Đối với vài người, nó trải qua một cách nhẹ nhàng, nhưng đôi khi cũng làm cho nhiều phụ nữ cảm thấy khổ sở và thuật ngữ chuyên môn gọi là Hội chứng tiền kinh nguyệt (HCTK).
Hội chứng tiền kinh nguyệt: Nguyên nhân gây ra sự khó chịu trong những “ngày ấy” chưa được xác định nhưng các nghiên cứu đều đồng ý rằng đây là rối loạn có thực với căn bản sinh học, chứ không phải hoàn toàn có tính cách tâm lý, tưởng tượng. Theo Hội Sản phụ khoa Mỹ, 85% phụ nữ có HCTK trong khoảng 400 chu kỳ kinh nguyệt, kể từ khi kinh nguyệt xuất hiện lần đầu ở tuổi dậy thì cho tới khi cao tuổi, mãn kinh. Sau đây là một số giả thuyết về nguyên nhân gây ra HCTK:
- Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy hội chứng có liên quan tới sự mất thăng bằng của progesteron và estrogen trong cơ thể. Trong mấy ngày trước khi xuất huyết, lượng estrogen giảm xuống dưới mức trung bình. Một số nghiên cứu khác cho biết HCTK có thể là do thay đổi serotonin ở não bộ. Serotonin điều hòa sự sản xuất các hormon estrogen và progesteron. Mức độ serotonin thấp, đưa đến chậm rụng trứng và mất cân bằng hai kích thích tố này. Ngoài ra, một số nguy cơ sau đây cũng có thể gia tăng các dấu hiệu của HCTK như: ít vận động cơ thể, dinh dưỡng kém, thiếu sinh tố E, B6, thiếu khoáng chất như sắt, magnesium, manganese.
Phụ nữ sẽ thấy bực bội trong người, tính tình bất thường, hay gắt gỏng, bồn chồn, lo âu, hơi buồn, dễ khóc, hay giận, đau rêm mình mẩy, nhức đầu, đầy bụng, sưng phù bàn chân, bàn tay. Nhiều người than mệt mỏi, không muốn ăn uống ngủ nghê nhưng lại thèm ăn đồ mặn và ngọt.
Ở nhiều người, các triệu chứng trên rất khó chịu, ảnh hưởng tới đời sống cá nhân cũng như công việc. Trái lại có người chỉ cảm thấy khó chịu thoảng qua trong vài giờ trước khi có kinh. Nói chung, đây là những ảnh hưởng sinh học chứ không liên hệ gì tới nhân cách, cá tính.
Giải pháp để “phái yếu không yếu trong ngày ấy”: Đều tập trung vào việc giảm thiểu các triệu chứng khó chịu, chứ không có thuốc để trị dứt rối loạn. Ngoài ra, không phương thức nào có thể áp dụng chung cho nhiều người. Do đó, mỗi người nên tìm ra cách làm giảm khó khăn của mình. Nếu bệnh quá trầm trọng, nên đi tham khảo ý kiến bác sĩ. Sau đây là một số phương thức có thể áp dụng:
Trước hết, mỗi người nên thực hiện một “nhật ký ngày ấy”. Trong nhật ký, sẽ ghi lại các chi tiết như dấu hiệu khó khăn, xảy ra bao giờ, nặng hay nhẹ, kéo dài bao lâu, ảnh hưởng thế nào lên tâm tính, hành vi, sinh hoạt hằng ngày và mình làm gì để giảm thiểu khó khăn. Nhờ nhật ký này, ta có thể có kinh nghiệm đối phó với những rối loạn tiền kinh sẽ xảy ra trong tương lai.
Trong thời kỳ kinh nguyệt, nên ăn uống nhẹ nhưng đầy đủ chất dinh dưỡng như sau:
- Bớt một chút các chất đạm và chất béo, ăn nhiều rau trái, các loại hạt.
- Chia phần ăn trong ngày ra làm nhiều bữa nhỏ để tránh nặng bụng.
- Bớt thức ăn quá mặn.
- Dùng thêm các loại viên sủi bổ sung vitamin B, C và khoáng sắt.
- Tập thể thao, vận động tăng endorphins do não sản xuất. Endorphins là một chất chống đau thiên nhiên, giúp giảm đau ngầm ngầm bụng dưới đồng thời cũng tạo ra cảm giác hưng phấn, yêu đời.
- Trước khi đi ngủ, ngâm mình trong bồn nước ấm khoảng 30 phút để bớt căng thẳng cũng là điều ưa thích của nhiều phụ nữ. Ngủ đầy đủ, 8 giờ mỗi tối để ngày hôm sau có sức chịu đựng với các khó chịu của tiền kinh nguyệt.
- Nên ghi lại những cảm giác khó chịu của mỗi kinh kỳ để biết trước mà kiểm soát, thích nghi.
Thanh Sang
Bình luận (0)