>> Kỳ 6: Hoàng Sơn, “ông trùm” phản diện
Từ trại giam được mời làm đạo diễn
Hơn 15 năm rồi từ ngày theo vợ sang định cư tại Ba Lan, đạo diễn Lê Hoàng Hoa gần như không còn được sống với đam mê làm điện ảnh. Ông cho biết, loạt bài về những nhân vật trong phim Ván bài lật ngửa đã khiến ông muốn sống lại quá khứ bằng cách hồi tưởng đoạn đời đẹp và đầy khốn khó của mình.
Nổi tiếng ở miền Nam trước 1975 qua nhiều phim, ngày đất nước hòa bình, Lê Hoàng Hoa tìm đường… vượt biển. “Tôi buộc phải ra đi khi chung quanh mình chẳng còn ai. Vợ (ca sĩ Phương Hồng Loan) và hai con trai Khôi - Nguyên mất tích sau chuyến đi định mệnh tìm vùng đất mới. Số phận không chiều theo ý muốn. Tôi bị bắt năm 1979 vì tội vượt biên, bị giam tại Bến Tranh thuộc tỉnh Bến Tre. Sau này khi làm phim Ván bài lật ngửa, tôi lấy nghệ danh Khôi Nguyên để nhớ đến 2 con trai của mình”, Lê Hoàng Hoa kể câu chuyện của 32 năm về trước.
Cảnh khởi quay tập 1 phim Ván bài lật ngửa - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Ông được đưa đi lao động 2 ngày thì bất ngờ vị thiếu tá công an trưởng trại giam hỏi ông có biết vẽ không, nếu biết thì thực hiện một bức tranh lớn treo tại hội trường trại giam vừa mới xây. Ông đánh liều nhận lời vì chợt nghĩ dù sao công việc này vẫn “nhàn” hơn đập đá. Hơn tháng trời bức tranh được hoàn tất. Cán bộ trại giam rất thích. Sau đó, ông trở thành “họa sĩ” bất đắc dĩ. Rồi bỗng một ngày, Lê Hoàng Hoa nhận được lệnh ông sẽ phải chuyển trại. Ông gặp gỡ các cán bộ phòng tổ chức thuộc Xí nghiệp phim tổng hợp TP.HCM trong tâm trạng bất an, lo lắng. Sau vài thủ tục đơn giản, ông lên xe của hãng phim về lại Sài Gòn để đảm nhiệm vai trò đạo diễn bộ phim Ván bài lật ngửa. “Tôi biết những vị lãnh đạo thời đó, cả nhà văn Trần Bạch Đằng, tác giả kịch bản phim đều muốn tôi làm phim này. Họ cho rằng tôi am hiểu chính quyền Sài Gòn từ thời Ngô Đình Diệm. Ván bài lật ngửa khiến cuộc đời tôi lật sang trang mới. Bộ phim thành công đến nỗi giờ vẫn còn nhiều người nhắc đến. Cả tôi và diễn viên chính của phim là Nguyễn Chánh Tín (vai đại tá Nguyễn Thành Luân) đều là người từng vượt biên, bị giam cầm nhưng vẫn được trọng dụng để làm phim”.
|
30 năm trôi qua, đọng lại trong ông là cái tình, cái nghĩa với anh em đoàn phim, những người hợp lực làm nên bộ phim kinh điển cho điện ảnh Việt. “Tôi vẫn nhớ những bữa cơm trộn củ mì kham khổ. Lần quay tập 5 Trời xanh qua kẽ lá, cảnh tàu đổ quân vào đất liền ở Bến Tre, một quả đạn pháo nổ sát ngay chân diễn viên và cả đạo diễn làm bùn văng lên rất cao phủ xuống đầu toàn bộ nghệ sĩ. May mà không ai bị thương. Rồi những lần tôi cực kỳ căng thẳng khi thực hiện cảnh quay Nguyễn Thành Luân và Ngô Đình Nhu. Lâm Bình Chi (vào vai Ngô Đình Nhu) chỉ là anh chàng bán quần áo gần chợ Sài Gòn, vì ngoại hình anh ấy quá giống ông Nhu nên tôi mời chứ anh ấy có biết đóng phim đâu! Nguyễn Chánh Tín không nói ra nhưng tôi biết Tín buồn tôi khi tôi chọn anh này bởi những cảnh quay có “ông Nhu” phải kéo dài, mà lúc đó Tín còn phải đi hát kiếm cơm nữa, chứ cát-sê phim chẳng đáng là bao”. Lê Hoàng Hoa kể mỗi cảnh quay Lâm Bình Chi phải thực hiện từ 5 đến 12 lần so với 1 hoặc 3 lần quay với Nguyễn Chánh Tín. Ông còn tiết lộ, theo kịch bản Lý Kai (do Cai Văn Mỹ đóng) lẽ ra đã chết từ tập 2 nhưng vì khán giả thời đó quá thích nhân vật này nên ông để nhân vật “sống” đến tập 7. “Tập 8 không còn Lý Kai vì Cai Văn Mỹ đoàn tụ gia đình ở Mỹ năm 1986”, Lê Hoàng Hoa nhắc lại.
Nuối tiếc cuối đời
Lê Hoàng Hoa gốc Huế, sinh ra tại Nha Trang. Năm 1952, ông nhận học bổng ICA (International Cooperation Administration) sang Mỹ du học và tốt nghiệp điện ảnh tại California năm 1958. Những phim ông từng thực hiện: Chân trời tím, Điệu ru nước mắt, Gác chuông nhà thờ, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Bẫy ngầm, Con ma nhà họ Hứa, Triệu phú bất đắc dĩ, Người chồng bắt đắc dĩ, Chàng ngốc gặp hên, Ván bài lật ngửa, Cao nguyên F-101, Đằng sau một số phận, Tình không biên giới, Xác chết trên cao nguyên, Vĩnh biệt mùa hè... |
Lê Hoàng Hoa thổ lộ, giờ ông đang tận hưởng tuổi già bên vợ con, rảnh rỗi đi du lịch, tự làm cameraman ghi lại hình ảnh những nơi từng đến. “Tôi thường về Việt Nam lắm. Không đâu bằng quê hương mình. Nơi đó có bạn bè, người thân, những người cùng vui cùng buồn trong một đoạn đời dài với bao thăng trầm cuộc sống. Ký ức đó không thể mua được bằng tiền hay đánh đổi bằng bất cứ thứ gì”, ông chậm rãi nói.
Rồi Lê Hoàng Hoa phân trần, tiếc nuối về sự nghiệp điện ảnh của mình khi chưa thực hiện được mong ước ngày xưa: làm 2 bộ phim về nhà văn, nhà cách mạng Trần Bạch Đằng và đưa tác phẩm Khúc quân hành lặng lẽ lên phim. “Khúc quân hành lặng lẽ là tập truyện tình báo của Vũ Thư Hiên viết từ 1985 đến 1989. Truyện cực kỳ hấp dẫn, nhiều tình tiết còn thú vị hơn cả Ván bài lật ngửa. Tiếc rằng tôi chưa thực hiện được. Bộ phim tư liệu về Trần Bạch Đằng cũng là mơ ước của tôi mà đến giờ vẫn chưa thể làm”.
Trước khi kết thúc câu chuyện, ông vẫn dặn đi dặn lại: “Vui lòng thay tôi nhắc đến công lao của bao người khác từ diễn viên phụ, trợ lý trường quay, chuyên viên kỹ thuật âm thanh ánh sáng, những người lặng thầm bên máy quay để có được Ván bài lật ngửa. Không có họ, sẽ không có một Lê Hoàng Hoa hay Nguyễn Thành Luân mà mãi 30 năm sau khán giả vẫn còn nhắc”.
Đỗ Tuấn
Bình luận (0)