NHIỀU NĂM KHÔNG TUYỂN ĐƯỢC
Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Giao thông vận tải Trung ương III, cho biết một trong những ngành học khó tuyển nhất của trường là ngành hàn. "Trong nhiều năm qua, ngành này không có người học. Trường vẫn cố gắng duy trì và tuyển hằng năm nhưng không mở được lớp nào. Rất nhiều doanh nghiệp đến trường đặt hàng nhưng không có để đáp ứng", ông Hùng thông tin.
Bên cạnh ngành hàn, người học ngành xây dựng cầu đường bộ tại trường này cũng ngày càng giảm, mỗi năm chỉ mở được 1 lớp (khoảng 30 sinh viên - SV), mặc dù theo ông Hùng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp rất lớn. "Để giải quyết khó khăn về nhân lực, khi có công trình ở đâu là các công ty xây dựng phải tuyển chọn lao động phổ thông ở địa phương rồi đào tạo tại chỗ cho những lao động có năng lực để làm những công việc của kỹ sư hoặc quản lý bộ phận…", ông Hùng chia sẻ thêm.
Tại Trường CĐ nghề Vĩnh Phúc, thạc sĩ Phan Thị Hằng, Trưởng phòng Đào tạo, cũng cho hay rất nhiều doanh nghiệp tới trường đặt hàng đào tạo SV ngành hàn nhưng trường không tuyển sinh được. Bà Hằng cho biết: "Giờ chỉ cố gắng duy trì nghề này ở bậc trung cấp với rất ít người học, còn bậc CĐ là không có lớp. Doanh nghiệp sẵn sàng trả lương cho người làm nghề hàn cao hơn nghề khác 4 - 5 triệu đồng nhưng vẫn rất khan hiếm người đăng ký học".
Cùng tình trạng, Trường CĐ Xây dựng và cơ điện Bắc Ninh nằm gần khu công nghiệp nên thường xuyên được doanh nghiệp tới đặt hàng đào tạo một số ngành kỹ thuật, trong đó có ngành hàn, nhưng năm qua chỉ có 2 thí sinh đăng ký dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng. Ngành xây dựng và hoàn thiện công trình thủy lợi chỉ tiêu là 15 nhưng cũng chỉ có 8 thí sinh đăng ký.
Ngành hàn và điện tử dân dụng, cắt gọt kim loại của Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội 4 - 5 năm nay cũng gần như không tuyển được. Nếu năm 2017 ngành hàn và cắt gọt kim loại có 3 lớp thì đến năm 2019 còn 2 lớp và năm 2022 chỉ còn 1 lớp.
Ngành hàn tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng được xem là khó tuyển hơn nhiều ngành khác nên mỗi năm trường chỉ mở một lớp (35 SV).
DO NGƯỜI HỌC CHƯA NẮM ĐẦY ĐỦ THÔNG TIN ?
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Tấn Quang, Giám đốc Công ty Thép Việt, cho biết: "Nhiều doanh nghiệp cần tuyển dụng nhân lực ngành hàn nhưng các trường nghề có đào tạo ngành này hiện đầu ra rất ít, do không có người học, khiến doanh nghiệp vô cùng khó khăn. Để có nhân lực làm việc, doanh nghiệp phải tuyển SV tốt nghiệp các ngành khác và đào tạo tại cơ sở của mình, sau đó các trung tâm sẽ kiểm tra tay nghề và cấp chứng chỉ. Điều này khiến doanh nghiệp tốn rất nhiều thời gian và chi phí, nhưng không còn cách nào khác".
Được biết một nhà máy của Công ty Thép Việt có khoảng 200 lao động thì riêng ngành hàn chiếm 30%. Theo ông Quang, mức lương doanh nghiệp trả cho lao động ngành hàn cao hơn các ngành nghề khác khoảng 20%. SV mới tốt nghiệp bậc CĐ được trả lương 12 triệu đồng/tháng, sau vài tháng có thể lên 15 - 18 triệu đồng/tháng.
Được giảm 70% học phí
Nghị định 81 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, quy định người học một số nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp theo danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐ-TB-XH sẽ được giảm 70% học phí. Trong đó có các nghề như hàn, cắt gọt kim loại, cơ khí… Khi tốt nghiệp, người làm các nghề này cũng được nghỉ hằng năm 40 ngày đồng thời được hưởng chế độ phụ cấp và bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định.
"Tôi cho rằng bạn trẻ ít chọn ngành hàn và một số ngành kỹ thuật khác là do nghĩ các ngành học này nặng nhọc và độc hại. Bên cạnh đó, các bạn chọn ngành theo xu hướng, tìm đến những lĩnh vực nhẹ nhàng và có vẻ hấp dẫn hơn. Thực tế, môi trường làm việc của ngành hàn có khắc nghiệt hơn một số nghề, tuy nhiên ngày nay công nghệ phát triển, người lao động không còn phải tiếp xúc trực tiếp với môi trường độc hại mà chủ yếu điều khiển bằng máy móc, thiết bị hiện đại. Hoặc ngành cơ khí cũng không còn vất vả với tiếng ồn hay bụi bặm như trước đây. Chỉ là do các em chưa tìm hiểu kỹ thông tin", ông Quang nhận định.
Ông Phan Châu Tuấn, Trưởng phòng Huấn luyện nhân sự Công ty Lập Phúc, cũng cho rằng các thiết bị công nghệ đã giúp cho người lao động ngành hàn ngày nay đỡ cực hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên so với các ngành khác thì vẫn có phần vất vả nên ngoài lương còn được nhận thêm trợ cấp.
Bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương, cũng cho rằng người học hiện nay vẫn nghĩ rằng các ngành nghề kỹ thuật là nặng nhọc, vất vả. "Để tuyển sinh các nghề như cắt gọt kim loại, cơ điện tử, bảo trì máy CNC, trường phải tốn nhiều công sức hơn do thí sinh chưa nắm thông tin hoặc hiểu chưa đúng. Hiện nay, so với nhu cầu thực tế thì số lượng người đang theo học vẫn chưa đáp ứng được. Các doanh nghiệp vẫn đến trường chúng tôi để "xí chỗ" ngay khi SV vừa nhập học", bà Thủy chia sẻ.
Bình luận (0)