Những ngọn núi thiêng: Ngàn Hống - Nơi lưu dấu tổ tiên Hồng Lạc

Phạm Đức
Phạm Đức
28/09/2024 06:00 GMT+7

Hồng Lĩnh là tên dãy núi có 99 ngọn ở Hà Tĩnh, nằm trong 21 danh thắng của nước Nam xưa và được nhà Nguyễn khắc trên cửu đỉnh, hiện đặt tại cố đô Huế. Nơi này không chỉ lưu giữ những câu chuyện linh thiêng huyền bí bao đời truyền tụng, mà còn được xem là cái nôi của tổ tiên Hồng Lạc.

Sự tích núi Hồng

Núi Hồng Lĩnh có chiều dài 30 km, ngang 15 km, trải dài trên địa bàn 3 huyện Nghi Xuân, Can Lộc và Đức Thọ của tỉnh Hà Tĩnh. Ngoài cái tên chính Hồng Lĩnh, dãy núi này còn có nhiều tên gọi khác như: Ngàn Hống, núi Hồng, Rú Lớn, Rú Cao, Hương Tượng, Hồng Sơn. Danh thắng Hồng Lĩnh đã được ghi vào sử sách, đi vào thơ ca, nhạc họa đọng lại trong tâm trí người dân xứ Nghệ.

Những ngọn núi thiêng: Ngàn Hống - Nơi lưu dấu tổ tiên Hồng Lạc- Ảnh 1.

Một góc chụp từ trên cao của dãy núi Hồng Lĩnh

ẢNH: NGUYỄN THANH HẢI

Ông Đặng Quang Vinh, nguyên Trưởng phòng VH-TT TX.Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), cho biết với nhiều năm làm cán bộ phụ trách mảng văn hóa, ông cũng đã có nhiều nghiên cứu về lịch sử núi Hồng. Ông Vinh nói điều đặc biệt của Hồng Lĩnh là không chỉ núi liền núi điệp trùng, bao khe nước trong xanh không bao giờ cạn, rất nhiều ngôi chùa thâm u linh thiêng, mà còn là nơi lưu giữ bao kho báu với những câu chuyện huyền bí truyền tụng bao đời.

Tương truyền, thời xa xưa ở vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh (gọi chung là xứ Nghệ) núi non mọc ngổn ngang, ngăn cách các vùng. Thuở ấy, có hai người khổng lồ là ông Đùng và bà Đùng hay phụ giúp người dân trong vùng. Một sớm tinh mơ, ông Đùng ngỏ lời muốn lấy bà Đùng làm vợ. Bà Đùng giao hẹn trước khi gà gáy ngày hôm sau, ông Đùng phải xếp được 100 ngọn núi thì bà sẽ ưng thuận. Ông Đùng một mình cặm cụi dịch chuyển núi đồi, xếp được 99 ngọn núi. Vừa lúc bà Đùng tỉnh dậy, thấy ông Đùng đang hì hục sắp xếp núi nên đùa vui giả tiếng gà gáy. Đang di chuyển thêm 1 ngọn núi từ bờ bắc sông Lam về cho tròn 100, nghe tiếng gà gáy tưởng trời sáng thật nên ông Đùng phủi tay mà đi. Từ đó, núi Hồng Lĩnh chỉ có 99 ngọn, ngọn còn lại bị ông Đùng bỏ lại chính là núi Quyết ở ngay sát bờ bắc sông Lam thuộc TP.Vinh (Nghệ An) hiện tại.

Những ngọn núi thiêng: Ngàn Hống - Nơi lưu dấu tổ tiên Hồng Lạc- Ảnh 2.

Một góc chụp từ trên cao của dãy núi Hồng Lĩnh

ẢNH: NGUYỄN THANH HẢI

Theo ông Vinh, vùng đất Hồng Lĩnh còn được xem là cái nôi của tổ tiên Hồng Lạc, là dòng sữa ngọt lành đã nuôi dưỡng một bộ phận dân tộc thuở hồng hoang. Tương truyền, thuở xưa, vua Kinh Dương Vương đi tìm nơi định đô mới. Nghe tin Việt Thường thuở xưa đặt kinh đô ở Ngàn Hống, nhà vua đích thân dẫn đoàn tùy tùng đến quan sát. Lúc tới nơi, nhà vua bỗng thấy trên trời có 100 con phượng hoàng bay lượn, cảnh tượng thật đẹp. Nhà vua cả mừng cho rằng đây đích thị là nơi đặt đế đô. Ngờ đâu, 99 phượng hoàng đậu trên 99 đỉnh Ngàn Hống, còn con đầu đàn không có chỗ đậu bay đi. Cả đàn sau đó đều bay theo nên vua nghĩ là điều không may và về sau, Kinh Dương Vương đã thiên đô ra vùng núi Nghĩa Lĩnh (tỉnh Phú Thọ ngày nay).

Vùng đất địa linh nhân kiệt

Ông Nguyễn Trí Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, cho hay không chỉ với trang huyền sử xa xưa đọng lại trong tâm trí người dân, Hồng Lĩnh còn là vùng đất lưu dấu những bậc nhân tài tuấn kiệt. Mảnh đất này đã từng in đậm dấu chân của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung, của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp vào những năm cuối thế kỷ 18. Nơi này còn được vua Thiệu Trị tức cảnh đề thơ vào khoảng giữa thế kỷ 19 khi đi tuần du. "Mảnh đất này còn là quê hương của song Trạng nguyên Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy, của Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ. Không chỉ vậy, đây còn được xem là vùng phát tích của Phật giáo miền Trung, là nơi lưu giữ nhiều dấu tích của các bậc tu hành cao minh đắc đạo như hòa thượng Thích Không Lộ, thiền sư Chuyết Công… Minh chứng cụ thể nhất đó là có nhiều ngôi chùa cổ, tháp mộ cổ tồn tại khoảng 600 - 700 năm trên mảnh đất này", ông Sơn lý giải.

Những ngọn núi thiêng: Ngàn Hống - Nơi lưu dấu tổ tiên Hồng Lạc- Ảnh 3.

Chùa Đại Hùng ở P.Đậu Liêu, TX.Hồng Lĩnh

ẢNH: PHẠM ĐỨC

Theo ông Sơn, chùa Đại Hùng là một trong số các chùa cổ nằm trên dãy núi Hồng thuộc tổ dân phố 7 (P.Đậu Liêu, TX.Hồng Lĩnh). Chùa được dựng trên mái núi nằm ở độ cao khoảng 100 m so với mực nước biển. Trải qua hàng trăm năm với sự khắc nghiệt của thời tiết, đa số các hạng mục của di tích ở đây đã trở thành phế tích. Vào năm 2018, chùa được chính quyền P.Đậu Liêu cùng phật tử ở khắp nơi đóng góp công sức khôi phục, tôn tạo.

Đặc biệt, trong các hiện vật có giá trị được lưu giữ ở đây thì quý nhất là quả chuông được đúc vào năm thứ 7, niên hiệu Cảnh Thịnh (1793 - 1807). Chuông cao gần 1 m, nặng khoảng 100 kg, được chạm trổ tinh xảo và có khắc tên "Đại Hùng Tự Chung". "Chùa Đại Hùng không chỉ là nơi để các phật tử dâng hương niệm Phật mà hằng năm, cứ đến dịp giỗ tổ Hùng Vương (10.3 âm lịch) thì bà con trong vùng và các vùng phụ cận đến dâng hương để tưởng niệm vị Thủy tổ Kinh Dương Vương và các vua Hùng. Ngoài ra, chùa Hương Tích cũng nằm trên dãy núi Hồng, cách mực nước biển khoảng 650 m, xây dựng từ thời Trần vào thế kỷ 13 được mệnh danh là Hoan Châu đệ nhất danh lam cũng rất linh thiêng", ông Sơn cho hay.

Ông Sơn khẳng định địa danh Hồng Lĩnh - Ngàn Hống là vùng đất cổ, ở đó ẩn chứa nhiều di tích và hiện vật khảo cổ, với nhiều sự tích cùng huyền thoại mang tính sử thi cao. Ngày nay, cái tên Hồng Lĩnh đã trở thành đơn vị hành chính của một thị xã trẻ nằm ở khu vực trung tâm phía bắc tỉnh Hà Tĩnh. Địa phương này đang vươn mình đi lên trong thế và lực của một vùng đất cổ huyền thoại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.