Những khối đá huyền bí - Bài 9: Nơi dâng cúng thức ăn lên các thần

18/01/2010 22:36 GMT+7

Bệ thờ Vân Trạch Hòa được tình cờ phát hiện năm 1991 ở xã Phong Thu, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) được xem là bệ thờ “biểu đạt truyền thống balipitha của Ấn Độ - nơi dâng cúng thức ăn cho các vị thần”...

Theo mô tả của các nhà nghiên cứu, bệ gồm hai tầng vuông vắn với nhiều tượng sư tử, thiên nga hamsa (Brahma thường cưỡi) và thần sấm sét Indra, thần gió Vayu, thần chết Yama, thần không gian Varuna, thần tài lộc Kubera, thần Isana, Đại tự tại thiên Mahadeva, thần Vishnu, và có thể một hóa thân khác của thần Shiva...

Sao quá nhiều thần như thế ở bệ thờ Vân Trạch Hòa, cũng như ở các đền thờ khác ở Ấn Độ, Chămpa xưa? Để giải thích, một lần nữa cần dẫn thêm kết luận của GS Lê Xuân Khoa: “Theo tôn giáo Veda, tất cả các thần linh chỉ là những biểu hiện khác nhau của cùng một thực tại tức là Bà la môn (Brahman) hay Thượng đế (Ishvara). Nhưng vì Thượng đế không xuất hiện trong một hình tượng nhất định nào nên người ta thờ phụng Ngài qua các biểu hiện của Ngài tức là các thần linh đúng như kinh Veda đã ghi: “Ekam sat vipra bahudha vadanti” (Thực tại chỉ là Một nhưng các trí giả gọi Ngài bằng nhiều tên khác nhau)”. Cần ghi chú rõ: “Thượng đế trong tôn giáo Veda được gọi là Prajapati (chúa tể muôn loài) hay Vishvakarman (tạo hóa). Còn Ishvara là danh từ có sau này thường dùng để chỉ Thượng đế hữu ngã thể hiện nơi các thần Brahma, Vishnu và Shiva”.

Để tìm hiểu thêm, chúng tôi ghi nhận những phân tích chi tiết bệ thờ Vân Trạch Hòa trên tạp chí Nghiên cứu Huế tập 6-2008 do Nguyễn Hữu Châu Phan chủ biên, với nhận xét: “Bệ thờ Vân Trạch Hòa đã góp công vào việc học hỏi những dikpala, trở nên một yếu tố chủ yếu khảo cứu về các thiết bị thờ cúng. Trong cuộc triển lãm điêu khắc Chămpa ở Paris, một góc lớn đã dành cho những dikpala mà ban tổ chức đã chịu khó đi lượm lặt khắp nơi ở Việt Nam để trưng bày vào một chỗ. Thành thử, dù gián tiếp và chỉ trong tinh thần – bệ thờ Vân Trạch Hòa, xuất phát từ Phong Điền, đã hiện diện ở kinh đô ánh sáng, góp phần làm lan tỏa nghệ thuật Chăm và trở thành đề tài khảo cứu cho những thế hệ mới”. Trên bệ thờ có chạm “thần lửa Agni ngồi trên một con tê ngưu đặc thù của Chămpa và Campuchia”. Gốc tích xa xưa của vị thần này liên quan tới thần thoại học Veda và việc tìm hiểu điều ấy gợi mở thêm những giải thích về bệ thờ Vân Trạch Hòa cùng các tác phẩm điêu khắc đá Chămpa. Vậy Agni là ai?

Đó là vị thần lửa đầy quyền năng và được tôn vinh trong hệ thống Veda, thường hiện ra với thân màu đỏ hoặc vàng rực, có hai đầu, bảy lưỡi và bốn tay cầm đuốc, chuỗi hạt, cây quạt và chiếc rìu, ngồi trên xe được kéo vun vút bởi bảy con ngựa đỏ. Lấy khói làm cờ hiệu, lấy bánh xe làm gió, Agni lướt đi khắp nơi với ngọn lửa hừng hực, đốt cháy tất cả những gì trên đường đi, như một thác lửa từ đỉnh trời lao xuống các đồng cỏ xanh. Tuy hung hãn như vậy, song Agni cũng là một vị thần bảo hộ cho loài người và đã trở thành vị chủ tế đầu tiên của các buổi lễ cúng chư thiên. Chính thần Agni đã làm trung gian giữa loài người và thế giới thần linh, chuyển thức ăn và các lời cầu nguyện của người đến với các thần.

Tài liệu nghiên cứu về triết học Ấn Độ cho biết, các thần trong Veda ở khắp nơi trong ba cõi: cõi trời (Dyaus), cõi đất (Prithivi), cõi không trung (Antariksha). Làm chủ cõi trời là thần mặt trời (Surya), chủ cõi đất là thần lửa (Agni), chủ cõi không trung là thần gió (Vayu). Trong đó, Agni được xem là “bản chất chung của ba ngôi (Agni - Surya - Vayu)” vì dù ở thiên đường, hạ giới hoặc giữa không trung, nơi đâu cũng cần có hơi ấm (của Agni để tồn tại). Đặc điểm thần lửa là bình đẳng tiếp nhận tất cả, từ các đồ uế tạp, dơ bẩn, đến đồ cúng thanh tịnh, để đốt cháy chúng và tỏa sức ấm cho những ai cần đến. Thần lửa Agni không chỉ soi sáng ngoại giới, chiếu dọi cảnh vật bên ngoài, mà còn giúp tâm hồn người bừng sáng, thông tuệ. Agni có mối liên hệ với thần Vayu (thần gió) vì Vayu là “hơi thở của lửa - giúp lửa bừng bừng sức sống”. Đặc biệt với thần Surya (mặt trời), bởi trước hết trong 10 hiện thân của lửa có ánh thái dương.

Về thần Surya, đã được thể hiện ở Ấn Độ qua các pho tượng màu đồng đỏ, râu tóc màu vàng, cũng thường ngồi trên một chiếc xe do 7 con ngựa kéo như Agni. Thần có bốn người vợ, trong đó có Samjna (trí tuệ). Một dạo, vì không chịu được sức nóng của chồng quá lâu, nên Samjna bỏ trốn vào rừng bắt đầu một cuộc đời khổ hạnh, tu dưỡng. Vì nhớ nhung nên Surya đã mở bừng “con mắt vũ trụ” của mình soi tìm vợ khắp nơi và biết được nơi Samjna ở, liền bay đến. Samjna hóa thành một con ngựa cái phóng vào rừng. Surya liền hóa thành một con ngựa đực đuổi theo và chồm lên ôm lấy nàng. Về sau Samjna lại trở về sống với Surya và nhờ cha mình là thần Tvashtri (tạo hóa) dùng quyền phép cắt bớt nhiều chùm tia sáng của Surya. Người ta cho rằng những mảnh cắt ra từ nguồn sáng ấy đã được chế tác thành cái đĩa của Vishnu, cái chĩa ba của Shiva, cái chùy của Kubera (thần tài lộc), ngọn giáo của Kartikeya (thần chiến tranh) cùng các đồ dùng hoặc khí giới của nhiều thần linh khác.

Trên bệ thờ Vân Trạch Hòa cũng có hình diêm vương Yama, là vị thần chết đồng hành với bóng tối. Chính thần lửa Agni đã chiếu sáng đường đi của Yama để Yama có thể gom hết những tàn phai, những gì sắp lụi tắt, những hoa rơi và những thân người hấp hối về lại với hư không. (còn tiếp)

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.