Những người "chịu chơi" với nghệ thuật dân tộc

30/06/2005 22:30 GMT+7

Đơn vị "chịu chơi" trước hết là Công ty Tổ chức biểu diễn TP.HCM, đã ưu tiên dành sân cho các bộ môn nghệ thuật truyền thống được ra mắt định kỳ tại Nhà hát lớn TP, chấp nhận việc bù lỗ bước đầu. Mỗi tháng, lịch diễn là: cải lương ngày 4, giao hưởng vũ kịch ngày 9 và 19, ca múa nhạc Bông Sen ngày 12, hát bội ngày 20, ca nhạc dân tộc ngày 21, ca khúc cách mạng ngày 23.

Có những chương trình đã thực hiện từ rất lâu như giao hưởng vũ kịch 4 năm, ca khúc cách mạng và hát bội 3 năm, nhưng cũng có chương trình mới bắt đầu như ca nhạc dân tộc 8 tháng, cải lương 4 tháng. Và tất cả đều làm rất nghiêm túc, xứng đáng với bộ mặt của Nhà hát lớn. Một đêm ngồi xem cải lương, gặp lại những trích đoạn vang bóng một thời như Nhụy Kiều tướng quân, Tâm sự Ngọc Hân với NSƯT Diệu Hiền, Linh Châu, Hùng Minh, Tuấn Thanh, Thanh Thanh Tâm, và cả đoạn độc diễn Không là cát bụi của thế hệ trẻ như Kim Tiểu Long đã đoạt huy chương vàng Trần Hữu Trang, mới thấy cải lương đầy sức sống. Ca ra ca, diễn ra diễn, đúng như lời tâm sự của chị Nguyễn  Thị Thúy Nga, Phó giám đốc nhà hát: "Chúng tôi chủ trương làm đúng chất cải lương chứ không pha tạp". Thú vị nhất là trích đoạn Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài của nhóm Ngọc Giàu - Ngọc Đáng - Ngọc Mai coi như một cách "trang điểm" cho cải lương với toàn nghệ sĩ nữ. Hóa ra, những bậc lão thành vẫn còn "chịu chơi", chịu khó ngồi lại nghĩ cách cho cải lương thêm màu sắc. Những ngôi sao như Kim Tiểu Long cũng "chịu chơi" khi từ bỏ một suất đại nhạc hội cát-sê bạc triệu, chấp nhận diễn ở đây để nhận... 200.000đ, còn diễn viên trẻ hơn nữa thì chỉ 100.000đ, vừa đủ tiền son phấn. Tất cả đang đồng tâm hiệp lực để gầy dựng một thánh đường nghệ thuật. Bởi đây là bộ mặt của TP.HCM, hoặc có thể nói là cả nước, để giới thiệu với những người hâm mộ và với hàng vạn du khách quốc tế lui tới thường xuyên.

Nhưng đáng tiếc là trong sự nỗ lực đó lại thiếu sự quảng bá cần thiết để người ta biết mà tìm đến. Khán phòng sang trọng nhưng chỉ hơn 100 người, làm sao không bù lỗ cho được. Nhưng vấn đề không chỉ là tiền, mà còn là sự "mất hứng" của nghệ sĩ khi diễn trong không khí như thế. Hỏi ra, không hề có một dòng quảng cáo nào trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngoại trừ vài mẩu tin của vài phóng viên báo chí, mà không phải tháng nào phóng viên cũng được cung cấp thông tin đầy đủ. Trước cửa nhà hát cũng không có một băng-rôn nào cho biết chương trình sẽ diễn ra sao, bởi vì "các chương trình kia thuê rạp đã giành treo hết chỗ rồi". Và cũng không có mối liên hệ chặt chẽ với các hãng du lịch để họ biết mà dẫn khách tới. Nói chung, tâm huyết thì có, nhưng quá lặng lẽ trong thời buổi tràn ngập thông tin. Bởi vậy, mới thở dài rằng mình "chịu chơi" như vậy, nhưng ai... chịu chơi với mình ?

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.