Ông Vũ Xuân Chung (sinh năm 1957, hiện ở Q.4, TP.HCM) vốn là một nhà sưu tầm cổ vật. Ông kể rằng trước đây ông hoàn toàn xa lạ với mỹ thuật vì lĩnh vực này “khó nắm bắt”. Năm 1993, ông Chung được gặp cụ Hà Thúc Cần - vốn là một người yêu mến và chuyên sưu tập tranh của các họa sĩ xuất thân từ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (gọi tắt là Mỹ thuật Đông Dương), cụ Cần cũng là người có những đóng góp trong việc quảng bá mỹ thuật VN ra thế giới. Qua nhiều lần đàm đạo, ông Chung càng thấy ngưỡng mộ và yêu quý các họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương. Ông bắt đầu tìm kiếm, sưu tập tranh của các họa sĩ VN, đặc biệt là tác phẩm của các họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương...
|
Trong số những người “mê mệt” dòng tranh Mỹ thuật Đông Dương có một người rất đặc biệt: ông Jean Francoi Hubert (người Pháp). Ông Hubert là một chuyên gia về mỹ thuật VN. Không chỉ am hiểu về mỹ thuật VN, ông Hubert còn sưu tầm tranh của các họa sĩ VN. Trong một chuyến sang VN vào năm 2012, tình cờ ông đã gặp Vũ Xuân Chung.
Từ cuộc gặp gỡ ông Hubert, Vũ Xuân Chung chuyển hướng sưu tầm tranh VN đang “lưu lạc” ở nước ngoài, trong đó có tranh Mỹ thuật Đông Dương trong bộ sưu tập của ông Hubert. Mãi đến năm 2013 ông Chung mới mua được bức Vườn chuối (sơn mài, sáng tác 1978, khổ 90 x 120 cm) của họa sĩ Nguyễn Sáng đang nằm ở Paris. Trong 3 năm tiếp theo, ông Chung mua lại của ông Hubert 17 tác phẩm thuộc thế hệ Mỹ thuật Đông Dương. Mỗi tác phẩm đều có giấy chứng nhận bản gốc của ông Jean Francoi Hubert.
|
17 bức tranh này, sau hành trình dài vạn dặm để về lại VN, sẽ được ông Vũ Xuân Chung triển lãm tại Bảo tàng TP.HCM, trong đó nhiều nhất là tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm (sinh năm 1922 - mới mất nửa tháng trước) gồm: Múa rồng (sơn mài, 1974, 80 x 120 cm), Thánh Gióng (sơn mài, 1980, tròn 30 cm), Thúy Kiều - Kim Trọng (sơn mài, 1987, 70 x 50 cm), Vẽ ngựa (sơn mài, 1991, 80 x 80 cm), Vẽ chó (sơn mài, 1994, tròn 43 cm) và Nhảy múa (tranh giấy, 2005, 60 x 98 cm); của Nguyễn Sáng (1923 - 1988) ngoài bức Vườn chuối kể trên còn có Hai con gà trống (sơn mài, 1976, 45 x 60 cm), Chân dung thiếu nữ (sơn mài, 1980, 50 x 70 cm), Múa vòng (sơn mài, 1980, 50 x 58 cm) và Hai cô gái (sơn mài, 1984, 59 x 39 cm). Tranh của Bùi Xuân Phái (1920 - 1988) có 2 bức Nghệ sĩ chèo (sơn dầu, 1969, 38 x 49 cm) và Đường phố Hà Nội (sơn dầu, 1974, 18 x 24 cm). Bên cạnh đó còn có Nguyễn Du câu cá (sơn mài, 1974, 80 x 120 cm) của Nguyễn Tiến Chung (1914 - 1976), Nét duyên dáng (sơn mài, 90 x 120 cm) của Dương Bích Liên (1924 - 1988), Trận đánh (sơn mài, 40 x 60 cm) của Nguyễn Sỹ Ngọc (1919 - 1990) và Trừu tượng (sơn dầu, 1952, 47 x 56 cm) của Tạ Tỵ (1922 - 2004).
Ông Vũ Xuân Chung chia sẻ: “Tôi mong rằng ngày càng có nhiều nhà sưu tập cùng với tôi làm công việc này, để công chúng trong nước không phải ra hải ngoại mới thưởng ngoạn được những kiệt tác của nền mỹ thuật VN...”.
Chiếu sáng mỹ thuật cho Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM
Theo tin từ UBND TP.HCM, sau khi nghe báo cáo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc và lấy ý kiến của Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính, Sở Ngoại vụ, Công ty TNHH MTV chiếu sáng công cộng TP, Bảo tàng Mỹ thuật, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong vừa thống nhất chọn tòa nhà chính của Bảo tàng Mỹ thuật (trên đường Phó Đức Chính, Q.1, TP.HCM) để triển khai dự án chiếu sáng mỹ thuật của TP.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng giao Sở Ngoại vụ khẩn trương tham mưu, dự thảo công văn để UBND TP.HCM trả lời thư của ngài Phó thị trưởng Lyon (Pháp) đề nghị phía Lyon hỗ trợ giúp sửa chữa hệ thống chiếu sáng nghệ thuật tại trụ sở UBND TP và các công trình tương tự mà phía Lyon đã hỗ trợ lắp đặt trước đây tại TP.HCM.
Công Sơn - Tân Phú
|
Bình luận (0)