Những người 'gác kèo ong' U Minh Hạ

22/01/2015 09:16 GMT+7

Từ ngày được công nhận nhãn hiệu tập thể, mật ong U Minh Hạ tăng giá và duy trì ở mức ổn định, giúp nhiều nông dân miệt rừng tràm Cà Mau có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Từ ngày được công nhận nhãn hiệu tập thể, mật ong U Minh Hạ tăng giá và duy trì ở mức ổn định, giúp nhiều nông dân miệt rừng tràm Cà Mau có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Đậm đà hương vị mật ong U Minh Hạ
Thương hiệu mật ong U Minh Hạ đang nổi tiếng khắp nơi - Ảnh Hằng Ni
Mùa lấy mật
Những ngày đầu năm, rừng tràm thuộc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp U Minh Hạ (Công ty U Minh Hạ) đang vào mùa trổ bông, cũng là thời điểm “làm ăn” của dân gác kèo ong. Những tốp thợ rừng riêng lẻ, có lãnh địa riêng, mang theo những cây kèo to đi chân đất vô rừng. Anh Nguyễn Hùng An cho hay anh chuyên sống bằng nghề giữ rừng thuê và gác kèo ong ở Liên tiểu khu U Minh 1 (Công ty U Minh Hạ). Cùng nghề như anh ở liên tiểu khu này còn có khoảng 10 người, mỗi người nhận giữ gần chục héc ta và hợp đồng với Công ty U Minh Hạ gác kèo ong. “Khu rừng ai nhận giữ thuê thì người đó được gác kèo, hết mùa nộp lại cho công ty từ 1,5 - 2 lít/ha. Nhờ mật có giá nên mỗi năm cũng thu lời gần 50 triệu đồng”, anh An khoe.
Anh Nguyễn Minh Nhì, đang trông coi một thửa rừng tràm gần đó, cho biết thời điểm gác kèo ong thích hợp nhất là khi dứt mưa cho đến đầu mùa mưa năm sau vì lúc này mật ong tốt nhất. Với hàng chục kèo ong, mỗi năm anh Nhì thu về khoảng 500 lít mật, bán lại cho Công ty U Minh Hạ lời không dưới 60 triệu đồng.
Lâm phần rừng tràm (diện tích có rừng) của Cà Mau trên 42.000 ha, mỗi năm cho sản lượng mật từ 30.000 - 50.000 lít. Ngoài những hộ gác kèo nhận khoán đất lâm phần, vài nơi đã thành lập được tập đoàn hoặc tổ hợp tác chuyên gác kèo ong và thu lợi từ sản vật của rừng, tiêu biểu như Tập đoàn 19 Tháng 5 (ấp 20, xã Nguyễn Phích, H.U Minh). Ông Nguyễn Văn Vững, thành viên của Tập đoàn 19 Tháng 5, cho biết đơn vị có trên 20 thành viên. Trước đây, mật ong bán tại rừng chỉ khoảng 140.000 - 160.000 đồng/lít nhưng từ khi Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu tập thể “Mật ong U Minh Hạ” thì giá mật đã 200.000 đồng/lít và đang có chiều hướng tăng lên.
Chung tay bảo vệ thương hiệu
Tháng 8.2011, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận công nhận nhãn hiệu tập thể “Mật ong U Minh Hạ”. Hội Nông dân huyện U Minh vinh dự là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu và thực hiện các biện pháp tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân cùng bảo vệ thương hiệu. Đã có vài đơn vị đăng ký nhãn hiệu “Mật ong U Minh Hạ” với Hội Nông dân, trong đó có Công ty U Minh Hạ. Trong 5 năm gần đây, nguồn mật ong của công ty này luôn ổn định khoảng 3.000 lít/năm. Để nâng cao chất lượng mật, tháng 11.2013, công ty đầu tư máy tách nước mật ong từ Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch. Sau một thời gian chuyển giao công nghệ, đầu năm 2014 máy chính thức được vận hành thương mại.
Theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó giám đốc Công ty U Minh Hạ, bằng công nghệ tách nước lạnh chân không thì trong 1 giờ máy có thể tách được khoảng 80 lít mật. Và sau 1 - 2 lần tách, hàm lượng nước trong mật từ 23 - 27% giảm chỉ còn khoảng 20%, đạt tiêu chuẩn quy định trong nước. “Mỗi lần tách bị hao hụt khoảng 3% lượng mật (80 lít mật bị hao khoảng hơn 2 lít mật) nhưng mật sau khi tách bớt nước sẽ khắng, thơm hơn, sậm màu, nặng ký và giúp người tiêu dùng bảo quản được lâu”, ông Nam chia sẻ.
Để kiểm soát chặt đầu vào, theo ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty U Minh Hạ, nguồn mật chủ yếu được công ty thu mua lại của các hộ giao khoán đất rừng (khoảng 1.000 lít/năm); còn lại là mật ong nộp sản của các hộ chuyên sống bằng nghề “ăn ong”, nhận hợp đồng gác kèo ong ở những khu rừng quốc doanh (khoảng 2.000 lít/năm). Nguồn mật này không lo bị làm giả hoặc pha thêm đường vì ai bán mật dỏm công ty sẽ không mua nữa, coi như mất đi “cần câu cơm”. Còn mật ong của các hộ hợp đồng gác kèo ong nộp lại, công ty sẽ chứa vào 1 can riêng, có đánh số thứ tự và ghi rõ họ tên từng hộ nộp. Khách hàng phàn nàn mật dỏm thì công sẽ truy ra ngay lô mật của hộ nào liền và sẽ cắt hợp đồng không cho “gác kèo ong” và giữ rừng nữa.
Mật ong, cá đồng... là nguồn “lấy ngắn nuôi dài” đối với phần lớn cư dân miệt U Minh Hạ trong thời gian chờ tới kỳ thu hoạch rừng. Bà con ý thức rõ vai trò của thương hiệu tập thể “Mật ong U Minh Hạ” nên cùng chung tay gìn giữ để không làm mất lòng tin của người tiêu dùng. “Chúng tôi đang nhờ cơ quan chức năng Cà Mau hỗ trợ máy kiểm tra chất lượng mật đầu vào. Nếu có máy này, công ty sẽ ký hợp đồng cung ứng mật U Minh Hạ số lượng lớn cho các siêu thị, tạo thêm cơ hội làm ăn và nguồn thu bền vững cho cư vùng rừng tràm”, ông Hiếu cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.