Những giám đốc từ giảng đường đại học

05/10/2005 21:26 GMT+7

Khát vọng trở thành ông chủ đã nung nấu trong tim họ từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Ra trường, không xin việc, họ bảo đảm tương lai cho mình bằng chính những công ty mà họ là ông chủ.

Có nằm mơ cậu SV nghèo Nguyễn Xuân Linh cũng không thể hình dung được một ngày mình trở thành giám đốc của một trong những cơ sở dạy nghề ngắn hạn lớn nhất miền Bắc. Giờ đây, ông Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Thanh Xuân - Nguyễn Xuân Linh - đã trở thành ông chủ của cả một "phố dạy nghề" đông đúc.

Năm 1996, tốt nghiệp khoa Vật lý vô tuyến Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), Linh quyết tâm mở rộng quy mô của trung tâm dạy nghề của bố. "Tại sao mình phải đi xin việc trong khi mình có thể tạo ra công việc cho bao người?", câu hỏi ấy thổi bùng quyết tâm trong đầu chàng trai trẻ.

Một thời gian ngắn sau khi ra trường, với sự năng động và táo bạo, Linh đã biến một cơ sở dạy nghề quy mô gia đình thành một trung tâm dạy nghề có tiếng với hàng chục ngành nghề đào tạo và có hệ thống giáo trình khá cập nhật. Từ một cơ sở dạy nghề với vài chục học viên, hiện tại Linh phải mở ra tới 4 địa điểm, khai giảng mỗi tháng một lần với 200-300 học viên/khóa. Hằng năm có tới 2.000 học viên đã qua công ty của Linh học nghề để lập nghiệp. Chàng trai "cù lần" xưa giờ đã lấy bằng thạc sĩ, đang chuẩn bị mở một trường trung học nghề với dự án xây dựng tòa nhà trên 3.000m2 sàn và một khu đất tới 3.200m2 gần Bệnh viện 103 (Hà Tây).


Nguyễn Minh Dũng, ông chủ quán cà phê Wi-fi My PDA - cafe

Quyết tâm làm giàu của Phạm Trung Hiếu được chia sẻ với Trần Khắc Hùng, người bạn đồng hương. Gom góp cả gia tài được gần 30 triệu đồng, hai cậu SV năm thứ 3 ĐH Ngoại thương mở cửa hàng kinh doanh vật tư ngành nước. Họ vừa làm ông chủ vừa làm nhân viên, có những khi kiêm luôn cả thợ lắp đặt sửa chữa. Sự nhiệt tình và dịch vụ tốt là cách mà hai chàng SV "ghi điểm" với khách hàng. Từ 30 triệu, sau 1 năm, hai cậu SV xứ Nghệ đã có 500 triệu để lập công ty Hùng Hiếu. Hai sản phẩm công nghệ cao là bàn là hơi nước đa năng và bàn chải đánh răng thông minh đã được chính ông chủ Phạm Trung Hiếu sáng chế và trực tiếp chỉ đạo sản xuất giờ đây đang chiếm lĩnh thị trường.

Niềm đam mê cũng chính là tấm la bàn để những người trẻ định hướng lập nghiệp bằng khả năng của mình. Đó là câu chuyện của Nguyễn Minh Dũng (SN 1982) thành công với thương hiệu MyPDA-Cafe. Quán cà phê Wi-fi đầu tiên tại Hà Nội do Dũng (khi ấy là SV năm thứ 3) cùng hai người bạn lập nên từng là tin hot trên các diễn đàn IT thời trước. Tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin - Học viện Kỹ thuật quân sự, Dũng từ chối lời mời của không dưới 10 cơ quan nhà nước và công ty liên doanh để theo đuổi niềm đam mê... mở quán. "Mình nghĩ rằng mình có cơ hội để làm và mình làm được. Mình có lòng tin, có kiến thức thì sao mình lại không làm?". Dũng nghĩ vậy và cậu quyết định xếp tấm bằng đại học và bắt tay vào mở quán mới do mình làm chủ. 

"Trước khi tôi là tôi, tôi đã là anh"

Phương châm ấy là bí kíp quản lý của hầu hết những ông chủ trẻ. Để trở thành lãnh đạo và chỉ việc cho nhân viên, bản thân họ cũng đã một thời làm thuê với chính những công việc mà nhân viên đang làm. 

Phạm Trung Hiếu - một chàng trai xứ Nghệ không nhà ở Hà Nội, không được giúp đỡ nhiều về vật chất lại có thể là sếp của một công ty với 20 nhân viên có số vốn hàng trăm triệu khiến không ít người ngạc nhiên. Hiếu lý giải: "Mình nghĩ chẳng có gì tự nó đến. Mình có chút thành công sớm vì mình đã bắt đầu sớm hơn các bạn bè mà thôi". 

Còn Nguyễn Xuân Linh, để làm thầy của những người thầy tại "tập đoàn dạy nghề" như hiện nay, anh đã biết sửa các mạch điện từ năm 16 tuổi. Năm 18 tuổi, thi vào ĐH, Linh đã đứng lớp giảng cho 30-40 học viên từ lớp dạy nghề sửa chữa ti vi màu. Linh trầm ngâm: "Có một kỷ niệm làm mình nhớ mãi, đó là một bức thư của một anh đã ngoài 30 tuổi ở Yên Mô, Ninh Bình gửi cho mình. Anh ấy gọi mình bằng thầy, khi ấy mình 18 tuổi. Anh nói nhờ có nghề sửa ti vi học ở chỗ mình mà anh đã cứu cả gia đình qua cơn túng quẫn. Đó là năm 1993, cũng từ đó mình quyết tâm sống chết với nghề". 

Với Minh Dũng, để theo đuổi niềm đam mê, ông chủ Wi-fi cafe ấy đã làm việc đến 4 giờ sáng sửa máy cho khách, mày mò tự học để sửa phần mềm PDA. "Vấn đề đầu tiên phải là ý tưởng, rồi đến sự táo bạo dám làm” - Dũng nhớ lại, “Ngày là SV năm thứ 3, khi bỏ ra 30 triệu ký hợp đồng thuê nhà mua bàn ghế mở quán mình cũng run lắm. Cảm giác đó rất lạ, lần đầu tiên mình tiêu một số tiền lớn đến thế. Nhưng rồi khi đã quyết tâm, mình tin thành công sẽ đến". 

Káp Thành Long

“Ông đồ” tuổi hai mươi

Một lọ mực tàu, một nghiên mực, những chiếc bút lông lớn nhỏ đủ loại, một cuộn giấy dó... với "Văn phòng Tứ bảo" ấy và lòng nhẫn nại, kiên trì, một bộ phận sinh viên trên đất Hà thành đang tìm về với hồn chữ Việt. Họ thành những "ông đồ" tuổi hai mươi. 

"Những người muôn năm cũ"

Tết dương lịch 2005, Ký túc xá Mễ Trì (ĐH Quốc gia Hà Nội) tưng bừng với hội trại sinh viên nội trú. Trong khi các khoa khác thi nhau trổ tài nấu nướng thì trại của khoa Báo chí nhộn nhịp người vào xem và... mua chữ. Một "thầy đồ" hai mươi tuổi với những bức thư pháp rất bắt mắt đang "múa bút". Xung quanh là một vòng vây  chật cứng, người xem, người mua tấp nập. Khi "ông đồ" viết bức chữ cho người cuối cùng cũng là lúc mọi người tưng bừng đón giao thừa. Một tệp giấy dày hết nhẵn, đêm ấy "ông đồ" sinh viên bội thu.

Sơn Văn, tên "ông đồ", cười: "Không ngờ cái thú chơi từ năm lớp11 của mình đến nay lại có thể kiếm ra tiền". Học khá văn, thích chữ Nho từ nhỏ, khi thấy những bức thư pháp chữ Việt bắt đầu in trên lịch tết, Sơn Văn đã mê tít. Từ que tre tẩm mực Cửu Long đến bút lông mực Tàu là hành trình bốn năm của "ông đồ" trẻ để đến hôm nay có thể múa bút kiếm tiền trong hội trại. Trong đêm trại ấy, Trần Nam Trung (sinh viên năm nhất khoa Toán tin ứng dụng, ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội) cũng đã mê tít và ngồi cả đêm xem. Về nhà cậu quyết tâm học cho được cái điệu múa bút của thư pháp chữ Việt. 


Những “anh đồ” đang phóng bút

Bây giờ ai đến phòng 312 B1 của KTX Mễ Trì cũng xuýt xoa với những bức chữ mềm mại bay lượn của hai ông đồ trẻ treo trong phòng. Nào là Tâm, Nhẫn, Học, Chí... rồi cả những câu thơ về tình yêu, tình bạn... Bạn bè đến chơi thấy đẹp cũng cố xin cho được một bức về. Thấy hai người bạn của mình múa bút hay quá, Bình - K49 Lịch sử, đêm nào cũng đến phòng mượn bút và mực tập viết thư pháp, rồi những người trong phòng cũng thi nhau học cầm bút. Viết thư pháp chữ Việt đang trở thành một phong trào thu hút nhiều sinh viên tham gia.

Một trong những thành công của Sơn Văn trong đêm trại Mễ Trì chính là cậu không bị "đụng hàng". Tết Nguyên đán, Công ty Omo tìm người viết thư pháp cho chương trình khuyến mãi dịp Tết. Sơn Văn là người được gọi đầu tiên vì "nghề" của cậu đang là một thứ "hàng độc". Mỗi buổi được trả 90.000 đồng, trừ chi phí ăn uống, Tết ấy cậu đút túi 2 triệu đồng. Về quê với chiếc máy ảnh một triệu bảy vừa mua được sau đợt làm thêm, chàng sinh viên năm nhất Báo chí thỏa mãn ước mơ ấp ủ từ lâu.

Hộc tốc lao vào phòng, vứt chiếc cặp xuống giường, Sơn Văn bảo với Trung: "có mối làm ăn". Trung nhảy cẫng lên reo hò vì cuối tháng cái túi đã ở dạng "viêm" trầm trọng mà tiền nhà thì chưa kịp gửi lên. Hội trại hè của thiếu nhi quận Thanh Xuân, hai chàng sinh viên nhà ta cắp chiếu, bàn học và bút mực đến viết thư pháp bán. Sau buổi ấy, trừ chi phí giấy mực, hai "ông đồ" mỗi người có  hơn 100.000 đồng tiêu xài.

Ngày 8.3, 17 chàng trai K49 Báo chí đang loay hoay không biết nên mua quà gì cho các bạn gái vì số lượng nữ trên 90 người quá "áp đảo" so với nam. Một tên reo lên khi tìm ra giải pháp: "Mua thiệp rồi nhờ "ông đồ" nhà ta viết chúc mừng bằng thư pháp lên, đảm bảo các nàng lác mắt". Cả bọn vỗ tay hưởng ứng nhiệt liệt. Thế là đêm ấy, Sơn Văn cặm cụi với chồng thiệp. Hôm sau, các bạn gái reo lên sung sướng khi được tặng một món quà vô cùng ý nghĩa mà công phu. "Chàng đồ" nhà ta có dịp tự hào vì ngón tài lẻ của mình.

Ở đâu về, Chí với một xấp giấy trên tay đã liến thoắng ngoài cửa, "Trung đâu rồi, viết cho tao mấy bức chữ làm quà chúc mừng sinh nhật đi. Hôm nay tao phải đi 3 cái sinh nhật cơ, túi thì đang cháy". Bút mực lập tức đưa ra, trong nháy mắt, tên ba cô bạn của Chí hiện lên bằng những con chữ mềm mại, bay bướm. Từ khi có "ông đồ" trong phòng, một sáng kiến được đưa ra: quà sinh nhật được viết bằng thư pháp, vừa ít tốn tiền, vừa ý nghĩa lại đảm bảo không "đụng hàng". Các chàng trai phòng 312 đến giờ vẫn tự hào vì những bức thư pháp của "ông đồ". "Sinh viên mà...”, Chí giải thích bằng câu nói ngắn gọn mà súc tích.

Phan Văn Kiền
(K49 Báo chí - ĐHKHXH&NV Hà Nội)

Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.