Tin liên quan
Kinh nghiệm lái ô tô trong thành phố dành cho ‘tài mới’"Bỏ túi" một số kinh nghiệm điều khiển ô tô trong thành phố sẽ giúp các "tài mới" giảm căng thẳng khi đối mặt với cảnh đường đông, giao thông phức tạp vào giờ cao điểm.
Theo thống kê của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, số vụ tai nạn xảy ra vào ban đêm, từ 18 giờ tối đến 6 giờ sáng thường lớn hơn gấp 2 - 3 lần so với ban ngày. Điều này phần nào cho thấy, việc lái xe khi trời tối luôn tiềm ẩn nhiều mối nguy, đòi hỏi người lái phải cẩn trọng hơn. Ngoài những việc cần làm để đảm bảo tầm nhìn như vệ sinh đèn pha, bề mặt kính, chỉnh gương chiếu hậu… một số lưu ý sau đây sẽ góp phần giúp đảm bảo an toàn khi lái ô tô vào ban đêm.
Nắm rõ cung đường, lộ trình
Trước khi khởi hành chuyến đi vào ban đêm, với những cung đường mới lái xe nên nắm rõ lộ trình để tránh đi nhầm đường. Vì khi trời tối tầm nhìn hạn chế sẽ rất khó quan sát hết các bảng chỉ dẫn. Đa phần các mẫu ô tô hiện nay đều được trang bị hệ thống định vị, dẫn đường lái xe nên sử dụng chức năng này để chọn hướng di chuyển phù hợp.
|
Khi sử dụng hệ thống dẫn đường, hình ảnh, thông tin thường hiển thị trên màn hình trung tâm, lái xe nên chỉnh độ sáng phù hợp để dễ dàng quan sát và không bị chói mắt. Không nên sử dụng điện thoại khi lái xe, vì rất dễ làm bạn mất tập trung.
Di chuyển với tốc độ phù hợp, giữ khoảng cách an toàn
Tầm quan sát vào ban đêm không được tốt như khi lái xe ban ngày, vì vậy nên điều khiển ô tô di chuyển chậm hơn, phù hợp khoảng chiếu sáng của hệ thống đèn pha và không vượt quá tốc độ cho phép.
|
Bên cạnh đó nên tăng khoảng cách an toàn với các xe đi phía trước để kịp phản ứng trước những tình huống bất ngờ. Để căn khoảng cách, nhiều tài xế thường áp dụng nguyên tắc 4 giây. Theo đó, lái xe sẽ chọn điểm sáng xa nhất mà đèn cốt rọi tới, khi xe phía trước đi qua điểm này, bạn bắt đầu đếm 4 giây. Sau 4 giây nếu xe vừa tới hoặc sắp tới điểm sáng đã chọn thì xe bạn đang ở trong khoảng cách an toàn. Ngược lại nếu xe vượt qua điểm sáng khi chưa đếm tới 4 giây, bạn nên giảm tốc độ để giữ khoảng cách phù hợp.
Theo nguyên tắc này, giả sử tài xế đang lái xe với tốc độ 60 km/giờ tương đương 16,6m/giây. Với tốc độ này, nếu áp dụng nguyên tắc 4 giây, cần phải giữ khoảng cách an toàn với xe đi phía trước khoảng 16,6 x 4 = 66m.
Sử dụng hợp lý chế độ chiếu sáng pha, cốt
|
Đèn chiếu sáng thường có hai chế độ pha và cốt. Trong đó, đèn cốt là đèn chiếu gần, góc chiếu thấp giúp người lái xe quan sát được tình trạng mặt đường. Khi lái xe vào ban đêm qua các tuyến đường nội thành, khu dân cư nên giảm tốc độ và bật chế độ đèn cốt. Trong khi đó, đèn pha có cường độ ánh sáng mạnh, chiếu xa hơn giúp người điều khiển xe thấy được chướng ngại và các biển báo từ xa. Lái xe chỉ nên sử dụng chế độ đèn pha khi lái xe trên các đoạn đường cao tốc, đường trường ít phương tiện và không có xe đi ngược chiều.
Với những đoạn đường có dải phân cách thấp, hoặc ở chỗ có vạch liền hay vạch đứt, khi có xe đi ngược chiều, hãy chuyển về chế độ đèn cốt để tránh gây lóa cho tài xế của xe đi ngược chiều. Khi muốn vượt xe phía nên nháy đèn để ra hiệu xin vượt. Trước khi vào cua, nếu không có xe ngược chiều, lái xe có thể “đá đèn” pha để mở rộng góc quan sát sau đó chuyển về cốt.
Không nhìn trực diện vào đèn pha xe ngược chiều
Luật giao thông đường bộ có quy định về việc sử dụng đèn pha cốt, kèm theo mức xử phạt hành chính nếu vi phạm. Tuy nhiên, trong thực tế một số lái xe thiếu ý thức vẫn sử dụng chế độ đèn pha khi qua các tuyến đường nội thành hay ngay cả khi gặp xe ngược chiều.
|
Khi gặp tình huống xe ngược chiều bật pha, bạn rất dễ bị lóa mắt và khó quan sát. Vì vậy không nên nhìn trực diện vào đèn pha của xe ngược chiều. Nếu cảm thấy bị chói nên chớp mắt ngay kết hợp với việc giảm dần tốc độ, quan sát đường phía trước hoặc nhìn chếch về phía lề đường để canh xe đảm bảo an toàn.
Dừng xe nghỉ ngơi khi cảm thấy buồn ngủ
Buồn ngủ được xem là mối nguy lớn nhất khi lái xe ban đêm. Vì vậy, trong quá trình lái xe nếu cảm thấy buồn ngủ hay mệt mỏi bạn nên đỗ xe vào nơi an toàn, chợp mắt một lát cho tỉnh táo hơn rồi mới lái xe tiếp. Nên mang theo bảng báo hiệu có phản quang để sử dụng trong trường hợp phải đỗ xe bên đường.
Tin liên quan
5 lỗi cơ bản ‘tài mới’ thường mắc phải khi lái ô tôQuên chỉnh gương chiếu hậu, hạ phanh tay hay không bật đèn xi nhan khi chuyển làn đường, đổi hướng lái... thường là những lỗi cơ bản mà các ‘tài mới’ hay mắc phải khi lái xe hơi.
Bình luận (0)