Nhiều huấn luyện viên aikido không chuyên ở TP.HCM đã mở lớp võ chỉ mong có thêm nhiều bạn trẻ biết sống ôn hòa, biết điều tiết cảm xúc và đề cao lễ nghĩa.
|
Trên sân võ họ như một nhà giáo truyền lẽ phải cho học viên, nhắc các võ sinh cố gắng hết mức để “người” đừng làm “ta” đau cũng đừng làm đau “người”. Làm được điều ấy là xem như trọn một chiêu thức.
Mưa dầm thấm lâu
Vào những chiều tối cuối tuần Phạm Duy Khoa lại mướt mồ hôi ở phòng tập võ sân vận động Quân khu 7. Gần 100 võ sinh nhí răm rắp nghe theo những hướng dẫn từ anh dù trước đó những đứa bé này còn mè nheo với mẹ bên ngoài.
Năm nay Duy Khoa 34 tuổi, là nhân viên Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở Giao thông vận tải TP.HCM). Khoa đến với môn võ aikido từ năm 17 tuổi, hiện được phong nhị đẳng - một cấp bậc không nhiều người có trong giới luyện aikido.
Ngày đầu bước đến sân võ, Khoa thích những đòn thế tấn công đẹp mắt, triệt hạ đối thủ qua vài chiêu. Nhưng rồi Khoa nhận ra triết lý “võ đạo là tình thương và hòa hợp”. “Mình dần trở nên điềm đạm, ý nghĩ tấn công và triệt hạ tan biến. Thay vào đó là một tâm thế thương lượng ở mọi vấn đề” - Khoa tâm sự.
Từng học sư phạm nên Khoa hiểu bản tính hiền hòa của con người phải được rèn giũa từ nhỏ theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” nên anh quyết định mở lớp võ thiếu nhi tại sân vận động Quân khu 7 và đều đặn lên lớp sau giờ tan sở.
Ở lớp võ của thầy Khoa, mọi hành vi mang tính bạo lực, kích động bạo lực và hiếu chiến bị cấm triệt để. Võ sinh nào vi phạm sẽ bị phạt. Thay vào đó là tâm thế hiếu hòa mà Khoa rèn cho học trò qua từng cách ứng xử giữa các đồng môn trên sân võ.
Ngoài dạy võ, Khoa còn thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi cho võ sinh. Khoa bảo: “Trẻ con thể hiện tính cách rõ nhất trong lúc ăn, lúc chơi. Đây là cách để mình phát hiện cái dở của từng em mà rèn giũa”.
Bên cạnh sân tập thiếu nhi là sân tập thanh thiếu niên. Thỉnh thoảng Khoa cho các em nhỏ qua sân anh chị chơi và ngược lại. Những đứa bé cười toe, mặt hớn hở khi được các anh chị đấm lưng, cõng chạy vòng vòng. Nhìn nụ cười các em nhỏ, Khoa nói: “Tính tương trợ, tình anh em, đồng môn bắt đầu từ đây”.
Luyện võ - luyện kiểm soát cảm xúc
Lớp võ của Đỗ Duy Trường Chinh lẫn trong một chuỗi các kiôt bọc quanh Trường ĐH Bách khoa TP.HCM (Q.10, TP.HCM). Một kiôt nhỏ, nóng nhưng gọn gàng ngăn nắp trở thành nơi lui tới của các võ sinh aikido là sinh viên của trường vào buổi tối các ngày thứ ba, năm, bảy trong tuần.
Trường Chinh hiện là kỹ thuật viên hậu kỳ của một công ty truyền hình cáp lớn ở TP.HCM. Tại TP.HCM, anh là một trong số ít người được phong tứ đẳng. Được nhiều sân võ lớn chào đón nhưng anh vẫn ở lại sân Bách khoa và dạy miễn phí.
Chinh bảo ngày xưa anh được học võ miễn phí, được rèn giũa trong một môi trường võ thuật mang tính ôn hòa nên sau này anh sẽ làm huấn luyện viên không công, tìm cách trả nợ những ơn nghĩa ngày xưa anh đã nhận từ cuộc đời.
Năm 2005, vì một số lý do sân võ dành cho sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM trên đường Thành Thái (Q.10) phải đóng cửa. Kinh tế hạn hẹp nên anh Chinh phải nghỉ việc tại công ty một tháng trời để đóng vai thợ hồ. Anh cùng bạn bè đi mua từng viên gạch, tấm lợp để dựng nên một phòng tập nho nhỏ cạnh những kiôt hàng hóa.”Kiôt võ” ấy đã hoạt động cho đến nay.
Anh cho biết mỗi đầu năm học lớp học khá đông nhưng sau đó vắng nhiều vì võ sinh... chê: “Võ gì mà không có tấn công, không thi đấu”. Với những người còn trụ lại, anh bảo: “Khi nóng giận thì chứng tỏ ta đã yếu đuối, vì ta không đủ nội lực để kìm cơn giận dữ. Học võ để không yếu đuối và chống lại hành vi của những người yếu đuối”.
Chọn cách gần gũi với sinh viên, anh Đặng Trí Dũng (hiện là trưởng phòng kinh doanh Công ty Sài Gòn Trung Đức chuyên về các dịch vụ xây dựng) mở một lớp võ aikido miễn phí tại Học viện Bưu chính viễn thông TP.HCM (Q.9). Vừa kết thúc công việc ở công ty, Dũng cùng hai người bạn yêu aikido lại đến sân tập hướng dẫn cho các bạn sinh viên. Môi trường kinh doanh nhiều áp lực khiến anh hiểu rằng sự điềm tĩnh trong việc thương thảo, kinh doanh rất cần thiết.
“Có lúc cơn nóng giận lên đến đỉnh nhưng tôi phải kìm lại. Sau này mọi việc êm thấm tôi mới nhận ra mình may mắn khi lúc đó kiểm soát được cơn giận” - anh Dũng tâm sự. Trong những buổi nói về võ đạo, triết lý của từng thế võ, người huấn luyện viên này không quên lồng vài mẩu chuyện thương trường để các bạn trẻ thêm thấm.
Sài Gòn có nhiều người thầy - huấn luyện viên như Trí Dũng, Trường Chinh, Duy Khoa - luyện võ nhưng thực chất là rèn người. Trên sàn tập, bằng nhiều cách, họ luyện cho võ sinh cách tiết chế cảm xúc tiêu cực, không dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, hướng đến lối sống đề cao lễ nghĩa.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)