Tăng theo độ “hot”
Theo GS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, mức tăng học phí mà Chính phủ vừa phê duyệt không phải là cao so với hiện nay. Khi tăng học phí, ĐH Quốc gia Hà Nội có hai chủ trương: đối với sinh viên (SV) giỏi sẽ được miễn học phí và tặng học bổng; những ngành học đang thu hút nhiều SV như: Tài chính ngân hàng, Công nghệ thông tin, Tài chính kế toán... sẽ thu mức cao nhất mà Chính phủ cho phép là 240.000 đồng/tháng/SV. Những ngành ít SV theo học như khối: Xã hội, Kinh tế chính trị, Triết học, Khoa học cơ bản... dự kiến sẽ giữ mức học phí như các năm trước. Tuy nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội không quyết định mức học phí cụ thể mà để hiệu trưởng các trường thành viên quyết định.
Tương tự lãnh đạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết có những ngành thu hút đông SV nhưng cũng có một số ngành thì SV chưa “mặn mà” lắm, vì thế mức học phí sẽ không cào bằng. Thậm chí, trong cùng một khoa, với các ngành khác nhau sẽ có mức học phí khác nhau. Cụ thể, các ngành dự kiến sẽ có mức học phí cao tới 240.000 đồng/tháng sẽ là: Điện tử viễn thông, Tự động hóa... Các ngành dự kiến sẽ thu mức học phí thấp hơn như: Dệt may, Luyện kim... Tuy nhiên, do từ năm thứ hai trở đi trường mới phân ngành nên trong năm học đầu, tất cả SV đều đóng mức học phí như nhau, dự kiến ở mức 240.000 đồng/tháng. Ông Hoàng Văn Điện - Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp thì cho hay: mức tăng học phí sẽ không đồng đều ở các ngành, dự kiến các ngành kỹ thuật sẽ thu học phí ở mức cao nhất.
Còn trường ĐH Mỏ - Địa chất, theo ông Nguyễn Phụ Vụ - Phó hiệu trưởng, dù rất muốn tăng học phí ở mức cao nhất là 240.000 đồng/tháng/SV nhưng trường sẽ phải bàn bạc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định. Bởi lẽ, SV của trường phần đông đều ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; có rất nhiều SV thuộc đối tượng gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên tăng học phí đồng loạt thêm 60.000 đồng/tháng/SV sẽ gây thêm khó khăn cho SV. “Do vậy dù chắc chắn sẽ tăng nhưng phải tính toán mức tăng phù hợp”, ông Vụ nói. Ông Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng thì cho rằng: mức học phí đến 240.000 đồng/tháng/SV vẫn chưa đủ chi trả cho kinh phí đào tạo nhưng do nhà trường hiện vẫn áp dụng mức thu chung cho tất cả các ngành nên nếu tăng đồng loạt cũng phải hết sức thận trọng. Sắp tới, sẽ phải tính đến việc thu học phí theo ngành, đồng thời những SV có kết quả học tập kém, phải học lại thì mức thu học phí sẽ cao hơn những SV có kết quả học tập tốt.
Tăng “kịch trần”
Trong khi các trường khối ngành kỹ thuật dự kiến sẽ có nhiều mức học phí tùy theo mức độ hấp dẫn của ngành thì không ít trường khối ngành kinh tế cho biết sẽ tăng kịch trần (240.000 đồng/tháng/SV). Giám đốc Học viện Ngân hàng Tô Ngọc Hưng cho biết, học viện sẽ thu học phí ở mức cao nhất trong khung học phí được phép thu là 240.000 đồng/tháng. “Mức tăng này cũng chỉ là tác động thêm về khoản thu cho học viện, chứ không nhiều ý nghĩa so với những khoản tài chính mà học viện phải bỏ ra”, ông Hưng nói. Theo tính toán của ông Hưng, hằng năm học viện phải bỏ ra một khoản lớn tiền bù đắp vào khoản miễn, giảm học phí cho SV thuộc diện chính sách. “Thu 240.000 đồng/SV/tháng nhưng trên thực tế, con số này chỉ được 150.000 đồng. Chưa kể chúng tôi phải dành 15% trao học bổng cho SV”, ông Hưng tiết lộ. Cũng theo ông Hưng, học viện chỉ có một mức học phí chung cho tất cả các ngành.
Năm học mới này, học phí của trường ĐH Ngoại thương sẽ là 240.000 đồng/tháng với hệ ĐH và 200.000 đồng/tháng với hệ CĐ. Phí đào tạo của hệ đào tạo ngoài ngân sách cũng tăng 1 triệu/năm (từ 9 triệu đồng/năm lên 10 triệu đồng/năm). Còn theo ông Ngô Thế Chi - Giám đốc Học viện Tài chính, dự kiến sẽ thu học phí ở mức cao nhất mà Nhà nước cho phép. Trước mắt, trong năm học tới vẫn thu chung một mức học phí với tất cả các ngành nhưng học viện cũng đang nghiên cứu để áp dụng thu học phí theo ngành. Riêng hai khóa đào tạo theo tín chỉ của học viện cũng sẽ phải tính toán để mức thu tổng số tín chỉ không vượt quá khung học phí cho phép. Tương tự trường ĐH Thương mại Hà Nội cũng đào tạo theo tín chỉ nên đang nghiên cứu để điều chỉnh lại mức thu của mỗi tín chỉ. Dù dự kiến tăng “kịch trần” nhưng theo ông Bùi Xuân Nhàn - Phó hiệu trưởng nhà trường, do tính chất của các học phần khác nhau nên mức thu cũng sẽ khác nhau đối với từng học phần. Những học phần phải sử dụng đến công nghệ thông tin hoặc nhiều nguyên vật liệu hỗ trợ thực hành trong quá trình đào tạo (như học phần chế biến món ăn trong chuyên ngành du lịch, khách sạn) sẽ thu học phí cao hơn.
Trường ĐH Kinh tế và trường ĐH Ngoại ngữ (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội) đang triển khai 4 chương trình liên kết đào tạo là Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kinh tế đối ngoại, tiếng Anh phiên dịch. Dự kiến học phí các ngành này sẽ tăng ở mức kịch trần. Hai trường cũng đã ban hành mức thu học phí của SV học chương trình liên thông từ năm học 2009-2010 là 225.000 đồng/tín chỉ và 450.000 đồng/tín chỉ đối với môn chuyên ngành học bằng tiếng Anh.
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM: PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đến nay trường chưa nhận được văn bản nào về việc tăng học phí nên trường vẫn tạm thu mức học phí như cũ, kể cả khóa mới, đó là mức 1,8 triệu đồng/năm”. Ông Hùng cho biết nếu tăng học phí thì cũng tăng theo đúng mức mà Nhà nước quy định chứ không hơn. Mỹ Quyên - Q.M.Nhật |
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)