Những kỷ vật còn lại

04/06/2012 03:23 GMT+7

Ngày 2.6, đại diện Báo Thanh Niên, cùng Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Nam Định đã đến tận nơi trao quà cho 3 gia đình liệt sĩ Gạc Ma quê Nam Định.

Tri ân liệt sĩ Gạc Ma
Nhà báo Nguyễn Quốc Phong (phải), Ủy viên BBT Báo Thanh Niên và anh trai liệt sĩ Nguyễn Văn Kiên xem lại bức thư anh Kiên gửi về hơn 20 năm trước - Ảnh: Káp Long

“...Anh chị đừng nói gì về em, cứ nói em vẫn khỏe, công tác vẫn bình thường để mẹ yên tâm...”

Đó là một dòng trong bức thư cuối cùng viết ngày 5.3.1988 của liệt sĩ Nguyễn Văn Kiên gửi về nhà trước lúc hy sinh tại đảo Gạc Ma, Trường Sa ngày 14.3.1988.

Tại gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Kiên ở thôn Đồng Quỹ, xã Nam Tiến, H.Nam Trực, Nam Định, ai cũng nghẹn ngào khi đọc lại những dòng thư anh Kiên gửi về cho gia đình trước lúc hy sinh. Trên mảnh giấy ố vàng màu thời gian của hơn 20 năm về trước, anh Kiên đã viết: “Đà Nẵng ngày 27.2.1988... chắc tết vừa qua mẹ, các anh chị và các cháu mong con lắm, nhưng vì nhiệm vụ của con có thay đổi nên con không về được, con rất mong mẹ và các anh chị hiểu và thông cảm cho con. Vừa qua, bạn con về quá vội và con cũng xác định 100% là con sẽ về nên con cũng không viết thư gửi về cho mẹ và anh chị được. Con định ra ngoài giêng sẽ xin về nhưng con chưa kịp xin về thì con lại nhận lệnh chuyển xuống đại đội để đi Cam Ranh...”.

Trong lá thư khác: “Cam Ranh ngày 5.3.1988... Em còn nghe nói đợt này hội phụ nữ có gửi quà cho các gia đình có con em ra đảo. Nếu nhận, anh chị đừng nói cho mẹ biết nhé, không mẹ lại lo nghĩ về em nhiều mà ảnh hưởng tới sức khỏe... Anh chị đừng nói gì về em, cứ nói em vẫn khỏe, công tác vẫn bình thường để mẹ yên tâm... Em xuống đơn vị mới tối 27 thì 1 giờ đêm hôm đó, em đi Cam Ranh luôn. Vào tới nơi, bốc hàng được mấy ngày xong là 10 giờ đêm 4 tháng 3 (năm 1988 - PV) em lên tàu ra đảo. Nhưng khi ra biển được mấy chục cây số vì sóng quá to, tí nữa thì lật tàu nên đến 3 giờ sáng lại phải quay vào đất liền. Lần đầu đi biển không quen nên em cũng bị say sóng, may mà mới được ít nên cũng không mệt lắm...”.

Đó là những dòng thư anh viết khi chuẩn bị rời đất liền ra đảo, sau đó anh lên tàu ra khơi làm nhiệm vụ, và 9 ngày sau, tức 14.3.1988, anh đã hy sinh tại đảo Gạc Ma.

Bà Nguyễn Thị Nga, mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Kiên nhận món quà 20 triệu đồng từ Báo Thanh Niên, nghẹn ngào: “Năm 1986, cháu nó đi lính hải quân, nó bảo chỉ đi vài năm rồi sẽ về, ai ngờ...”.

Rời nhà bà Nga, chúng tôi tiếp tục đến trao quà tại gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thủy ở Phú Ninh, xã Phương Định, H.Trực Ninh, Nam Định. Điều đau buồn là sau khi liệt sĩ Thủy hy sinh vài năm, bố và mẹ anh cũng đã qua đời. Trong căn nhà nhỏ chỉ còn em trai, em dâu thờ tự, nhang khói...

Gia đình liệt sĩ Phạm Văn Thiều, thôn Đông Hạ, xã Trung Đông, H.Trực Ninh là một trường hợp đặc biệt, cả bố mẹ anh đều có những đóng góp lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trên bàn thờ liệt sĩ Phạm Văn Thiều là tấm huân chương chiến công hạng nhất của anh, ở bức tường đối diện treo trang trọng hai tấm huân chương kháng chiến hạng nhất và hạng nhì của bố và mẹ anh.

Ông Phạm Văn Mỹ, 75 tuổi, bố liệt sĩ Phạm Văn Thiều xúc động: “Cả nhà tôi chỉ có mình Thiều là con trai, Thiều sinh năm 1959, mất khi 29 tuổi mà chưa kịp lấy vợ, sinh cho chúng tôi đứa cháu nội nào. Hồi thanh niên em nó rất hiền, thông minh, học giỏi... Khi ở tàu làm nhiệm vụ tại Trường Sa, Thiều là thuyền phó. Bây giờ chúng tôi rất muốn được nghe đồng đội đã công tác cùng tàu của Thiều, những người còn sống trở về, kể cho chúng tôi nghe con trai tôi đã công tác ra sao, chiến đấu, hy sinh thế nào...”.

Káp Long

Ưu tiên biên chế cho thân nhân liệt sĩ Gạc Ma

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường đã ký công văn gửi UBND TP.Đông Hà xem xét ưu tiên tuyển dụng anh Hoàng Ánh Thùy (SN 1981, trú P.2, TP.Đông Hà) vào giảng dạy tại một trường phổ thông thuộc UBND TP.Đông Hà từ năm học 2012-2013. Nội dung công văn nêu rõ, căn cứ vào thông tin trên Báo Thanh Niên ngày 17.5.2012 (bài Những ngôi mộ gió ở Quảng Trị) thì gia đình liệt sĩ Hoàng Ánh Đông (hy sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988) hết sức khó khăn, trong đó em trai của liệt sĩ Đông là anh Thùy đã tốt nghiệp ĐH Sư phạm âm nhạc Huế năm 2006 nhưng đến nay chưa có việc làm ổn định. Sự ưu tiên này, theo UBND tỉnh Quảng Trị là nhằm tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng như tỏ lòng biết ơn đối với sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.