Những kình ngư cứu hộ

06/05/2010 17:18 GMT+7

Để được vào đội cứu hộ, ứng viên phải vượt qua kỳ sát hạch. Đó là bơi tự do 2.000m, bơi kỹ thuật 300m, bơi thẳng 300m và lặn (không bình hơi) đi xa 20m.

Vượt qua kỳ sát hạch

Nhiều năm nay, TP Tuy Hòa thành lập đội cứu hộ để cứu người tắm biển, gồm những người trẻ, khỏe, giỏi bơi lặn. Bãi biển Tuy Hòa (Phú Yên) dài hơn 4 cây số, dòng chảy liên tục biến đổi theo ngày, ở đây ẩn họa những tai nạn khôn lường cho người tắm biển. Mỗi năm, biển Tuy Hòa đã cướp đi nhiều mạng người.

Anh Nguyễn Ngọc Sơn quê ở xã An Phú, TP Tuy Hòa vốn là ngư dân đi biển, rất giỏi bơi lội. Năm 2002, anh Sơn xem truyền hình biết TP Tuy Hòa thông báo tuyển nhân viên cho đội cứu hộ người tắm biển nên nộp đơn xin tuyển. “Để được vào đội, ứng viên dự thi phải vượt qua kỳ sát hạch với yêu cầu 4 môn. Đó là bơi tự do 2.000m, bơi kỹ thuật 300m, bơi thẳng 300m và lặn (không bình hơi) đi xa 20m. Với yêu cầu này, những người được tuyển vào đội đều là những tay bơi cừ khôi, có thể cứu hộ liên tục trong nhiều giờ” - anh Sơn cho biết.

Theo anh Sơn, đội cứu hộ ban đầu chỉ có vài thành viên, nhưng đến nay đã có 14 người. Sau nhiều năm làm nhân viên cứu hộ, năm 2006 anh Sơn được bổ nhiệm làm đội trưởng.

Anh Nguyễn Ngọc Sơn - Đội trưởng Đội Cứu hộ bãi biển Tuy Hòa cho biết, mỗi năm đội cứu sống từ 50 - 60 người bị đuối nước tại biển Tuy Hòa. Chỉ tính từ ngày 15.4 đến nay, đội đã cứu sống 12 người bị đuối nước.

Vì sao tất cả thành viên trong đội phải qua kỳ sát hạch rất nghiêm ngặt? Anh Sơn giải thích: “Dòng chảy biển Tuy Hòa thay đổi liên tục, có hôm bãi tắm này là bãi bồi rất nông, nhưng chỉ sau một đêm đã trở thành hố sâu nước chảy rất xoáy. Nếu ai lọt vào dòng chảy này khó thể sống sót, kể cả những người bơi giỏi. Vì thế, yêu cầu tuyển nhân viên cứu hộ phải bơi thật giỏi, có bản lĩnh vì hầu hết những vụ tai nạn xảy ra vào lúc sóng to, gió lớn. Chỉ khi đạt được những yêu cầu đó thì nhân viên cứu hộ mới đảm bảo việc cứu hộ thành công”.

Trong số 14 thành viên, anh Nguyễn Văn Sánh (26 tuổi) ở xã An Hòa, huyện Tuy An (Phú Yên) là người trẻ nhất đội. Mặc dù Sánh đã qua kỳ sát hạch, nhưng phải thử việc trước khi trở thành nhân viên cứu hộ chính thức. Sánh tâm sự: “Em là dân biển nên rất tự tin về bơi lội. Ấy vậy mà, khi em tham gia sát hạch tưởng chừng không thể vượt qua. Vì sở thích và công việc phù hợp với mình nên em đã cố gắng hết mình để vượt qua kỳ thi đó”.

 
Anh Nguyễn Ngọc Sơn - Đội trưởng đội cứu hộ - Ảnh: Đức Huy 

Cứu người là niềm vui

Hằng ngày, anh Tôn Văn Nhân (31 tuổi) ở xã Hòa Bình, huyện Tây Hòa (Phú Yên) cùng anh em trong đội tham gia tuần tra dọc biển từ mờ sáng. Nhờ sự tuần tra thường xuyên này nên mỗi năm đội đã cứu được hàng chục người thoát khỏi “lưỡi hái của hà bá”. Anh Nhân trần tình: “Phần lớn người bị nạn đều là sinh viên, học sinh ở các huyện, tỉnh khác đến Tuy Hòa tắm biển. Họ bơi yếu, thiếu kinh nghiệm khi gặp phải dòng chảy bất thường”.

Nhiều thành viên trong đội không nhớ rõ là mình đã cứu sống bao nhiều người bị đuối nước. “Có hôm, anh em phải vật lộn với sóng dữ, ngâm mình dưới nước lạnh buốt hàng giờ liền. Không hiểu tại sao, lúc đó chúng tôi lại không thấy lạnh, chỉ mong sao người bị nạn được cứu sống” - anh Sơn nói. Mỗi người một quê, nhưng lại có chung một tấm lòng “cứu người là niềm vui”. Không chỉ cứu hộ, đội còn tham gia tìm kiếm người bị nạn.

Còn đó những ray rứt

Do bờ biển quá dài nên mỗi nhân viên quản lý hơn 300m bãi tắm nhưng đôi khi quản lý cũng không xuể do một số thanh niên thiếu ý thức nên đã xảy ra những cái chết thương tâm. Anh Nhân bức xúc: “Một số thanh niên thiếu ý thức muốn chứng tỏ nên thường chọn những bãi có cắm biển cảnh báo nguy hiểm để tắm. Một số thì lại không chấp hành nội quy tắm biển, thậm chí nghịch phá di dời các biển cảnh báo tại vùng biển nguy hiểm”.

Cũng theo anh Sơn, hiện nay lực lượng quá mỏng nên chỉ trực từ 4 giờ đến 9 giờ sáng và từ 15 giờ đến 18 giờ chiều, nên khoảng giữa thời gian từ 9 giờ - 15 giờ chỉ có một nhân viên trực. Vì thế, những vụ tai nạn chết đuối đều rơi vào thời gian này. Tham gia cứu hộ trên biển Tuy Hòa suốt 8 năm nay, chứng kiến nhiều cái chết thương tâm, anh Sơn ray rứt: “Làm công tác cứu hộ, chúng tôi chỉ mong muốn người dân tắm biển đều bình an. Vì vậy, khi chứng kiến những người bị chết đuối chúng tôi không khỏi chạnh lòng, ray rứt. Giá như những người tắm biển đều chấp hành tốt nội quy, tắm ở những nơi có phao cứu sinh, tránh xa những nơi có cảnh báo nguy hiểm thì đâu có xảy ra sự việc đáng tiếc”. 

Đức Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.