Những người hùng futsal Việt Nam: Không có futsal, đã đi giữ xe kiếm sống

09/03/2016 10:13 GMT+7

Là con nhà nghèo, bỏ học sớm đi đá bóng, nhưng Danh Phát may mắn được những con mắt tinh tường của các tuyển trạch viên phát hiện để bây giờ làm rạng danh dòng họ.

Là con nhà nghèo, bỏ học sớm đi đá bóng, nhưng Danh Phát may mắn được những con mắt tinh tường của các tuyển trạch viên phát hiện để bây giờ làm rạng danh dòng họ.

Danh Phát (giữa) tỏa sáng trong màu áo tuyển futsal VN - Ảnh: Ngô Nguyễn
Danh Phát (giữa) tỏa sáng trong màu áo tuyển futsal VN - Ảnh: Ngô Nguyễn
Cú vẩy má lịch sử
Về trận thắng oanh liệt của futsal VN trước nhà đương kim vô địch châu Á Nhật Bản tại tứ kết giải futsal châu Á 2016, nhiều người vẫn chưa thể quên được cú vẩy má tuyệt vời của Danh Phát giúp rút ngắn tỷ số còn 2-3, tạo cú hích tinh thần quan trọng mở ra cuộc rượt đuổi tỷ số có lẽ là ngoạn mục nhất lịch sử giải đấu.
Danh Phát nhớ lại: “Đó là tình huống tuyển VN bị đội bạn phản công 2 đánh 2. Ở tình huống một đối một, tôi cản phá thành công ý đồ đi bóng của Henmi Katsutoshi Rafael (7), bóng phá lên vào chân Lê Quốc Nam và anh ấy đã nhả lại cho tôi khi ấy đang băng lên. Ở thời điểm đó, trong đầu tôi rất bình tĩnh, giữ bóng chặt để xử lý khung thành vì bình thường khi tập đã nhiều lần làm động tác này. Nhưng khi nhìn trái bóng nằm trong lưới thì lại không tin vào mắt mình. Trong đầu tôi khi đó chỉ nghĩ “mình làm được rồi, mình làm được rồi!”. Lúc đó gỡ 2-3, tôi mừng lắm vì đã góp phần giúp tất cả anh em đồng đội nỗ lực và mạnh mẽ hơn nữa, để có thể tiếp tục gỡ hòa”.
Cũng khó trách thủ môn Sekiguchi Yushi, bởi người tung ra cú vẩy má đẳng cấp đó chỉ là một cầu thủ trẻ, đá dự bị ở vị trí phòng ngự, mới lần đầu được HLV Bruno Garcia trao cơ hội ở một giải đấu lớn.
“Futsal đã cho tôi tất cả”
“Trước trận đấu, thầy Bruno nói rằng dù đối thủ có mạnh thế nào thì mình cứ cố gắng tập trung thi đấu. Chỉ cần không mắc sai lầm, chắt chiu cơ hội thì có thể thắng được đội bạn”, Danh Phát nói.
Thực sự, giống tình huống làm tung lưới Nhật Bản, Danh Phát đã chắt chiu được cơ hội để thay đổi hoàn toàn cuộc đời của mình, từ cậu nhóc bỏ học sớm thành một tuyển thủ futsal quốc gia.
Nhà Phát ở Q.6, TP.HCM. Ba anh làm công nhân dịch vụ công ích. Mẹ xưa bán hủ tíu trong xóm sau thấy không có ăn nên về lo bếp núc, thi thoảng chạy về An Giang chăm sóc sức khỏe cho bà ngoại. Mái ấm của anh là ngôi nhà tập thể mà như Phát nhẩm sơ bao gồm 3 thế hệ từ ông bà nội, ba mẹ, các chú... trừ đi chị gái đã lấy chồng nay còn tổng cộng 13 người lớn nhỏ.
Ở cái xóm lao động nghèo đó, Danh Phát chỉ ráng được đến lớp 8 là nghỉ học sau khi giám thị gọi điện về nhà “mách” tội cu cậu hay bỏ học đi đá bóng. Từ đội phong trào Dân Tuyền, Phát được tuyển trạch viên của Tân Hiệp Hưng phát hiện, chơi 3 năm và sau được Thái Sơn Nam gọi về.
“Trước giải, mẹ tôi về quê ngoại có nói tôi đá cho tuyển futsal VN, mới tập trung ít được đá lắm. Đá trận Nhật Bản xong, có mấy chú dưới quê gọi lên cho mẹ chúc mừng có người con trai phục vụ cho đất nước, họ rất hãnh diện và chúc mừng ba mẹ. Tôi thấy bà hạnh phúc lắm. Còn trong xóm thì khỏi nói. Những người bạn cỡ tôi, bình thường vẫn luôn động viên anh Phát cố gắng đá, trụ lại đội tuyển nay thấy tôi được đá chúc mừng tôi hoài. Cả nhà tôi ai cũng có thể nở mặt nở mày nhiều hơn”, Phát nói.
Gia đình có ý nghĩa rất lớn với Phát. Mẹ anh, người không biết chữ vì nhường cho các em, cũng tập tành sử dụng internet để dặn dò con trai khi đi đá bóng xa nhà. Rồi các chú, các dì trong nhà cũng liên tục nhắn nhủ tâm tình cho thằng cháu.
Anh kể lại: “Do tôi thường đi xa nhà nên chị tôi chỉ cho mẹ cách dùng Facebook để 2 mẹ con thấy mặt nói chuyện từ xa. Những lần đó mẹ và cả nhà dặn dò tôi phải giữ gìn sức khỏe, cố gắng tập luyện. Qua vài trận đầu giải đá ít, gia đình luôn động viên không được suy nghĩ, được vô sân phút nào thì ráng đá tốt phút đó. Điều đó đã giúp tôi đỡ buồn và cố gắng hơn. Áp lực dần dà cũng vì thế mà không còn nặng nề nữa”.
Danh Phát bây giờ đã ổn. Thi đấu cho Thái Sơn Nam, anh đã có thể chung vai cùng ba gánh đỡ gia đình. “Một phần tiền thưởng tôi sẽ gửi cho mẹ để trang trải cho gia đình. Còn một phần tôi sẽ giữ lại làm quỹ riêng để sau này tiếp tục những gì mình mong muốn.
Bỏ học từ lớp 8, giờ học lại sợ cũng khó, sợ không vô. Nhưng tôi sẽ đi học tiếng Anh và học lớp HLV để đeo đuổi đến cùng với futsal, chia sẻ những giấc mơ cho các thế hệ sau này. Futsal đã cho tôi tất cả. Nghĩ lại nếu không có futsal, giờ tôi chắc chỉ đi giữ xe cho người ta, hoặc đi làm công nhân, lao động chân tay mà thôi!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.