Những kho báu khổng lồ trên thế giới: Núi châu báu Nimrud

12/07/2011 00:04 GMT+7

Kho báu Nimrud ở Iraq được giới khảo cổ học xem là một trong những “núi châu báu” lớn nhất trong khu vực.

Nimrud là thủ đô của Assyria, một đế quốc cổ tọa lạc tại khu vực thượng nguồn sông Tigris thuộc miền bắc Iraq ngày nay. Thành phố này bị phá hủy vào năm 612 trước Công nguyên và dấu tích của nó được tìm thấy ở vị trí cách thành phố Mosul hiện tại khoảng 30 km về phía đông nam. Chính nơi đây, giới khảo cổ đã tìm thấy một trong những kho báu lớn nhất thế giới cổ đại.

Phát hiện bất ngờ

Theo website Heritage-key.com, vào thế kỷ 13 trước công nguyên, vua Shalmaneser I  đã lập Nimrud làm thủ đô của Assyria và nó nhanh chóng trở thành một trong những  thành phố quan trọng nhất khu vực Lưỡng Hà. Sau khi vua Sargon II dời đô về Khorsabad năm 706 trước Công nguyên, Nimrud vẫn là một trung tâm quan trọng và là nơi ở của nhiều thành viên hoàng gia. Gần 1 thế kỷ sau đó, nó bị phá hủy trong cuộc chiến Assyria-Babylon.

Tàn tích đổ nát của Nimrud nằm sâu dưới những lớp cát của Iraq cho đến năm 1845, khi nhà khảo cổ người Anh Austen Henry Layard tìm thấy nhiều phù điêu, tượng và đồ kim hoàn. Năm 1950, một nhà khảo cổ học người Anh khác là Max Mallowan, chồng của tiểu thuyết gia nổi tiếng Agatha Christie, tiến hành một đợt khai quật lớn ở Nimrud. Ông tìm ra một gian điện được cho là nơi ở của cung tần mỹ nữ

Assyria năm xưa. Tuy nhiên, vì nhiều lý do Mallowan không xem xét căn phòng kỹ hơn và ông đã bỏ qua một phát hiện “bằng vàng”.

Theo tạp chí Discover, đến năm 1988, một nhà khảo cổ học người Iraq tên Muzahim Mahmud trong lúc dọn dẹp gian điện nói trên đã phát hiện bên dưới nó là một phức hợp hầm mộ chứa đầy vàng bạc châu báu và nhiều đồ tùy táng giá trị khác. “Tôi không thể tin vào mắt mình”, ông Mahmud hồi tưởng lại. Người đàn ông gầy còm và thầm lặng này khi đó không biết mình đã có một trong những phát hiện khảo cổ quan trọng nhất kể từ khi ông Howard Carter tìm thấy ngôi mộ vua Tut ở Ai Cập vào năm 1922.

Sau đó, ông Mahmud đã phát hiện thêm 3 ngôi mộ nữa, bao gồm mộ của bà Molissu, hoàng hậu của vua Ashurnasirpal II. Trong mỗi ngôi mộ này đều có xương người, hàng trăm món nữ trang bằng vàng và vật dụng cá nhân.

 
Kho báu Nimrud trong lần “ra mắt” công chúng đầu tiên sau khi tìm lại được vào năm 2003 - Ảnh: SFGATE

 
Những món đồ quý giá của kho báu Nimrud - Ảnh: NPR

Giá trị lớn

Theo báo Telegraph, kho báu Nimrud được triển lãm trong vài tháng tại Bảo tàng Quốc gia ở thủ đô Baghdad vào năm 1989. Ngày 2.8.1990, Tổng thống Saddam Hussein đưa quân vào Kuwait và Mỹ tung chiến dịch Bão sa mạc vào đầu năm 1991. Chiến tranh đã làm gián đoạn các hoạt động khảo cứu tiếp theo của ông Mahmud tại Nimrud và những báu vật tìm thấy tại đây trước đó được đem cất giấu ở một nơi bí mật. Từ đó, hầu như không ai biết gì về “hành tung” của kho báu này. Nhiều người lo ngại chúng đã bị cướp phá, bị bán hoặc nổ tung trong các vụ tấn công bằng tên lửa.

Mãi đến tháng 6.2003, một nhóm chuyên viên Bảo tàng Quốc gia Iraq cùng các quan chức Mỹ mở 5 chiếc thùng gỗ dưới tầng hầm của Ngân hàng Trung ương Iraq. Tại đó, họ tìm thấy nguyên vẹn kho báu Nimrud với gần 1.000 món nữ trang bằng vàng, đá quý và đồ trang trí có từ thời điểm đỉnh cao của nền văn minh Assyria vào khoảng năm 800 trước Công nguyên. Tổng cộng, các món đồ vật này, bao gồm các vương miện, hoa tai, vòng cổ, bùa hộ mệnh, nhẫn...  có trọng lượng trên 45 kg, theo báo The Wall Street Journal.

Kho báu Nimrud giá trị đến mức cách đây vài năm, một cuộc triển lãm dự định tổ chức ở Đức bị hủy bỏ do không có công ty bảo hiểm nào sẵn sàng bảo hiểm cho những báu vật  này. Tuy nhiên, việc bảo vệ kho báu vẫn còn kẽ hở. Vào tháng 9.2010, chính quyền Iraq thông báo thu hồi thêm 542 cổ vật bị đánh cắp và “lưu lạc” sang Mỹ, trong đó có một đôi hoa tai bằng vàng từ Nimrud bị tịch thu trước một cuộc đấu giá của nhà Christie’s ở New York vào tháng 12.2009.

Không chỉ có kho báu Nimrud, hàng chục ngàn cổ vật quý giá đã bị đánh cắp khỏi Iraq trong giai đoạn loạn lạc. Theo báo The New York Times, Mỹ đã trả lại cho Iraq tổng cộng 1.046 cổ vật. Tính đến cuối năm 2010, 5.000 cổ vật bị đánh cắp kể từ năm 2003 đã được thu hồi, và nhà chức trách Iraq hy vọng nhiều nước khác sẽ hợp tác tìm kiếm 15.000 món đồ vật vẫn còn mất tích khỏi Bảo tàng Quốc gia Iraq, một trong những địa điểm bị cướp phá nghiêm trọng nhất sau khi chính quyền Saddam Hussein bị lật đổ.

 

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.