Những gương mặt xuất sắc của kỳ thi tuyển sinh đại học

09/08/2006 23:12 GMT+7

Thủ khoa ĐH Khoa học tự nhiên Phạm Thế Thông: Đạt điểm tuyệt đối chỉ với 90 phút làm bài Đề Lý kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay trong mắt nhiều thí sinh là khó, nhưng đối với Phạm Thế Thông thì lại "bình thường thôi". Thông chỉ làm trong vòng 2 tiếng, dư hẳn 1 tiếng để ngồi... đợi hết giờ. Không chỉ môn Lý mà các môn Toán, Hóa Thông cũng chỉ làm trong vòng 90 phút, song cả ba môn đều đạt 10 điểm.

"Thực ra, ngay từ đầu năm lớp 12 em đã đặt mục tiêu đậu đại học với điểm số thật cao và em đã nỗ lực rất nhiều để đạt được điều đó.  Sau khi thi xong môn cuối cùng, em đã đoán điểm của mình phải từ... 29 trở lên" - Thông cười... khoe răng khểnh. Dáng người cao ráo, da trắng môi đỏ, mắt cận vài đi-ốp, vui tính nhưng ít nói, nhìn chung hơi nhút nhát. Đó là chân dung về thủ khoa 30 điểm của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Suốt 3 năm học Trường THPT Gia Định, Thông tập trung hết thời gian cho các môn Toán, Lý, Hóa. Không chỉ học ở lớp, học tăng tiết ở trường, Thông còn tìm đến các trung tâm luyện thi để dùi mài kinh sử. 

Gia đình Thông đang sống tại khu cư xá Thanh Đa. Nhà không khá giả, nhưng lúc nào cũng tạo mọi điều kiện cho Thông học hành. Nhờ có ba mẹ luôn động viên "phải học giỏi mới có tương lai tốt đẹp" và theo dõi sát sao nên trong thâm tâm Thông luôn tự nhủ mình không được phép học dốt.  Cả cô dì chú bác đều rất quan tâm tới "cái sự học" của cậu bé thông minh này, bằng cách hỗ trợ thêm tiền học. Năm lớp 9 Thông đã "rinh" về giải ba kỳ thi học sinh giỏi Toán cấp thành phố. Không chỉ giỏi các môn khối A, thông còn rất cừ môn Tin học.

Với mơ ước trở thành một giảng viên đại học, Thông đang nỗ lực luyện môn tiếng Anh để quyết tâm giành học bổng du học ngành Khoa học máy tính và có điều kiện thì học lên cao luôn. Nghe tin sẽ được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình dành cho chương trình Tư vấn mùa thi  của Báo Thanh Niên do Trung tâm tin học ĐH Khoa học tự nhiên và Trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ (gồm 1 năm học Anh văn tương đương 15 triệu đồng và học bổng Tin học toàn phần trị giá 27 triệu đồng), Thông không giấu được nỗi vui mừng. Đó là những phần thưởng có giá trị  thiết thực nhất đối với Thông lúc này.

Thủ khoa ĐH Kinh tế TP.HCM, Trần Hoàng Bảo Trâm: Thủ khoa đã đi... du học

Hăm hở tìm đến địa chỉ nhà thủ khoa 29 điểm của Trường ĐH Kinh tế - Trần Hoàng Bảo Trâm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, tôi bị... hẫng khi nghe chú Dũng - ba của Trâm nói em đang du lịch bên Singapore. Ngồi trò chuyện một lúc, xem chừng đã tin tin, chú mới tiết lộ: "Thôi bây giờ chú nói thật nhé, em Trâm đi du học Singapore được nửa tháng rồi cháu à". Rồi chú mở khóa tủ, lôi ra một xấp giấy được xếp ngăn nắp và khoe "thành tích của em nó từ hồi học mẫu giáo đến giờ đấy!". 


Trâm và các bạn tại Singapore

Quả là một cô bé giỏi giang, không chỉ về học tập mà còn về những hoạt động khác. Ngay từ lớp... chồi, lớp lá Trâm đã luôn nằm trong top 3 của lớp liên tục nhận giải thưởng (trong khi các bạn khác chỉ được phiếu bé ngoan). Lên lớp 2, đạt hạng nhì môn vi tính trong trường, lớp 4 cũng hạng nhì độc tấu organ, lớp 5 được giải ba phong trào viết báo, lớp 7 là học sinh giỏi hạng nhất khối, lớp 9 được giải ba môn Toán kỳ thi học sinh giỏi thành phố. Đến lớp 10, Trâm thi đỗ vào ban A Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và liên tục đứng nhất, nhì lớp, được ghi tên trên bảng danh dự của trường ở các năm học lớp 10, 11, 12. Chú Dũng thổ lộ: "Vì cô chú chỉ học hết lớp 12 nên chỉ muốn con cái sau này học hành đàng hoàng hơn, chứ học không tới nơi tới chốn thấy cực khổ lắm. Dù trước đây nhà chú rất khó khăn nhưng lúc nào cũng tạo điều kiện tốt nhất để em nó có sức khỏe và thời gian học cho tốt. Được cái em nó rất tự giác, nên ra sức học".

Hỏi được e-mail của Trâm, tôi bèn viết thư hỏi thăm tình hình. Hôm sau nhận được hồi âm, Trâm kể: "Em đang theo học ngành Quản lý dự án xây dựng Trường ĐH NUS. Sở dĩ em chọn ngành này vì sở thích của em là được... quản lý một cái gì đó. Em đi theo diện học bổng với điều kiện là phải ở lại làm việc 3 năm sau khi tốt nghiệp. Dù mới sang ít ngày nhưng em đã khá quen với cuộc sống ở đây, cũng không khác lắm so với ở nhà. Chỉ có điều em không được ăn những món ba má nấu, thèm muốn chết chị ơi. Rất may là em đã quen được nhiều bạn mới đến từ Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia, Pháp, Nhật... cũng đỡ nhớ nhà hơn. Từ khi "ra riêng" em đã biết vô bếp nấu ăn. Em cùng tập nấu với một người bạn Việt Nam. Cả hai đứa chưa vào bếp bao giờ nên bữa nào nấu cũng mất cả 2 tiếng, nhưng rất vui. Em biết làm món cơm chiên lạp xưởng với cà chua, bắp cải mời cô bạn người Nhật ăn rồi, ngon lắm. Ngoài ra còn món thịt bò xào cà chua, canh cải thìa với trứng... Em quen được một bạn Việt Nam học vi tính rất cừ, bạn ấy ham học hết chỗ chê. Quen cả một người có trùng sinh nhật với em nhưng lớn hơn em 1 tuổi. Có thể nói em là người nhỏ tuổi nhất ở đây cho nên đi đâu cũng được giúp đỡ nhiệt tình. Em lại còn bé tí nên ai cũng tưởng em mới học cấp 2...".

Đến 14/8 Bảo Trâm mới nhập học, nhưng xem ra cô bé khá bận rộn với những công việc như tham gia các câu lạc bộ để lấy điểm hoạt động ngoại khóa, khá quan trọng vì sau này ảnh hưởng đến kết quả tốt nghiệp cũng như cơ hội xin việc làm, tham gia các "workassistant talk" (buổi thảo luận giúp sinh viên kiếm việc làm thêm), đăng ký môn học, làm thủ tục để được ở Singapore trong 4 năm, tham dự các buổi hướng dẫn của khoa, các hoạt động của ký túc xá, rồi còn... đi chợ mua thức ăn, sắm sửa đồ dùng sinh hoạt để bắt đầu một cuộc sống mới tự lập nữa. Cô bé vừa tròn 18 tuổi còn thổ lộ một "tư tưởng lớn" khiến tôi rất muốn chờ đợi: "Em có một mục tiêu là khi em bước chân vào một lĩnh vực nào, em sẽ để lại dấu ấn đặc biệt để khi nhắc đến tên em mọi người sẽ nhớ...".

M.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.