Những “hố tử thần” trên mặt phố

16/09/2010 12:24 GMT+7

(TNO) Vụ xe taxi Vinasun lọt “hố tử thần” hôm 14.9 khiến người tham gia giao thông lo ngại. Nhưng đó chẳng phải là chuyện hiếm hoi gì mà thật ra tại TP.HCM thời gian qua liên tiếp xảy ra những vụ "sập bẫy" tương tự, khiến người dân phải “vừa chạy xe vừa run”. >> Taxi lọt "hố voi" do lô cốt để lại / Xe tải sập bẫy giữa lộ / Nỗi lo “bẫy” trên đường vào mùa mưa

May mà "con mồi" là xe 4 bánh

Đang thi công cống thoát nước nhưng vướng phải đường ống cấp nước và cáp ngầm nên nhà thầu đã đặt tạm một hố ga trước hẻm 386 Lê Văn Sỹ (Q.3, TP.HCM) để thoát nước và cho tái lập tạm mặt đường để xe cộ tiếp tục lưu thông.


Xe taxi lọt "hố tử thần" chiều 14.9 - Ảnh: Cao Sơn

Đó là nguyên nhân dẫn đến "sự chào đời" của cái bẫy giữa phố đã "nuốt gọn" xe taxi Vinasun vào chiều 14.9,  theo như giải thích của Ban Quản lý Dự án (BQLDA) Vệ sinh môi trường TP.HCM.

Sau sự cố trên, nhà thầu và BQLDA đã xử lý sự cố bằng cách cho tái lập lại mặt đường để tiếp tục thi công công trình và để xe cộ có thể tiếp tục lưu thông. Nhìn mặt đường vẫn còn nham nhở ở khu vực trước hẻm 386 Lê Văn Sỹ, nhiều người dân vẫn không hết run sợ khi đi ngang qua.

“Nếu không phải là chiếc taxi mà là người đi xe máy rơi xuống hố đó thì chắc là nguy. Không biết mấy ổng làm ăn kiểu gì mà tháo xong “lô cốt” là bị sụt hố như vậy?!”, bác Nguyễn Văn Năm, hành nghề chạy xe ôm ở gần con hẻm 386 Lê Văn Sỹ, bức xúc nói.


Người dân lo sợ khi đi ngang qua những mặt đường chỉ được che đậy sơ sài - Ảnh: Trí Quang

Tái lập tạm, tai nạn thật

Vụ chiếc taxi "sập bẫy” khi đang chạy trên đường khiến mọi người thất kinh, nhưng thật ra đó chỉ là tai nạn gần nhất sau hàng loạt diễn biến tương tự xảy ra trước đó.

Sáng 13.9, chiếc xe tải biển số 68H-8549 cũng bị lọt hố trên đường Võ Văn Vân, thuộc xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Hiện trường vụ tai nạn cho thấy mặt đường bị sụt lún xuống tạo hố sâu khoảng nửa mét và khá rộng. Chiếc xe tải khi đi qua đã bất ngờ lọt bánh trước xuống dưới hố. Người dân cho biết, ba tháng trước, vị trí cái hố này là một “lô cốt”.


Xe tải sụp hố tại huyện Bình Chánh vào sáng 13.9 - Ảnh: Ngọc Thọ

Một xe tải nặng hơn 30 tấn cũng đã bị lật trên đường Tô Ký, huyện Hóc Môn, TP.HCM đè sập nhà dân vào ngày 22.7.

Nguyên nhân vụ tai nạn cũng do nhà thầu thi công khi đang đào đường để đặt ống nước thì vướng công trình ngầm nên chỉ tái lập tạm mặt đường bằng cát, đá để… bảo đảm giao thông vào ban ngày.

Còn vào ngày 1.8, tại giao lộ Hoàng Văn Thụ - Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận) cũng xuất hiện một hố sâu hơn 2m, đường kính đến 3m. Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết sự cố sụt lún này là "tác phẩm" của một đơn vị thi công lắp đặt cống.

Vài ngày trước đó, ở giao lộ Phạm Văn Hai - Lê Văn Sỹ (Q.Phú Nhuận) cũng xuất hiện một hố sâu 2m, rộng 4m. “Hố voi” này khiến một ôtô sụp “bẫy”. Chủ xe phải thuê xe cẩu đến hiện trường để kéo chiếc ôtô lên.


Những cái "bẫy" trên đường phố - Ảnh: Trí Quang

“Gần đây tôi đi ngang đường Cách Mạng Tháng Tám đoạn gần chợ Hòa Hưng (đối diện Trạm xăng dầu số 16) cũng phát hiện có một hố nhỏ hình thành và sau đó vài ngày thì nó đã rộng ra. Vậy mà chẳng thấy cơ quan chức năng xử lý cho dân đỡ khổ. Chắc vài hôm nữa sẽ có thêm một xe lọt xuống (!?)”, một bạn đọc bức xúc phản ánh về Thanh Niên Online.

Ai chịu trách nhiệm tai nạn?

Trước tình hình tái lập mặt đường một cách vô trách nhiệm như trong thời gian qua, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM thừa nhận: "Công tác tái lập mặt đường của các công trình thi công, đào đường trên địa bàn TP.HCM còn nhiều tồn tại và bất cập. Nhiều đơn vị thi công tháo dỡ rào chắn trong khi vẫn chưa tái lập bê-tông nhựa mặt đường hoặc tái lập mặt đường không đảm bảo an toàn giao thông".

Trao đổi với Thanh Niên Online về trách nhiệm quản lý mặt đường, bồi thường và giải quyết thiệt hại trong trường hợp các công trình đang thi công trên đường gây ra tai nạn cho người dân, ông Lê Toàn, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết: "Hiện nay, trên mặt đường có rất nhiều công trình thi công khác nhau từ Dự án Cải thiện môi trường nước, Dự án Nâng cấp đô thị đến việc thi công lắp đặt các tuyến cáp ngầm của Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, Viễn thông TP.HCM,…

Mỗi công trình lại do nhà thầu, đơn vị quản lý khác nhau. Sở GTVT TP.HCM chỉ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc rà soát, cấp phép cho các đơn vị thi công trên mặt đường, kiểm tra thời hạn thi công, dựng rào chắn công trình, kiểm tra việc đảm bảo giao thông tại nơi rào chắn. Đơn vị nào vi phạm sẽ bị xử lý phạt theo quy định.Còn các sự cố xảy ra trong quá trình thi công công trình thì nhà thầu và tư vấn giám sát là phải chịu trách nhiệm. Đơn vị nào thi công gây ra tai nạn cho người dân thì đơn vị đó chịu trách nhiệm”.

Với tai nạn taxi lọt hố ngày 14.9, theo ông Trần Hồng Nam, Phó chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM, vụ việc xảy ra tại công trình của Dự án Cải thiện môi trường nước TP và nhà thầu liên danh Dreco-Cienco5. Vì vậy, trách nhiệm thuộc về 2 đơn vị này.

Theo Công văn số 6884/UBND-ĐTMT của UBND TP.HCM (5.11.2008), các đơn vị thi công phải tái lập mặt đường hoàn thiện trong vòng 24 giờ sau khi tháo dỡ rào chắn thi công.

Đơn vị thi công bị lập biên bản xử phạt quá 3 lần đối với 1 gói thầu mà không khắc phục thì thanh tra Sở GTVT có quyền đình chỉ thi công toàn bộ gói thầu.

UBND TP.HCM cũng có quy định từ ngày 1.1.2010, khi lập thủ tục xin phép thi công, chủ đầu tư xin phép đào đường để lắp đặt các công trình ngầm phải ký quỹ tại các Khu quản lý giao thông đô thị hoặc UBND quận, huyện số tiền bằng 100% giá trị dự toán xây lắp phần tái lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong trường hợp đơn vị thi công táí lập mặt đường không đạt chất lượng, hoặc không tái lập mặt đường kịp thời thì các khu quản lý giao thông đô thị hoặc UBND quận, huyện phải xử phạt đơn vị theo quy định và sử dụng tiền ký quỹ để tái lập mặt đường.


"Món quà để lại" của một đơn vị thi công tại TP.HCM - Ảnh: Trí Quang

Nguyên Mi - Trí Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.