Tháng Giêng là tháng của nhiều lễ hội xuân nổi tiếng. Nếu bạn có thể một lần tham gia các lễ hội này để cảm nhận không khí truyền thống qua từng nghi lễ hội.
Hội xuân là ngày vui của làng - Ảnh: Ngữ Thiên |
1. Hội rước pháo làng Đồng Kỵ (Mùng 4- 6 tháng Giêng âm lịch)
Làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) có hội làng kéo dài 3 ngày, nhưng ngày mùng bốn vẫn thu hút nhất. Vào ngày đó, trước đây khi chưa cấm sản xuất và đốt pháo nổ như bây giờ, làng có cuộc thi pháo. Trong cuộc thi đó, quả pháo được giải là quả pháo to nhất, nổ to nhất, xác pháo đẹp nhất. Sau này, khi pháo nổ không được sản xuất nữa, làng chuyển thành lễ rước pháo. Đến 9 giờ sáng, hai quả pháo cực lớn, sơn son thếp vàng được thang niên trai tráng trong làng rước từ nhà ông đám trưởng ra đình. Được làm ông đám là vinh dự.
Cũng trong ngày đó sẽ có cuộc “tung ông đám” để chọn thủ lĩnh, người chủ lễ rước pháo năm sau. Đồng Kỵ có bốn thôn nên có 4 đại diện thôn để dự thi. Ông phải là người hơn 50 tuổi, gia đình song toàn, làm ăn phát đạt, con cháu có nếp có tẻ. Thanh niên sẽ vừa chạy quay đình vừa rước ông lên cao, ông phải thể hiện hùng dũng vui vẻ bằng múa ước lệ. Ông đám cuối cùng trụ vững trên tay đám thanh niên là người thắng cuộc, trở thành chủ tế cho lễ hội năm sau. Nó mang dấu ấn của một cuộc tuyển chọn thủ lĩnh xưa kia.
Được làm ông đám là một vinh dự ở Đồng Kỵ - Ảnh: Ngữ Thiên
|
2. Lễ hội chùa Hương (Mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch)
Chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đây là lễ hội thu hút sự chú ý nhiều nhất của nhân dân cả nước mỗi dịp Tết đến xuân về và cũng là lễ hội dài nhất cả nước. Lễ hội Chùa Hương bắt đầu từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Ngày này vốn là ngày lễ khai sơn (lễ mở cửa rừng) của người làng Yến Vĩ và Phú Yên tại đó. Khai hội thường có tổ chức múa rồng ở sân đền Trình, bơi thuyền múa rồng trên suối Yến. Ngày cao điểm của Hội là tháng 18 tháng 2 âm lịch, tương truyền đó là ngày sinh Đức Quan Thế Âm tức bà Chúa Ba ở chùa Hương.
3. Hội đền Gióng (từ 6-8 tháng Giêng âm lịch)
Lễ hội đền Gióng được tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn(Hà Nội). Theo truyền thuyết đây chính là nơi dừng chân cuối cùng của Thanh Gióng trước khi bay về trời. Lễ hội diễn ra trong ba ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Hội được công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại từ 2011.
4. Hội đền Cổ Loa (Từ 6-16 tháng Giêng âm lịch)
Hội Cổ Loa tại làng Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội tổ chức để tưởng nhớ An Dương Vương- người đã có công dựng nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa. Ngoài lễ tế rước, hội còn có nhiều trò chơi dân gian trong đó có bắn nỏ, đấu vật. Khu vực đền Thượng, giếng Ngọc là nơi tập trung nhiều hoạt động nhất. Khách đến hội đền Cổ Loa còn được thưởng thức hai món đặc sản địa phương là giò mo và bún xào rau cần.
Rước kiệu ở Cổ Loa- Ảnh: Ngữ Thiên
|
5. Hội Tịch điền Đọi Sơn (5 - 7 tháng Giêng âm lịch)
Hội Tịch điền diễn ra tại xã Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam. Sử chép, nó bắt đầu từ việc vua Lê Đại Hành về đây làm lễ cày Tịch điền. Từ đó, nó trở thành một tục được các triều đại noi theo.
6. Hội Xoan Phú Thọ (7 tháng Giêng âm lịch)
Diễn ra tại Làng Hương Nha, huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội tưởng nhớ Xuân Nương, một nữ tướng tài giỏi của Hai Bà Trưng. Hội mở đầu bằng tiệc cầu Xuân dâng Thành Hoàng bằng cỗ chay, có củ mài và mật ông. Hội cũng có các trò diễn, hát xướng. Hát Xoan hiện đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
7. Lễ hội Yên Tử (từ 10 tháng Giêng âm lịch)
Hội Yên Tử ở Uông Bí, Quảng Ninh thu hút khách đi lễ Phật. Yên Tử hiện còn có bảo tàng trưng bày một số hiện vật quý trong quá trình khai quật khảo cổ học ở đây. Đặc biệt có chiếc hộp hoa sen vàng đời Trần- một hiện vật được các nhà khoa học đánh giá như bảo vật quốc gia.
Múa bài bông ở hội Yên Tử - Ảnh: Ngữ Thiên
|
8. Lễ hội Côn Sơn (từ 10 tháng Giêng)
Lễ hội tổ chức ở chùa Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương. Hội kéo dài đến 22 tháng Giêng từ kết thúc. Lễ rước nước là lễ quan trọng nhất diễn ra vào ngày 16 tháng giêng tại hồ Côn Sơn. Nước được lấy để tắm tượng, và cũng cầu mùa màng.
9. Hội Lim (từ 12-14 tháng Giêng)
Hội được tổ chức tại làng Lim, huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Sau lễ rước mở đầu có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm. Tuy nhiên, người dân về hội Lim chủ yếu để nghe hát quan họ. Có các liền anh liền chị hát tại hồ nước sát cánh đồng làng Lim. Tối 12, tại đồi Lim, các làng quan họ sẽ thi tài. Cũng có các canh hát trong làng, tại gia đình.
10. Hội đền Trần (12 tháng Giêng)
Hội đền Trần diễn ra ở Nam Định. Hội có lễ Khai ấn diễn thu hút khách thăm và xin ấn. Việc phát ấn thường bắt đầu từ 15 tháng Giêng. Các nhà khoa học cho rằng lá ấn này không hề có ý nghĩa thăng quan tiến chức như đồn thổi, mà chỉ là một dấu ấn thể hiện sự khai mở năm mới.
11. Hội rước Ông Lợn (13 tháng Giêng)
Tại hội rước “Ông Lợn” tại làng La Phù, Hoài Đức, Hà Nội, mỗi thôn xóm đều sửa lễ ra đình cúng thành hoàng. Lễ vật đều có ông lợn to đẹp nhất được mổ nguyên con, trang trí đẹp mắt rồi cúng tế và dự thi. Ông lợn của xóm nào to đẹp nhất sẽ được giải nhất.
12. Hội chùa Keo (14 tháng Giêng)
Hội chùa Keo là lễ hội lớn ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình. Đây là một ngôi chùa nổi tiếng với gác chuông bằng gỗ độc đáo. Chùa thờ Không Lộ thiền sư- người có công chữa bệnh cho vua Lý Thái Tông, sau được phong Quốc Sư.
13. Hội đền bà Chúa kho (14 tháng Giêng)
Đền bà Chúa kho ở làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh. Bà là người trông nom kho lương thực và sau đó thắng quân Tống ở sông Như Nguyệt. Đây là một lễ hội được giới kinh doanh buôn bán coi trọng. Lễ hội có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa. Ai vay tiền thì cuối năm phải trả. Cũng có người chỉ xin lộc rơi lộc vãi, cuối năm không phải trả thì lại đến lễ tạ.
14. Hội chọi trâu Hải Lựu (17 tháng Giêng)
Hội chọi trâu Hải Lựu, Vĩnh Phúc diễn ra vào 17 tháng Giêng, tương truyền có từ thời Hùng Vương.
Bình luận (0)