Những ngôi chợ độc đáo: Chợ phiên trăm năm

Phạm Anh
Phạm Anh
25/05/2024 07:04 GMT+7

"Tam Bảo" chính là ba cái đồn của Trường Lũy Quảng Ngãi thời nhà Nguyễn. Ngày thường nó là các trạm gác kiểm soát. Rồi dưới các bảo (đồn) này dần hình thành các chợ mua bán, trong đó có chợ phiên Tam Bảo ở xã Hành Dũng, Nghĩa Hành (Quảng Ngãi).

Chợ phiên Tam Bảo nằm bên bảo Kim Thành, là nơi để cho người Kinh và đồng bào thiểu số người Hrê giao thương mua bán. Bây giờ chợ phiên Tam Bảo không còn họp 6 phiên trong tháng như trước nữa, nhưng các phiên chợ sầm uất, đông nghịt người vẫn còn trong ký ức người dân nơi đây.

"CHỢ PHIÊN NGÀY BẢY, NGÀY HAI…"

Từ TT.Chợ Chùa (H.Nghĩa Hành, Quảng Ngãi), chúng tôi đi ngược về hướng tây khoảng 10 km là đến xã Hành Dũng (H.Nghĩa Hành). Không khó để tìm đến chợ phiên nức tiếng một thời ở đây. Từ UBND xã Hành Dũng đi lên vài trăm mét là khu chợ ở thôn An Hòa, có cái cổng đề chữ "chợ phiên Tam Bảo". Bước vào chợ buổi trưa nên khách vắng, chỉ có vài người mở hàng bán.

Các bà, các chị ở chợ này cho biết chợ phiên Tam Bảo bây giờ không họp theo phiên trong tháng nữa, mà đã họp hằng ngày. Tuy nhiên, cái tên chợ vẫn lưu giữ để nhớ về một thuở xa xưa. Nói về chợ phiên ngày cũ, lứa tuổi 7X về trước vẫn còn ký ức về những phiên chợ sầm uất, giao thương mua bán sản vật giữa người Kinh từ miền biển và đồng bào Hrê miền thượng.

Những ngôi chợ độc đáo: Chợ phiên trăm năm- Ảnh 1.

Chợ phiên Tam Bảo hôm nay

Phạm Anh

Bà Huỳnh Thị Bốn (78 tuổi), nhà sát bên chợ phiên Tam Bảo, cho biết bà theo mẹ đến đất này trong thời kháng chiến chống Mỹ, và khi đó đã thấy có chợ phiên. Tuy nhiên, theo bà Bốn, có thể vài trăm năm trước, chợ phiên Tam Bảo là ở bảo Kim Thành (nay là thôn Kim Thành), cách chợ phiên hiện nay khoảng 1,5 - 2 km.

Còn bà Bốn Dung (Trần Thị Ngọc Dung, 74 tuổi, ở thôn An Hòa) nói bà không biết chợ phiên ở bảo Kim Thành có từ thuở nào. Còn chợ phiên bây giờ, bà Dung cho biết có từ trước những năm kháng chiến chống Mỹ, có thể trước cả thời "9 năm" (tức 9 năm kháng chiến chống Pháp, 1945 - 1954). Lớn lên ở đây nên từ tuổi thơ đến thời con gái, bà không thể quên những phiên chợ sầm uất.

Hồi đó, trước mỗi bận họp chợ, các hàng quán ở đây luôn tất bật. Mỗi lều chợ được làm bằng tre, tranh dài chừng 8 m, có 4 người chung 1 lều (cá biệt, có lều 5 - 7 người), trong đêm đều thắp sáng bằng đèn dầu.

Đêm trước diễn ra phiên chợ, những người từ đồng bằng sông Vệ, miền biển nếu bán cá hấp thì có mặt trong đêm, còn bán cá tươi thì sáng hôm sau mới vận chuyển lên. Còn đồng bào Hrê cũng vậy, thường có mặt ngay trong đêm để sáng hôm sau bán và mua hàng về dùng. Người Kinh từ miền biển và các nơi khác trong tỉnh Quảng Ngãi mang đến chợ các loại mắm, muối, hải sản khô, tươi; rau, củ, quả; đồ rèn rựa, dao, cuốc, xẻng; chum, chóe làm rượu cần... Còn đồng bào Hrê ở đèo Chim Hút, huyện miền núi Minh Long mang đến những sản vật rừng, cây gỗ, mây, tre, chè, đót, mật ong, có cả chày và cối làm bằng đá.

Bà Dung cho biết xung quanh chợ phiên có 3 cây đa rất lớn, tán cây phủ rộng cả sào đất. Những đêm trước phiên chợ, bà con hai miền xuôi ngược nằm xung quanh gốc cây, ngủ gà ngủ gật chờ trời sáng để bán buôn. Cả khu chợ phiên rộng mênh mông, chen kín người. Chợ họp từ tờ mờ sáng đến khoảng đầu giờ chiều mới vãn khách. "Ngay cả làm đám giỗ, bà con cũng đợi phiên chợ để mua về làm mâm cúng. Do vậy, có nhà còn sửa cả ngày giỗ cho thuận tiện", bà Dung cho hay.

Những ngôi chợ độc đáo: Chợ phiên trăm năm- Ảnh 2.

Các gian hàng chợ phiên Tam Bảo bây giờ

Phạm Anh

Mỗi tháng, chợ phiên Tam Bảo thường họp 6 phiên vào mùng 2 và các ngày: 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch. Đến bây giờ, nơi này vẫn còn lưu truyền các câu ca dao đã ăn sâu trong ký ức người bản xứ: "Chợ Phiên ngày bảy, ngày hai/Không đi thì nhỡ, đi hoài mỏi chân". Hay: "Nhớ ai như nhớ Nghĩa Hành/Nhớ phiên Tam Bảo không đành không đi".

VÌ SAO GỌI LÀ "CHỢ PHIÊN TAM BẢO" ?

Qua tìm hiểu, chợ phiên Tam Bảo gắn với công trình kỳ vĩ Trường Lũy Quảng Ngãi xây dựng từ thời nhà Nguyễn.

Nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh (ở Quảng Ngãi) cho biết trước trường lũy là các lũy đất được Bắc quân đô đốc Phủ chưởng phủ sự, tước Trấn quốc công Bùi Tá Hán (1496 - 1568), khi trấn tại Thừa tuyên Quảng Nam (gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và một phần Phú Yên) xây dựng từ thế kỷ 16. Khi đó, để ngăn chặn người thiểu số ở phía tây Quảng Ngãi, ông cho đắp các đoạn lũy đất ở những nơi hiểm yếu và đặt một số đồn (bảo) ở đây. Đến cuối đời Gia Long và đầu đời Minh Mạng nhà Nguyễn, các đoạn lũy nói trên được tướng Lê Văn Duyệt (1764 - 1832), quê ở phủ Mộ Hoa (H.Mộ Đức, Quảng Ngãi bây giờ) đưa nhân lực nối các đoạn lũy lại với nhau, thành trường lũy, dựng thêm các đồn (bảo) dọc theo lũy này, chạy dài dọc vùng núi từ H.Hà Đông, thuộc phủ Tam Kỳ (nay là H.Núi Thành, Quảng Nam) đến phía bắc phủ Bồng Sơn (nay H.Bồng Sơn, H.An Lão của Bình Định). Tổng chiều dài của trường lũy dài hơn 127 km, trong đó đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi dài 113 km.

Ở mỗi lũy cắt ngang, thời xưa đặt cổng do các đồn (bảo) canh gác, cho phép người dân đi lại, mua bán, sau nữa là thu thuế giữa hai miền xuôi, ngược. Ở xã Hành Dũng có 3 đồn (bảo) gồm: bảo Kim Thành, bảo đèo Chim Hút và bảo Rùm Đồn. Dần dần, chợ phiên bắt đầu hình thành ở 3 đồn (bảo) này nên gọi là chợ phiên Tam Bảo.

"Các đồn, bảo ngày xưa không dừng lại là nơi kiểm soát, phòng vệ, mà các chợ ở đây còn là nơi giao thương giữa hai miền xuôi, ngược", nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh cho biết. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.