Những kỳ tích 'vi diệu' của game thủ khiến giới khoa học bất ngờ

28/12/2015 14:00 GMT+7

Bên cạnh luồng ý kiến cho rằng game là tác nhân dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực thì cũng có những ý kiến ngược lại. Các nghiên cứu và thực nghiệm dưới đây cho thấy nếu được khai thác đúng cách, game sẽ là những công cụ rất hữu ích.

Để khai thác kỹ năng của game thủ, các nhà khoa học đã nghiên cứu tạo ra những trò chơi điện tử dựa trên cơ sở dữ liệu khoa học. Nói nôm na, việc này giống như chơi các trò chơi giải đố ở mức độ cực kỳ hóc búa, nhưng với một game thủ thì càng khó lại càng hấp dẫn.

Căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS luôn là thách thức to lớn với giới khoa học trong việc tìm ra cách chữa tri. Muốn chữa trị một căn bệnh, trước hết ta cần hiểu về căn bệnh đó. Các nhà khoa học đã gặp phải trở ngại khi không thể giải mã cấu trúc phân tử của protein gây bệnh AIDS. Nút thắt này đã tồn tại trong suốt 13 năm cho đến khi được các game thủ tháo gỡ.

David Baker một nhà sinh hóa học tại đại học Washington đã nảy ra một sáng kiến cách mạng với hy vọng có thể tìm ra được câu trả lời cho việc giải mã cấu trúc phân tử của protein gây bệnh AIDS. Ông và cộng sự đã nhờ đến 2 nhà khoa học máy tính Zoran Popović và David Salesin để tạo ra một trò chơi mô phỏng sự sắp xếp của cấu trúc protein. Đến năm 2008, tựa game trực tuyến Foldit được cho ra đời.

Zoran Popović -Một trong những người sáng tạo ra Foldit

Mục đích của trò chơi này là phân tích cấu trúc của protein. Người chơi sẽ cố gắng tạo ra các protein có cấu trúc hoàn toàn mới mới hoặc dự đoán và giải mã các protein sẵn có. Trò chơi không yêu cầu người chơi phải có các kiến thức về sinh hóa mà chỉ cần một chiếc máy tính có kết nối mạng. Cấu trúc của protein càng vững thì càng được nhiều điểm, game khuyến khích mọi người cạnh tranh hoặc hợp tác với nhau.

Cuối cùng, cộng đồng Foldit cũng đã tìm ra được lời giải. Những gì làm bó tay giới khoa học trong 13 năm đã được các game thủ giải đáp chỉ trong 3 tuần. Báo cáo mô tả kết quả này đã được đăng tải trên tạp chí Nature Sructural & Molecular Biology vào năm 2011.

Năm 2012, DARPA - Cơ quan quản lý các dự án nghiên cứu cao cấp thuộc Bộ quốc phòng Mỹ - lại nhờ đến các game thủ của mạng Foldit để giúp tạo ra một protein mới, hỗ trợ cho việc nghiên cứu phương pháp chữa trị căn bệnh nhiễm trùng máu, vốn đã cướp đi sinh mạng của nhiều binh lính Mỹ.

Mục tiêu của nhóm sáng tạo đó là mở rộng sự thành công của Foldit vào các lĩnh vực khác như giáo dục, khoa học và xa hơn nữa.

Một trò chơi khác cũng giúp ích rất nhiều cho khoa học là Planet Hunters - một trò chơi được xây dựng dựa trên cơ sở dữ liệu thu thập từ sứ mệnh Kepler của NASA. Các game thủ của trò chơi đã phát hiện ra 15 hành tinh có thể chứa các dấu hiệu của nước ở dạng lỏng, vốn đã bị bỏ sót bởi các nhà thiên văn học chuyên nghiệp.

Một số hành tinh được phát hiện bởi những tình nguyện viên của dự án Planet Hunters đã được xác nhận và đặt tên theo tên của trò chơi. Đó là PH1b (Kepler 64b) và PH2b (Kepler 86b). PH có nghĩa là Planet Hunters.

PH2 b

Đại học Y Texas cũng đã làm một thí nghiệm: Họ chọn những học sinh lớp 10 là những game thủ chơi game hai giờ một ngày tham gia vào các trải nghiệm phẫu thuật được mô phỏng trên máy tại bệnh viện. Kết quả cho thấy khả năng ổn định, sự chính xác và khéo léo của những game thủ nhỏ tuổi này thể hiện khá tốt, không hề thua kém so với các bác sĩ, đặc biệt trong việc khâu các vết mổ. Thành tích tốt nhất thuộc về những người chơi game bắn súng và một số trò chơi thể thao. Số ít rơi vào các game thủ chơi game chiến thuật và đua xe.

Điều này không chứng minh được khả năng của những game thủ này khi cầm dao mổ thực tế. Sami Kilic - tác giả của nghiên cứu cũng nói :" Tôi không khuyến khích việc ngồi trước màn hình vi tính hàng giờ bởi không phải game thủ nào cũng có thể trờ thành bác sĩ phãu thuật. Họ cần phải được trang bị những kỹ năng và kiến thức cơ bản khác tương ứng với độ tuổi phát triển của họ." Nhưng điều đó cho thấy, những game thủ cũng có sự bình tĩnh, chính xác, ổn định giống như các bác sĩ phẫu thuật.

"Sự khéo léo của người chơi game là một khả năng ghê gớm, nếu được chỉ dẫn đúng cách, có thể được sử dụng để giải quyết một loạt các vấn đề khoa học" - Dr. Firas Khatib một thành viên của nhóm sáng tạo Foldit chia sẻ.

Cổ nhân có câu nói "Vật cực tất phản" - cái gì quá nhiều đều phản lại tác dụng. Hãy chơi game hợp lý và đừng quá sa đà, nó sẽ mang đến cho chúng ta những lợi ích không ngờ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.