Khơi dậy hào khí Thăng Long khi Tổ quốc cần
Mùa thu năm 1964 vẫn in dấu sâu đậm trong ký ức của những thanh niên xung phong (TNXP) đã tham gia phong trào Ba sẵn sàng ngày ấy. Đó là những chàng trai Hà Nội sẵn sàng gác bút nghiên lên đường làm nhiệm vụ. Không ít người trong số họ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Ông Hàn Tiến Nhâm (ở phố Thụy Khuê, Q.Ba Đình), hiện là Trưởng ban Liên lạc TNXP 13C Hà Nội, bồi hồi chia sẻ: năm 1964, đất nước ta đang bị chia cắt 2 miền, miền Bắc hòa bình và xây dựng CNXH, miền Nam chiến đấu giành độc lập tự do thống nhất. Chiến sự miền Nam thật ác liệt, quân địch thất bại nặng nề. Để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc hòng phá hoại thành quả xây dựng CNXH và triệt phá đường tiếp viện cho miền Nam nhưng Đảng - Chính phủ đã có kế sách kịp thời chống lại âm mưu đó. Một trong những kế sách là cho mở một số đường giao thông cần thiết mang tính chiến lược (nối với cửa khẩu Trung Quốc - NV) phục vụ kịp thời cho công cuộc cứu nước, trong đó có đường bộ Yên Bái - Lào Cai mang mã số 13C.
Vậy là mùa thu năm 1964 (ngày 16.8.1964), Thành đoàn Hà Nội phát động phong trào "Thanh niên ba sẵn sàng" tại quảng trường Nhà hát Lớn. "Trong không khí cả nước chống Mỹ cứu nước, "Ba sẵn sàng" như một luồng gió mới, khơi dậy hào khí Thăng Long khi Tổ quốc cần, thanh niên thủ đô sôi nổi hưởng ứng. Họ sẵn sàng nhập ngũ, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu và sẵn sàng làm bất kỳ việc gì mà Đảng, Đoàn yêu cầu", ông Nhâm nhớ lại.
Khi đó, ông Nhâm vừa tốt nghiệp lớp 10 (hệ THPT 10 năm) nhưng không thi đại học mà hăng hái đi TNXP. Cùng với ông còn có rất nhiều thanh niên thủ đô mong muốn được cống hiến sức trẻ cho Đảng, cho Tổ quốc. Với khí thế sôi nổi, nhiệt tình như vậy, nên chỉ trong vòng chưa đầy một tháng Hà Nội đã tập hợp đủ số quân số với 7 đại đội TNXP gần 1.400 người để làm con đường 13C. Có những cặp vợ chồng trẻ vừa mới cưới nhau cũng xung phong đi cả hai người. Quy định độ tuổi là từ 18 - 30 nhưng nhiều người mới 16 tuổi đã khai tăng lên để được lên đường. Đây cũng là thế hệ TNXP đầu tiên đi theo tiếng gọi "Ba sẵn sàng".
Kỷ niệm đầu tiên của ông là cuộc hành quân 3 ngày 2 đêm để đến nơi đóng quân, trong đó có 1 ngày đi tàu, 2 ngày đi bộ, mỗi ngày đi hơn 20 cây số đường rừng. Người mệt, chân đau. Đây là cuộc rèn luyện thử thách đầu tiên của những chàng trai, cô gái thành phố chưa phải đi bộ xa như thế bao giờ. Đang sống ở nơi đầy đủ tiện nghi mà phải lên Tây Bắc ăn rừng, ngủ lán là cực kỳ khó khăn.
Công việc lại càng vất vả, vì những đôi tay của những chàng trai, cô gái chưa biết cầm cuốc xẻng bỗng phải xúc đất làm đường. "Chúng tôi phải buộc người vào cành cây đu lên để xúc đất đá. Tay chân phồng rộp hết cả. Rồi muỗi, vắt, ghẻ lở hành hạ… Nhưng những khó khăn gian khổ đã rèn cho chúng tôi ý chí vượt khó trong cuộc đời. Những khó khăn sau này chúng tôi cũng... coi khinh hết", ông Nhâm tự hào chia sẻ.
Đặc biệt, ông nhắc đi nhắc lại điều để lại dấu ấn không phai trong cuộc đời ông là tình đồng đội. Họ đã đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau để vượt qua khó khăn. Kể cả sau này, khi trở về cuộc sống đời thường, họ cũng coi nhau như anh em ruột thịt, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi. "Khi gặp nhau chúng tôi chỉ nói với nhau là may mắn mình vẫn còn nguyên quả gáo (cái đầu), chứ chúng tôi không cần gì cả. Cảm ơn cuộc đời TNXP đã rèn cho chúng tôi tinh thần vượt khó và tinh thần đồng đội. Vậy là đủ rồi", ông Nhâm trải lòng và bùi ngùi nhớ những đồng đội đã hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Sẵn sàng hy sinh cho cuộc kháng chiến của dân tộc
Cũng là một TNXP làm đường 13C ngày ấy, ông Dương Minh Hạc (nguyên Đại đội trưởng Đại đội 4 H.Gia Lâm) bồi hồi nhớ lại thời thanh xuân của mình. "Chúng tôi 154 nam nữ đang độ tuổi trên dưới 20, là đảng viên, đoàn viên thanh niên ưu tú ở các xã, thị trấn thuộc H.Gia Lâm đã tình nguyện gia nhập lực lượng TNXP và được thành lập đại đội mang tên C4. Trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc và chân dung Bác Hồ, đơn vị đã thề: "Vì độc lập tự do của Tổ quốc, xin dành cả thời thanh xuân, trai trẻ nhất, dẫu có hy sinh cũng sẵn sàng". Bản quyết tâm thư của đại đội "Sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, khi Đảng yêu cầu, sẵn sàng hy sinh cho cuộc kháng chiến của dân tộc" đã gửi về Đảng, Đoàn các cấp", ông Hạc kể.
Từ đây, họ đã bước sang cuộc đời mới, san đồi, xẻ núi, lấn sông, giữ cầu đảm bảo giao thông hàng giờ trên những tuyến đường chiến lược. Những ngày trên núi rừng Tây Bắc, họ trải qua biết bao nỗi gian lao vất vả, khổ cực, đói ăn, khát uống. "Tiểu đội nuôi quân phải tìm kiếm rau tàu bay, chuối rừng, sung rừng, măng rừng để ăn độn cho chắc dạ. Có đồng chí vì đói mà ăn quả rừng, bị ngộ độc. Có đồng chí băng qua dòng nước chảy siết, sang sông cốt tìm quả đu đủ, quả ổi, quả vả. Quả không tìm được, lại bị nước cuốn trôi, đơn vị phải tổ chức đi tìm, đi vớt. Nhiều ngày khát nước như cháy ruột vì dòng nước có lá han (một loại lá độc gây tử vong - NV)", ông Hạc tiếp tục câu chuyện.
Vẫn trong dòng hoài niệm, ông Hạc nhớ lại: "Mùa đông rét cắt da, cắt ruột, rét thấu đến tận xương. Lán trại, giường nằm lại là phên nứa đan thưa, gió thổi vào không sao ngủ được, phải ôm nhau cho ấm, mỗi khi trở mình là cả tiểu đội thức giấc, đi ngủ phải soi đèn để đuổi rắn rết, cóc nhái, thế mà có đêm chúng vẫn vào".
Ông cũng không thể nào quên cảnh nhiều chị em ở nơi rừng thiêng nước độc, ăn đói nhịn khát, chịu giá rét kéo dài, tóc dài rụng gần hết, ghẻ ruồi khắp thân thể… Những ngày lao động thấm đẫm mồ hôi và nước mắt, thấm bằng máu, bằng tinh thần gan dạ mưu trí, dũng cảm. "Rừng rậm, cây to, đá to, vắt, kiến, ong các loại. Có những ngày phát rừng, nhiều đồng chí bị vắt cắn, kiến đốt, máu chảy, người sưng, có những đồng chí cầm búa, cầm choòng đập, đục viên đá dày gần 1 m ra nhiều mảnh, chặt vầu nứa bị lao xuống sông, bàn tay phồng rộp, có khi vầu, nứa đâm vào thân thể máu chảy đầm đìa…", ông bồi hồi chia sẻ.
Lớn nhất là nỗi nhớ nhà, nhớ người thân vì hầu hết họ chưa bao giờ xa gia đình. Nhưng rồi, họ đã động viên nhau giữ vững tinh thần của TNXP và tổ chức các phong trào để học tập lời dạy của Bác Hồ với TNXP; tổ chức đắp tượng Nguyễn Văn Trỗi để lấy đó làm tấm gương giáo dục… Đặc biệt là phong trào cải tiến công cụ, tổ chức lại sản xuất. Từ những phong trào thi đua, họ đã làm ra những công cụ "thông minh" để thay thế sức người như: đóng xe cút kít, chặt vầu nứa để đặt đường ray, đan thuyền đan ghi để chở đất đá, làm cần cẩu bật thay thế gánh gồng. Từ đó, năng suất lao động tăng lên tới 200%... "Đứng trên đỉnh núi xin thề. Không vượt năng suất không về ăn cơm", ông Hạc đọc lại câu vè của TNXP ngày ấy.
Đã 60 năm trôi qua, nhưng ký ức hào hùng của những TNXP 13C Hà Nội - lực lượng đầu tiên thực hiện phong trào "Ba sẵn sàng" vẫn như còn nguyên vẹn để tiếp lửa cho thế hệ trẻ hôm nay.
Bình luận (0)