Mẻ lưới hạt nhân
Đầu 2006, một người đàn ông tên Oleg Khintsagov xuất hiện tại thủ đô Tbilisi của Georgia. Người này vốn làm nghề buôn xúc xích và cá, đến từ vùng Bắc Ossetia thuộc Nga, khu vực có nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan đang hoạt động. Sau khi đảo quanh hầu hết mọi ngõ ngách ở Tbilisi, Khintsagov đã tìm được đối tượng cần tìm là một nhóm người mà Khintsagov cho rằng thuộc một tổ chức Hồi giáo cực đoan. Tại Georgia, thời gian này có nhiều tay súng Hồi giáo ly khai từ Nga dạt sang, chủ yếu là phiến quân Chechnya, nên việc tìm được một số phần tử này là điều không quá khó. Khintsagov nghĩ vậy và hắn cảm thấy yên tâm.
Sau vài cuộc trao đổi, Khintsagov cho nhóm người kia xem hàng mẫu là 1g uranium tinh chế. Xem hàng xong, nhóm người kia đồng ý mua thêm và hai bên đã đạt được một thỏa thuận. Khintsagov sẽ giao 100g chất phóng xạ uranium-235 để đổi lấy 1 triệu USD. Số uranium này đã được làm giàu tới hơn 90%, cấp độ mà theo các chuyên gia là đủ để sản xuất vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, 100g là quá ít, không đủ để chế tạo một quả bom. Khintsagov nói rằng đây chỉ là lô hàng đầu tiên, có tính chất "thăm dò thị trường". Các lô hàng lớn hơn sẽ tới trong tương lai gần. "Tôi còn từ 2 đến 3 kg loại này ở Bắc Ossetia", Khintsagov hứa hẹn. Nhóm khách hàng dường như đã bị thuyết phục. Hai bên bàn bạc để xác định địa điểm giao hàng.
Ngày 31.1.2006, Khintsagov mang hàng từ Nga sang Georgia. Toàn bộ 100g uranium-235 được hắn bỏ trong những bao nilon nhỏ và nhét vào túi áo khoác. Hôm sau, đến điểm hẹn, hắn đảo quanh một hồi để tìm mật hiệu của khách hàng. Nhưng hắn chợt linh cảm có điều gì đó không lành. Tuy nhiên chưa kịp rút lui thì một nhóm người trùm mặt ập tới. Ban đầu hắn tưởng đây là các tay súng Hồi giáo cực đoan được những vị khách hàng hôm nọ cử đến để cướp hàng. Nhưng ngay sau đó hắn đã nhận ra đó là các nhân viên đặc nhiệm Georgia. Khintsagov cũng biết rằng nhóm khách hàng hôm nọ thực ra là "cớm" chìm. Thế là hết. Giấc mơ 1 triệu USD tan thành mây khói. Khintsagov tra tay vào còng.
Cảnh sát Georgia cùng Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và CIA đã vào cuộc nhưng không thể xác định được nguồn gốc của số uranium nói trên cũng như không tìm được "lượng hàng lớn hơn" như lời của Khintsagov nói trước đó. Bản thân Khintsagov thì ngoan cố, không chịu hợp tác với cơ quan điều tra. Sau đó, người ta đã tiến hành xét xử kín và kết án Khintsagov 8 năm rưỡi tù giam. Câu chuyện uranium từ đó dường như cũng bị nhốt chặt sau song sắt nhà tù và trong hồ sơ của nhà chức trách Georgia, tương tự như phạm nhân Khintsagov vậy. Hầu như không ai trên thế giới này, ngoài những người trong cuộc, biết rằng có một vụ buôn lậu uranium tinh chế từng bị phát hiện tại Georgia.
Bí mật được tiết lộ
Một năm sau ngày cảnh sát bắt Khintsagov, một phần câu chuyện mới được tiết lộ ra ngoài. Hôm 24.1.2007, Bộ Nội vụ Georgia bất ngờ công bố vụ án với báo giới. "Người này đã đòi bán 100g uranium tinh chế với giá 1 triệu USD. Loại uranium này có thể được sử dụng để làm bom hạt nhân, nhưng với 100g thì chưa đủ", Hãng tin Reuters trích dẫn thông báo của Shota Utiashvili, Giám đốc Cơ quan phân tích thông tin thuộc Bộ Nội vụ Georgia.
Ông Utiashvili còn cho biết sau khi Khintsagov sa lưới, cảnh sát đã mở rộng điều tra và bắt thêm một số người Georgia nữa. Những người này từng tiếp xúc với Khintsagov, có lẽ là muốn mua uranium. "Nhân viên mật của chúng tôi ở Nam Ossetia đã tung tin muốn mua chất phóng xạ. Kết quả là có một số người Ossetia, cả Nam lẫn Bắc, xuất hiện. Họ nói với nhân viên mật của chúng tôi là họ có uranium để bán. Chúng tôi biết số uranium này được đưa từ Nga đến nhưng không biết cụ thể địa điểm nào", Utiashvili cho biết.
Đến đây, nhiều người đặt ra câu hỏi: Tại sao một vụ án động trời như vậy lại được giữ kín suốt 1 năm qua? Theo Bộ trưởng Nội vụ Georgia Vano Merabishvili thì Georgia đã quyết định công bố câu chuyện sau khi thấy phía Nga quá hờ hững trong việc ngăn chặn các nguồn rò rỉ uranium cũng như điều tra vụ án này. "Chúng tôi đã gửi toàn bộ thông tin về vụ án tới Nga, chúng tôi cũng gửi mẫu uranium nữa và họ khẳng định đó là uranium đã được tinh chế ở cấp độ cao. Tất cả chỉ có vậy. Chúng tôi không hề nhận được những thông tin khác từ Nga", ông Utiashvili phàn nàn. Bộ trưởng Merabishvili đế thêm: "Thật tiếc là không có quan chức Nga nào tới đây, cho dù chỉ để thẩm vấn nhân vật này (Khintsagov)". Điều đó có nghĩa là Georgia chỉ công bố vụ án sau khi không nhận được sự hợp tác từ phía Nga.
Trong khi đó, giới chức tại Nam Ossetia, khu vực đang muốn ly khai khỏi Georgia, lại cho rằng chính quyền Tbilisi đang mở chiến dịch tuyên truyền bằng cách "sáng tác" ra các vụ án buôn lậu uranium, làm tiền giả, buôn ma túy... để bôi xấu Nam Ossetia. "Những cáo buộc kiểu đó hoàn toàn vô căn cứ. Bản thân Chính phủ Georgia ủng
|
Xuất xứ của uranium
Bỏ qua một bên những mâu thuẫn về chính trị, vấn đề quan trọng là xác định được nguồn gốc của những gói uranium tinh chế mà Khintsagov đã đem tới Tbilisi. Sau khi Liên Xô tan rã, các cơ sở hạt nhân tại Nga luôn bị chỉ trích về vấn đề an toàn. Lãnh đạo một số nước và tổ chức quốc tế từng bày tỏ lo ngại về việc chất liệu phóng xạ từ Nga có thể bị bọn tội phạm lấy trộm và sau đó rơi vào tay khủng bố. Phía Nga khẳng định các cơ sở hạt nhân của họ luôn được bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng sau vụ Khintsagov, một số nguồn tin cho rằng có thể bọn tội phạm đã lấy cắp chất phóng xạ từ Siberia, khu vực có một số cơ sở hạt nhân quan trọng của Nga. Một công văn do Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) gửi cho Bộ Nội vụ Georgia cũng nêu rõ sự cần kíp phải điều tra được nơi xuất xứ của lượng uranium nói trên.
"Hiện tại chúng tôi đang điều tra để tìm hiểu những mối quan hệ của Khintsagov và các nghi can khác liên quan đến vấn đề buôn lậu chất phóng xạ. Chúng tôi cũng phân tích thông tin về khả năng Khintsagov đã lấy uranium từ Novosibirsk", Hãng tin Reuters trích dẫn công văn của FSB. Novosibirsk là thành phố lớn nhất vùng Siberia, tập trung nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học của Nga. Theo hồ sơ cảnh sát thì Khintsagov từng mua vé máy bay tới hai thành phố gần Novosibirsk vào năm 2000. Có thể đây là những chuyến đi "nhận hàng". Tuy nhiên, dù cảnh sát Georgia, FSB, FBI và cả CIA đã vào cuộc nhưng đến nay thì người ta vẫn chưa xác định được số uranium nói trên xuất phát từ đâu.
Trong khi các nhà điều tra tiếp tục công việc của mình thì thông tin về vụ án Khintsagov mà Georgia vừa tiết lộ đã thực sự gây chấn động thế giới. Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), từ năm 1993 đến nay, các nước đã phát hiện ít nhất 16 vụ mất cắp uranium hoặc plutonium tinh chế ở cấp độ cao. Đa số chất phóng xạ trong các vụ này đã được thu hồi. Tuy nhiên, cũng có thể một số lượng lớn đã lọt ra ngoài và đang trên đường tới tay các nhóm khủng bố hoặc các nước muốn phát triển vũ khí hạt nhân. Đó là một nguy cơ vô cùng khủng khiếp.
Đỗ Hùng
Bình luận (0)