Những ngày cuối chính quyền Sài Gòn qua tài liệu CIA: Vì sao Tổng thống Thiệu từ chức?

22/04/2010 23:53 GMT+7

Nối tiếp Đại thắng mùa xuân 1975: Tài liệu chưa từng công bố của chính quyền Sài Gòn, Thanh Niên xin tiếp tục giới thiệu loạt bài Những ngày cuối chính quyền Sài Gòn qua tài liệu CIA. Sử dụng tài liệu giải mật của Cơ quan Tình báo T.Ư Mỹ (CIA) cùng các hồi ký, tư liệu của cựu tướng lĩnh và quan chức chính quyền Sài Gòn, loạt bài sẽ cung cấp cho bạn đọc một bức tranh tương đối chi tiết về những ngày cuối của chế độ Sài Gòn thời điểm tháng 4.1975.

Đứng đầu chính quyền Sài Gòn, hơn ai hết, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu biết rõ nguy cơ thất thủ, nhất là khi Quốc hội Mỹ biểu quyết một cách “cạn tàu ráo máng” cắt đứt quân viện, một hành động xem như kết thúc một thể chế. Có còn nguyên nhân nào khác dẫn đến quyết định từ chức vào ngày 21.4.1975 của ông Thiệu?

Uy tín xuống thấp

Ngày 2.4.1975, Thượng nghị viện VN cộng hòa (VNCH) trong một phiên họp thường lệ, với 42 phiếu thuận, 10 phiếu chống, đã kết tội Tổng thống Thiệu về những thất bại liên tiếp xảy ra trên mặt trận. Một ngày trước đó, tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn II Vùng 2 chiến thuật, cùng với đại tá Lý Bá Phẩm, Tỉnh trưởng Nha Trang, Khánh Hòa, leo lên trực thăng bay vào Sài Gòn. Việc tướng tá chỉ huy bỏ chạy trước như thế khiến binh sĩ ngã lòng, dẫn đến tình trạng rã ngũ, dù lúc đó Nha Trang vẫn còn lực lượng khá mạnh, vì nơi đây là địa điểm tập trung nhiều quân trường, trung tâm huấn luyện của quân đội Sài Gòn. Quân giải phóng tiến vào tiếp quản Nha Trang, rồi đến Cam Ranh, một cách dễ dàng.

Như vậy, kể từ ngày 10.3, khi Ban Mê Thuột mất, tiếp đến là vụ “di tản chiến thuật” khỏi cao nguyên Trung phần, chính quyền Sài Gòn đã để mất cả Quân đoàn I và gần hết Quân đoàn II, tức là một nửa quân đội Sài Gòn bị tan rã, uy tín Tổng thống Thiệu ngày một xuống dốc. Nhiều thế lực đòi Tổng thống Thiệu từ chức. Trong phiên họp ngày 2.4, Thượng nghị viện yêu cầu ông Thiệu thành lập một tân nội các đại diện cho nhiều thành phần chính trị đối lập, thay thế cho chính phủ của đại tướng Trần Thiện Khiêm. Trước sức ép từ nhiều phía, Tổng thống Thiệu đã ủy nhiệm Chủ tịch Hạ nghị viện là ông Nguyễn Bá Cẩn thành lập tân nội các. Thành phần tân chính phủ ra mắt ngày 14.4, và hoạt động chỉ được nửa tháng.

“Mắc bẫy” tin tình báo

Ngày 13.4.1975, Pierre Brochand, Trưởng ban Tình báo Pháp, chuyển đến Thomas Polgar, Trưởng nhánh CIA của Mỹ ở Sài Gòn một tin ngụy tạo do nhân viên Hungary trong Ban liên hợp Quân sự chuyển đến. Tin này cho biết là phía cách mạng có thể chấp nhận dàn xếp chính trị nếu như Washington thay thế Tổng thống Thiệu bằng đại tướng Dương Văn Minh (trích Hồi ký chánh trị của Nguyễn Bá Cẩn). Về phía Mỹ, tình báo nhận được tin quân giải phóng đang chuẩn bị Chiến dịch Hồ Chí Minh để đánh thẳng vào Sài Gòn. Còn tin ngụy tạo về việc dàn xếp chính trị chỉ nhằm triệt hạ Tổng thống Thiệu mà thôi, nhưng Đại sứ Mỹ Graham Martin giữ kín, không thông báo cho Đại sứ Pháp Jean Marie Merillon nguồn tin này. Sau này, trong một cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ, ông Martin nói rằng đối phương đã nhờ phái đoàn Hungary tung tin ngụy tạo vào ngày 13.4 nói trên để lừa Đại sứ Merillon.

Một quyết định quan trọng của Quốc hội Mỹ ngày 18.4 xem như kết thúc chính quyền Sài Gòn, với việc thông qua đạo luật về viện trợ quân sự cho tài khóa 1976. Trong tổng số 3 tỉ USD quân viện cho nhiều nước, không có tên VNCH. Điều này có nghĩa là sau ngày 30.6.1975, dù cho còn tồn tại đi chăng nữa, VNCH cũng không còn nhận được khoản tiền viện trợ quân sự nào nữa, có nghĩa là “đưa quân ra trận, mà không cấp vũ khí”.

Sự cắt quân viện là đòn chí tử đối với quân đội Sài Gòn. Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng, tóm tắt về việc giảm thiểu quân viện của Mỹ như sau (trong cuốn Những ngày cuối của VNCH): Quốc hội Mỹ phủ quyết tất cả các ngân sách phụ trội và trong tài khóa 1975, họ chỉ cho 1 tỉ Mỹ kim, nhưng sau đó, con số 1 tỉ lại bị cắt đi chỉ còn 700 triệu. Phần này lại còn tính luôn cả chi phí cho Văn phòng Tùy viên quân sự Mỹ (DAO). Ngày 2.1.1975, Ngũ Giác Đài xin Quốc hội một ngân khoản phụ trội 300 triệu USD, sau đó, Tổng thống Gerald Ford nâng lên thành 722 triệu khi chuyển qua Quốc hội ngày 11.4.1975. Quốc hội Mỹ đã bác bỏ đề nghị của phía hành pháp, và thế là tình hình miền Nam VN xem như đã được quyết định.

Trước tình hình như thế, ông Thiệu đã đi đến quyết định là từ chức. Trong buổi họp tại dinh Độc Lập ngày 21.4, với sự tham dự của một vài lãnh đạo cấp cao nhất, mà về phía quân đội có đại tướng Viên, phía cảnh sát có thiếu tướng tư lệnh Nguyễn Khắc Bình, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức, bàn giao chức vụ lại cho Phó tổng thống Trần Văn Hương. Ông Thiệu vẫn “tạm trú” tại dinh Độc Lập vì lý do an ninh cá nhân. Theo lời giải thích của Tổng thống Thiệu thì Mỹ muốn ông từ chức, và dù ông muốn hay không thì một số tướng lĩnh trong quân đội cũng sẽ ép ông ra đi.

Cho dù có nhiều nguồn tin đòi Tổng thống Thiệu giao chức vụ lại cho ông Dương Văn Minh để có thể kịp thời “đối thoại với phía bên kia”, nhưng ông Thiệu vẫn làm đúng theo quy định của Hiến pháp 1967. Chiều ngày 21.4, lễ từ chức của Tổng thống Thiệu được trực tiếp truyền hình từ dinh Độc Lập. Trong diễn văn từ chức, ông Thiệu công bố trước quốc dân về tình hình chung và lý do ông từ chức. Lần đầu tiên, Tổng thống Thiệu công khai xác nhận chính ông đã ra lệnh cho cuộc triệt thoái khỏi Kontum - Pleiku, mà ông viện dẫn là không còn cách chọn lựa nào khác.

Loạt bài Đại thắng mùa xuân 1975: Tài liệu chưa từng công bố của chính quyền Sài Gòn  lược trích từ cuốn Về đại thắng mùa xuân năm 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn.

Ban chỉ đạo biên soạn cuốn sách này gồm: GS-TS Phùng Hữu Phú, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư, Trưởng ban chỉ đạo; TS Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia (NXBCTQG), Phó trưởng ban; TS Khuất Duy Kim Hải, Phó giám đốc - Phó tổng biên tập NXBCTQG; TS Vũ Thị Minh Hương, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước; Phạm Việt, Trưởng ban sách Nhà nước và Pháp luật NXBCTQG; ThS Nguyễn Xuân Hoài, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.

Ban biên soạn gồm: ThS Phạm Thị Huệ, Hà Kim Phương, Phạm Ngọc Hưng, Bùi Thượng Hải, Nguyễn Thị Việt, Trần Thị Vui. Cố vấn khoa học: đại tá, PGS-TS Hồ Sơn Đài và PGS - TS Hà Minh Hồng.

T.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.