Buổi tư vấn trực tuyến “Hãy bảo vệ con khỏi viêm phổi, viêm màng não do phế cầu” diễn ra trên Webtretho với sự tham gia của bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, đã thu hút hơn 95.000 lượt xem và gần 600 lượt chia sẻ. Hàng trăm câu hỏi đã được gửi về chương trình xoay quanh lo lắng và thắc mắc của rất nhiều mẹ về những căn bệnh nguy hiểm hàng đầu đối với sức khỏe và mạng sống của trẻ như viêm phổi, viêm màng não do phế cầu gây ra.
Dưới đây là những vấn đề được các mẹ quan tâm nhất và thông tin hữu ích từ bác sĩ Trương Hữu Khanh mà mẹ nào cũng cần phải nắm rõ:
• Bệnh do phế cầu khuẩn lây lan như thế nào? Lứa tuổi nào dễ bị nhiễm phế cầu nhất, thưa bác sĩ?
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Theo một nghiên cứu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, 40 - 70% trẻ khỏe mạnh mang phế cầu vùng hầu họng. Vi khuẩn phế cầu thường trú trong đường hô hấp nên khi người bệnh hoặc người khỏe mạnh mang vi khuẩn nói chuyện, ho, hắt hơi, vi khuẩn có thể phát tán ra môi trường xung quanh. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người hít vi khuẩn này đều mắc bệnh. Chỉ có 1 số cơ địa đặc biệt, sức khỏe kém,… mới dễ mắc bệnh.
Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ cơ thể yếu ớt, sức đề kháng còn non yếu là đối tượng rất dễ bị nhiễm vi khuẩn phế cầu.
• Làm sao để phân biệt được viêm phổi do phế cầu và những bệnh thông thường khác?
- Ngoài các dấu hiệu điển hình như sốt, ho, các bậc phụ huynh lưu ý các triệu chứng sau:
* Đau ngực.
* Trẻ sơ sinh có thể gặp rối loạn, thân nhiệt giảm, hôn mê và biếng ăn.
* Thở nhanh, lồng ngực bị thụt vào phía trong co lõm khi hít vào, cụ thể:
• Trẻ dưới 2 tháng: thở nhanh khi nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên
• Trẻ từ 2 tháng đến 12 tháng: thở nhanh khi nhịp thở từ 50 lần/phút trở lên
• Trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi: thở nhanh khi nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên.
• Triệu chứng thường gặp khi trẻ bị viêm màng não do phế cầu?
- Trẻ bị viêm màng não do phế cầu thường xuất hiện các triệu chứng: sốt ói, đau đầu, thóp phồng. Sau đó có thể ho giật, hôn mê và đi đến tử vong.
Viêm màng não do phế cầu là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm ở trẻ nhỏ, việc điều trị viêm màng não rất là tốn kém và để lại nhiều di chứng, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ngoài ra, trẻ có thể phải chịu đựng những di chứng suốt đời như: điếc, mù, liệt, động kinh, chậm phát triển trí tuệ.
• Các biện pháp phòng ngừa cho trẻ khỏi vi khuẩn phế cầu là gì?
- Để phòng bệnh do vi khuẩn phế cầu có thể áp dụng các biện pháp: đảm bảo cho bé đủ sức đề kháng: cho trẻ bú mẹ trong 6 tháng đầu đời, đủ nước, dinh dưỡng, giấc ngủ, điều trị tốt vùng tai mũi họng, rửa tay, mang khẩu trang khi đến nơi đông người. Tuy nhiên đây là những cách thụ động. Cách chủ động vẫn là chủng ngừa, nếu tiêm vắc-xin đúng lịch đủ liều, thì khả năng bảo vệ rất cao.
• Việc tiêm ngừa cùng lúc nhiều loại vắc-xin có ảnh hưởng gì đến trẻ không?
- Ưu điểm chính của việc tiêm nhiều loại vắc-xin cùng lúc là giảm số lần các bậc cha mẹ phải đưa con đến bác sĩ, tránh tốn kém chi phí đi lại; và nhất là giúp trẻ tiêm đủ liều.
Phụ huynh tìm hiểu thêm thông tin tại website http://tiemngua.com và tư vấn bác sĩ về chủng ngừa.
Chương trình Giáo dục sức khỏe cộng đồng được phối hợp thực hiện bởi Hội Y học Dự phòng Việt Nam và Văn phòng đại diện GlaxoSmithKline Pte. Ltd tại TP.HCM.
|
Bình luận (0)