Những mùa tranh Tết

14/02/2010 10:07 GMT+7

Tôi vẫn nhớ như in hồi nhỏ, ngày Tết, xúng xính áo dài, được cha dắt đi thăm bà con. Sau khi chào hỏi thưa gửi đầy đủ thủ tục, tôi luôn sà vào các bộ “liễn” (thực chất là các truyện tranh) được treo trên tường phòng khách, xem kỹ từng bức tranh, đọc kỹ từng lời chú giải.


Tranh Tố nữ

Bởi vì mỗi bộ liễn ấy đều kể một câu chuyện rất hay, kèm với những hình ảnh rất đẹp. Mới vào tiểu học, mới đọc rành chữ, thấy ở đâu có chữ tôi cũng không bỏ qua. Ngay những khẩu hiệu hay tên các cửa hiệu, tên đường tôi còn đọc thuộc, huống gì những câu chuyện tràn đầy nhân nghĩa, đạo lý kèm với những hình ảnh sống động, đẹp đẽ, vô cùng hấp dẫn của loại “truyện tranh” dành cho mọi lứa tuổi này.

Nào là Tam quốc chí, Nhị thập tứ hiếu, Bát tiên đại náo Đông Hải, Mục Liên - Thanh Đề, Phạm Công - Cúc Hoa, Lâm Sanh - Xuân Nương... Nhà tôi cũng treo các loại liễn như thế. Rất ấn tượng với tôi là ba gương mặt hoàn toàn khác biệt của ba anh em Lưu Bị - Quan Công - Trương Phi trong cảnh Đào viên kết nghĩa, hay trùng điệp núi đồi và xa giá tả tơi trong cảnh Quan Công phò nhị tẩu. Những cảnh rùng rợn dưới chín tầng địa ngục, nơi bà Thanh Đề - mẹ đức Mục Kiền Liên bị đọa, với đủ thứ quỷ địa ngục đang thi hành các hình phạt khủng khiếp: cưa hai nấu dầu, kéo lưỡi xé xác... khiến tôi sợ chết khiếp. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là nàng Điêu Thuyền với gương mặt buồn tuyệt đẹp, váy áo thướt tha đang cúi đầu van vái trước hương án bày dưới trăng, còn Vương Tư Đồ thì lấp ló nấp đằng xa với câu chú giải: “Điêu Thuyền bái nguyệt, Vương Tư Đồ khảo sử liên hườn kế”. Một câu toàn chữ Hán, và dù lúc ấy chẳng hiểu ý nghĩa của nó, tôi vẫn cứ nhớ như in cho tới tận bây giờ.


Tranh Vinh hoa - Phú quý

Ngày Tết, các loại liễn thường sẽ được gỡ xuống, thay vào đó sẽ là loại liễn Tết, sắc màu rực rỡ, với những hình ảnh tiêu biểu cho bốn mùa tám tiết. Loại tranh tứ bình này có khi là Mai - Lan - Cúc - Trúc, có khi là Tùng - Mai - Cúc - Trúc, có khi là Xuân - Hạ - Thu - Đông, cũng có khi là những nàng tố nữ Cầm - Kỳ - Thi - Họa... Nhưng dù là gì thì trong tôi vẫn tràn đầy một niềm vui khó tả: cùng với bộ liễn mới, tôi sẽ thêm một tuổi, sẽ có quần áo mới, sẽ được đi chơi và được lì xì...

***

Cuối tháng 11 vừa qua, trong ngày cuối cùng ở Hà Nội, tôi đã tranh thủ đi đến làng tranh Đông Hồ. Cái làng tranh nổi tiếng thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 35 cây số, nằm bên bờ nam sông Đuống. Những bức tranh Đám cưới chuột, Mục đồng thổi sáo, Mục đồng hiếu học, Vinh hoa - Phú quý, Thầy đồ Cóc, Gà đại cát, Lợn đàn, Cá chép, Đánh ghen, Hái dừa... mà sau năm 1975 mới nhìn thấy lần đầu đã khiến tôi bị hớp hồn. Trong những màu sắc sống động, những hình ảnh ngộ nghĩnh và ý vị ấy như chứa cả một cảm thức dân tộc, thật gần gũi với mọi tâm hồn Việt.


Tranh Đấu vật ngày xuân

Nếu ngày bé tôi thích những bộ liễn đầy màu sắc và hình ảnh, mà không hề băn khoăn nó đến từ đâu (thực ra đó chỉ là những ấn phẩm văn hóa sinh hoạt bình thường), thì khi biết được tranh Đông Hồ được làm công kỹ thế nào, tôi lại càng trân trọng cái nghề dân gian đẹp đẽ, bồi đắp chiều sâu cho tâm hồn người Việt trước những làn sóng đua đòi.

Để làm ra một bức tranh, ngoài bản khắc từ gỗ cây thị, thì giấy và màu cũng phải được chăm chút tối đa. Giấy dó phải được quết điệp (vỏ con điệp nghiền nát trộn với hồ nấu từ gạo, nếp hoặc sắn) bằng chổi lá thông, phơi khô trước khi in. Màu sử dụng là tự nhiên: đen từ than xoan hay lá tre; vàng từ hoa hòe; xanh từ gỉ đồng, lá chàm; đỏ từ sỏi son, gỗ vang... Và tranh có bao nhiêu màu thì lại có bấy nhiêu lần in, lần phơi.

Từ mùa thu, người làng Hồ đã chuẩn bị cho mùa tranh Tết. Cả làng bừng lên vì màu giấy điệp: tất cả sân vườn, ngõ xóm, đường làng, triền đê, nóc bếp... đều được tận dụng để phơi giấy. Cả làng rộn rực với việc làm tranh cho đến tận tháng chạp. Và chợ Tranh họp năm phiên với hàng triệu bức tranh đủ loại, đón khách từ khắp nơi lũ lượt đổ về, cả người buôn tranh lẫn người chơi tranh, lẫn người đi hội làng tranh...


Tranh Lợn đàn

Đẹp là thế, hay là thế, quý là thế, vậy mà làng tranh Đông Hồ ngày nay chỉ còn được hai gia đình (nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam) sống được với nghề làm tranh, giữ được di sản tranh Đông Hồ. Tất cả những gia đình khác đã chuyển sang nghề làm vàng mã.

Giờ đây, tranh Đông Hồ chỉ còn đến với khách du lịch phương xa. Có thể một ngày nào đó, tranh Đông Hồ sẽ chỉ còn được thấy trong phòng khách của những người nước ngoài yêu văn hóa Việt.

Còn chúng ta thì mất đi một thú chơi vừa tao nhã vừa ít tốn kém: mỗi mùa xuân mới lại đi mua tranh Tết về treo chơi, như trong thơ Tú Xương: Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột/Om sòm trên vách bức tranh gà... 

Ngô Thị Kim Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.