Nhiều năm chiến tranh đã khiến Afghanistan mất đi không ít di sản văn hóa. Thế nên việc bảo toàn kho báu Bactria với hơn 20.000 món cổ vật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước này và thế giới. Chuyên gia Jim Williams của Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục LHQ (UNESCO) từng so sánh việc phát hiện kho báu Bactria với việc tìm thấy ngôi mộ vua Tut ở Ai Cập.
|
22.000 cổ vật
Bactria là tên gọi cổ đại của vùng lãnh thổ này ngày nay thuộc về Afghanistan, Tajikistan, Uzbekistan và một phần nhỏ của Turkmenistan. Vùng này phát triển rực rỡ từ thời kỳ đồ đồng và là một địa điểm quan trọng trên Con đường tơ lụa nổi tiếng. Từng trải qua sự đô hộ của nhiều thế lực khác nhau như Ba Tư, Macedonia, Hy Lạp,… lại nằm giữa trục giao lưu đông tây thời cổ đại nên Bactria hội tụ những tinh hoa của nhiều nền văn hóa khác nhau.
Theo báo The Wall Street Journal, kho báu Bactria được tìm thấy ở ngoại ô thành phố Sheberghan, miền bắc Afghanistan vào cuối năm 1978. Nhóm khai quật của nhà khảo cổ Liên Xô Viktor Sarianidi đã phát hiện dưới đồi Tillya 7 hầm châu báu có từ khoảng 2.000-2.500 năm trước. Các chuyên gia chỉ mở được 6 trong 7 hầm nhưng như vậy cũng đủ làm họ “choáng váng” với số châu báu bên trong. Tổng cộng có khoảng 22.000 vật tùy táng quý giá đã được tìm thấy gồm vương miện, đồ trang sức, huy chương, dây lưng và tiền xu làm bằng vàng và các loại đá quý khác. Xen lẫn còn có tiền Ấn Độ, tượng thần Hy Lạp, gương Trung Hoa và yên ngựa của vùng thảo nguyên Siberia. Những phát hiện này là bằng chứng cho ảnh hưởng đa văn hóa và những hoạt động giao thương nhộn nhịp giữa đông và tây tại khu vực này.
Nhà khảo cổ Sarianidi và các cộng sự hối hả đưa các cổ vật được tìm thấy đến Bảo tàng Quốc gia ở thủ đô Kabul để cất giữ. Thời tiết khắc nghiệt và bất ổn chính trị đã ngăn chặn việc khai quật hầm thứ bảy. Kho báu Bactria nhanh chóng trở thành niềm tự hào của Afghanistan nhưng nó cũng sớm bị đe dọa bởi tình hình bất ổn liên tục ở nước này. Nếu không có sự can đảm và ý thức bảo vệ di sản của một cá nhân hẳn kho tàng sẽ không còn tồn tại cho đến ngày nay.
|
Người hùng Ameruddin Askarzai
Theo báo Telegraph, trong giai đoạn chiến tranh vào thập niên 1980, Bảo tàng Kabul thường xuyên bị cướp phá. Vào ngày trước khi người Liên Xô rời Kabul vào tháng 2.1989, kho báu được đưa đến Ngân hàng Trung ương Afghanistan. Một quan chức của ngân hàng tên Ameruddin Askarzai giúp niêm phong số báu vật trên trong 6 chiếc rương và cất nó cùng với một số vàng thỏi trị giá vài chục triệu USD, trong một căn hầm kiên cố. Khi Taliban chiếm Kabul vào năm 1996, một số thủ lĩnh của lực lượng này đã đến văn phòng của ông Askarzai cùng với 2 người thợ kim hoàn và yêu cầu ông đưa họ đến căn hầm. Bị dí súng vào đầu, ông Askarzai buộc phải đã mở khóa cửa hầm để các tay súng này vào kiểm tra. Họ tìm thấy số vàng thỏi nhưng không để ý lắm tới một gian phòng nhỏ trong căn hầm. Khi được hỏi, Askarzai nói đó là nơi cất một số “đồ thủ công không có mấy giá trị”. Thật ra trong gian phòng đó là 6 rương đầy châu báu Bactria. Do lo sợ Taliban sẽ trở lại, ông Askarzai cố tình phá hỏng ổ khóa của gian phòng nhỏ.
Nỗi lo của quan chức này hoàn toàn có cơ sở. Vào năm 2001, khi Taliban chuẩn bị rút chạy, các tay súng của lực lượng này trở lại căn hầm. Lần này, ông Askarzai cho biết ông không mở được hầm vì ổ khóa đã hỏng. Thất vọng và giận dữ, các tay súng chỉ biết giơ súng bắn chỉ thiên trước khi bỏ đi. Nhờ vậy, kho báu Bactria đã được bảo toàn.
Mong ước nhỏ nhoi
Sau khi quân Mỹ tiến vào Kabul, Askarzai bị bắt vì từng làm việc cho chế độ Taliban. Sau khi ngồi tù 3 tháng và 19 ngày, ông được thả và còn được bổ nhiệm vào vị trí chịu trách nhiệm phát hành tiền cho chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai.
Khi được tự do, ông Askarzai tìm một thợ khóa để sửa ổ khóa bị hỏng trong gian phòng dưới hầm Ngân hàng Trung ương và kho báu Bactria một lần nữa bước ra ánh sáng. Đến tháng 4.2004, một phái đoàn quan chức Afghanistan và chuyên gia nước ngoài, trong đó có cả ông Viktor Sarianidi, chứng kiến kho báu được mang khỏi căn hầm. Cả nước Afghanistan hân hoan chào đón niềm tự hào mới của quốc gia. Từ đó đến nay, kho báu Bactria đã được mang đi triển lãm ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan…
Dù được xem là người hùng của đất nước, ông Askarzai rất ngại đề cập chuyện ông bảo vệ kho báu do lo sợ Taliban trả thù. Hiện tại, ông vẫn tiếp tục phụ trách việc phát hành tiền tại Ngân hàng Trung ương Afghanistan và mong ước duy nhất là nhận huy chương từ Tổng thống Karzai. Cách đây 2 năm, ông Karzai hứa trao tặng huy chương cho Askarzai nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. “Tôi đang chờ đợi ngài tổng thống có chút thời gian rảnh rỗi”, người đàn ông 58 tuổi nói trong một cuộc phỏng vấn với báo Telegraph hồi tháng 2.2011.
Trùng Quang
Bình luận (0)