Chúng tôi đã đến nhiều trường phổ thông để ghi nhận những tiết học “không đọc chép” nhưng học sinh vẫn có thể khắc sâu được các tình tiết nhỏ nhất của bài học.
Giờ dạy văn của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền (Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM) luôn đầy ấp tiếng cười. Và đặc biệt, trong tiết học, cô Hiền giao “quyền làm chủ” lại cho học trò của mình. Bằng chứng, là trong tiết giảng về tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, học sinh lớp 11A1 tự phân công người tóm tắt cốt truyện, tự xây dựng vở kịch ngắn (5 phút), trong đó có 3 vai chính: Chí Phèo, Bá Kiến, Thị Nở. Sau vở kịch, học sinh chia ra làm nhiều tổ, đặt những câu hỏi liên quan tới tác phẩm, nhân vật rồi cùng phân tích, giải đáp. Đúc kết bài học, cô Hiền nhấn mạnh những điểm quan trọng, các ý chính.
Chia sẻ về phương pháp giảng dạy của mình, cô Hiền cho rằng, nếu học sinh chủ động, chịu tư duy và động não với tiết học, các em sẽ hiểu rõ về tác phẩm, nhân vật. Mặt khác, lối vấn đáp, tự đặt câu hỏi để cùng nhau xử trí là cách giúp học sinh hiểu, nắm vững bài thay vì học thuộc lòng bài giảng của giáo viên theo cách truyền thống.
Thay vì diễn kịch, thầy Tuấn Anh (giáo viên Trường THCS Bạch Đằng, Q.3) lại vận dụng hình ảnh và những câu chuyện đời thường có thật vào tiết giáo dục công dân. Chúng tôi đã dự tiết thỉnh giảng của thầy ở lớp 11A1 Trường THPT tư thục Nhân Việt (Q.Tân Phú). Bài Tiết kiệm trong chương trình lớp 6 hôm ấy đã khiến học sinh phải rơi nước mắt.
Thay vì đi vào trọng tâm bài học bằng lý thuyết khô cứng, thầy Tuấn Anh lại kiệm lời, đưa nhiều hình ảnh minh họa. Sau đó, thầy cho học sinh tự cảm nhận, phát biểu và nhận xét.
Một điều lý thú là trong những giờ học này, trên bảng không có chữ, cả lớp không ai viết, cũng không đọc chép, không tài liệu mà chỉ là hình ảnh và những câu chuyện.
Minh Luân
Bình luận (0)