gia đình đầm ấm, hạnh phúc này...

Cẩm Giang - Lan Phương

>> Những gia đình thể thao nổi tiếng: Thăng trầm nhà họ Lương
>> Những gia đình thể thao nổi tiếng: Ba cha con ở hàng phòng ngự
>> Những gia đình thể thao nổi tiếng: Cha bóng chuyền, 3 con bóng đá
>> Những gia đình thể thao nổi tiếng: Hai mẹ con, hai người đẹp thể thao
>> Những gia đình thể thao nổi tiếng: Từ đường đua xanh đến trái banh nỉ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.