img
Những người lao mình vào thảm họa Sinh – Tử - Ảnh 1.

Trở về sau đợt cứu nạn cứu hộ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó đội trưởng Đội công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC07, Công an TP.HCM) mặt ám đen, phờ phạc sau nhiều ngày giữa giá lạnh đi tìm sự sống, giúp nước bạn với 200% sức lực.

Phía sau tấm ảnh lính cứu hỏa Việt Nam ăn bánh mì giữa đổ nát ở Thổ Nhĩ Kỳ

Vậy mà ngay hôm sau, đồng đội lại thấy anh lên đơn vị, trở lại với những công việc quen thuộc. 22 năm trong nghề, trung tá Thành tham gia hàng ngàn vụ cứu hộ. Giữa sống và chết nhưng ám ảnh anh nhất là vụ cháy tòa nhà ITC năm 2002, dù cùng đội đội đưa hơn 100 người thoát ra ngoài, nhưng số người chết khiến anh xót xa, ngậm ngùi khi nhắc lại.

Trung tá Thành nổi tiếng với đồng nghiệp vì sẵn sàng nhận các "ca khó", cực kỳ nguy hiểm, thậm chí có thể đánh đổi bằng cả mạng sống. Tháng 11.2019, anh ra Cao Bằng thực hiện nhiệm vụ đưa hài cốt nạn nhân đã rơi xuống hang 3 năm. Hang nhỏ thẳng đứng, sâu 220 m, miệng hang rộng khoảng 2m2, thiếu dưỡng khí và tối tăm, trong khi thời tiết lạnh, có mưa phùn.

Hồi hộp, lo lắng. "Nếu dừng lại thì có thể nạn nhân sẽ nằm mãi mãi ở dưới hang, thực hiện nhiệm vụ thì mình cũng có thể hy sinh", anh khựng lại. Nhưng nhìn thấy ánh mắt người thân nạn nhân đang mong mỏi, anh quyết định sẽ đánh cược sự sống của chính mình.

Công an Việt Nam vào rừng nhặt củi chống chọi với cái lạnh Thổ Nhĩ Kỳ

Trung tá Nguyễn Chí Thành trong lần tham gia cứu nạn cứu hộ ở hang sâu từ 200 - 300 m 

Anh nhớ lại: "Nạn nhân bị một tảng đá đè lên, tôi phải dùng tay hất đá sang một bên rồi bới lượm răng, xương bỏ vào bao hơn 1 tiếng đồng hồ mới xong. Đến cửa hang, người nhà họ là dân tộc Mông đã chắp tay vái lạy cảm ơn, tôi rất xúc động".

Với kinh nghiệm cứu hộ dưới hang, tháng 2.2020, anh tiếp tục được giao tìm kiếm nạn nhân rơi xuống hang ở cao nguyên đá Đồng Văn 10 ngày. Đây là hang nguyên sơ, không biết có sinh khí hay không, tổ công tác đắn đo suy nghĩ, tính nhiều phương án. Anh xung phong xuống một mình, để lỡ tình huống xấu nhất xảy ra là hy sinh thì chỉ một mình anh.

Vừa xuống hang vài mét, xung quanh anh tối đen như, nhũ đá nhọn đâm trúng da thịt, anh bắt đầu… sợ. Chật vật mãi anh mới xuống được đáy hang sâu khoảng 280 m, thi thể đã trương phình, bốc mùi nồng nặc. Anh ngược lên lại lấy cồn, rượu và dụng cụ để đưa thi thể nạn nhân lên.

Những người lao mình vào thảm họa Sinh – Tử - Ảnh 4.

Lần 2 xuống gần đáy hang, bất ngờ lũ quét xuất hiện, đất đá ở trên chảy ầm ầm xuống hang, bộ đàm bị mất sóng. Một mình bị treo lơ lửng trong hang, anh hoảng sợ nghĩ có lẽ nào sẽ phải bỏ mạng ở đây cùng nạn nhân, 2 con gái ở nhà sẽ phải sống ra sao…?

"Gần 1 tiếng sau, mưa tạnh, bộ đàm được kết nối trở lại. Tôi tiếp cận được và cho nạn nhân vào bao ni lông để bớt mùi. Nạn nhân nằm ở dốc nghiêng, trương sình, nên nước vỡ ra bắn vào người, tôi cắn răng chịu đựng. Có lúc tôi định bỏ cuộc nhưng lại nghĩ đến nạn nhân nằm nơi lạnh lẽo, nỗi đau người thân của họ, tôi lại dùng ý chí để thực hiện nhiệm vụ", vị trung tá chia sẻ.

Những người lao mình vào thảm họa Sinh – Tử - Ảnh 5.

Trung tá Nguyễn Chí Thành được UBND TP.HCM tuyên dương Tấm gương thầm lặng mà cao cả

Trung tá Thành nhìn thành tích và việc anh làm ai cũng sẽ dùng từ dũng cảm để khen ngợi nhưng chính anh cũng thừa nhận, trong cuộc sống, ai cũng sợ chết. Làm công việc nguy hiểm, nhiều lần đối mặt với cái chết nhưng anh vẫn xông pha vì việc đã ăn vào máu. "Đến giờ tôi vẫn hãnh diện vì được làm công việc này. Mỗi ngày, chỉ mong bản thân thật mạnh mẽ khi thực hiện nhiệm vụ và bình an trở về với gia đình nhỏ của mình", anh nói.

Những người lao mình vào thảm họa Sinh – Tử - Ảnh 6.

20 năm làm công tác chữa cháy, thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo, cán bộ Đội chữa cháy và CNCH khu vực 1 (Phòng PC07) không nhớ hết bao nhiêu lần anh bị thương, lửa táp vì lao mình vào lửa cứu người. Vụ cháy tại Q.11 khiến 8 người chết vào ngày 7.5.2021, 1 phút sau khi nhận lệnh, anh Đạo cùng đồng đội xuất phát. Với nhiệm vụ trinh sát, ngay khi tiếp cận hiện trường, anh xách dây, đeo bình khí tài, cầm phương tiện phá dỡ chạy vào bên trong nắm tình hình, nguồn lửa. 

Thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo không nhớ hết bao nhiêu lần anh bị thương vì lao mình vào lửa cứu người.

Trong sức nóng dữ dội, anh phát hiện 4 người chết ở tầng trệt. Ra ngoài, được biết còn 4 người nữa, anh và đồng đội lại tiếp tục lên tầng lầu, đi hết các phòng. Ngọn lửa bao trùm, tường bắt đầu bung ra, có thể đổ sập bất kỳ lúc nào, các chiến sĩ men theo những trụ cột gia cố, tiếp tục đạp một cửa nhà vệ sinh ở tầng 3 nhưng không mở được vì quá cứng.

"Tôi dùng búa đập kính ở trên thì thấy 4 người đang ngồi gục trong nhà vệ sinh bé tí, quần áo họ còn nguyên xi. Ám ảnh, đau thương. Chúng tôi luôn cẩn thận đưa nạn nhân của các vụ cháy ra ngoài một cách toàn vẹn nhất có thể để họ về với gia đình", anh nói. 

Những người lao mình vào thảm họa Sinh – Tử - Ảnh 8.

Công việc chữa cháy, lao thân vào nơi mọi người tìm cách chạy ra. Anh nhận xét, đây là nghề có những điều không thể nói trước được. Trong những đám cháy, cột kèo có thể đổ sập bất kỳ lúc nào, đổ sập lên người chiến sĩ làm nhiệm vụ. Nói về hiểm nguy, anh cười nhẹ tênh: "Nghề này chẳng biết được ngày mai. Nghề ăn vào máu mình rồi nên đứng trước nghề không cần giây phút nào đắn đo, chỉ nghĩ cứu người là ưu tiên trên hết. Hôm nay đi trực, không biết ngày mai có trở về".

Những người lao mình vào thảm họa Sinh – Tử - Ảnh 9.

Để đáp ứng yêu cầu công việc, các chiến sĩ PCCC và CNCH tập luyện thể lực đều đặn 2 buổi/ngày

Những người lao mình vào thảm họa Sinh – Tử - Ảnh 10.

Cùng đội với trung tá Nguyễn Chí Thành, thượng úy Nguyễn Nhật Phương (30 tuổi) thì nổi tiếng bởi chỉ… sợ ma. Anh cho biết, ngày nhỏ cứ nghe ai kể chuyện ma hay thấy người chết là anh bỏ chạy thật xa. "Vậy mà không biết sao nghề này lại chọn mình, tối ngày làm việc liên quan đến thi thể những nạn nhân xấu số", anh nói.

Gương mặt cười hiền, thượng úy Phương cho hay anh gắn bó với nghề được gần 10 năm. Nghề dạy nghề, anh dần biết cách đối mặt, vượt qua nỗi sợ của bản thân. Trong một lần làm nhiệm vụ lặn tìm nạn nhân nhảy cầu ở cầu Bến Dược (H.Củ Chi), anh Phương bị móc câu cá quặc vào đùi, mắc kẹt ở mé chân cầu dưới dòng nước đen kịt. Vừa đau, vừa hoảng sợ vì bình khí có giới hạn, nếu không ngoi được lên mặt nước sớm, anh có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Các chiến sĩ PCCC và cứu nạn cứu hộ đối mặt với muôn trùng hiểm nguy, khoảnh khắc sống - chết chỉ trong gang tấc - Ảnh: Vũ Phượng, Ngọc Dương

Dưới dòng nước một màu đen đặc, anh tự trấn tĩnh mình, nhấn tay đồng đội ra ký hiệu cần hỗ trợ. May mắn, anh kịp lên khỏi mặt nước trước khi bình khí chạm đáy. Những lần đứng trước lằn ranh sinh – tử mong manh này, như bao đồng đội thượng úy Phương không bao giờ kể cho gia đình nghe vì sợ nhà thêm lo lắng.

"Mỗi khi thoát chết, mấy anh em thường nói với nhau để rút kinh nghiệm cho lần công tác sau, không ai nói với gia đình", anh bày tỏ.

17 năm gắn bó với công tác PCCC và CNCH, đại úy Nguyễn Trường Nam cũng không ít lần tưởng tưởng chừng phải đánh đổi mạng sống khi làm nhiệm vụ.

Những người lao mình vào thảm họa Sinh – Tử - Ảnh 12.

Vài năm trước, anh được giao nhiệm vụ lặn tìm nạn nhân trong 1 ghe cát lậu bị chìm. Đang ở độ sâu 20 m, roong bình khí bị bể, khí xì ra ngoài 90%, chỉ còn sót lại 10% ở đường ống. Hoảng hốt, anh bung ra hết để nhanh chóng ngoi lên mặt nước. 

Anh nhớ lại: "Chưa khi nào tôi hoảng sợ đến như vậy, khi đó chỉ có một mình mình ở dưới lòng sông sâu. Chiếc dây tay bảo vệ mình bị nước xoáy quấn vào xác tàu lại làm mình mắc kẹt ở lại nên buộc mình phải tìm cách rũ dây ra khỏi tay để men theo dây cáp đi lên". 

"Trong đầu khi đó chỉ là hình ảnh của đứa con đang ở nhà, nếu mình làm không dứt khoát thì có thể đánh đổi bằng tính mạng, khi đó con mình ra sao…?", đại úy Nam chùng giọng.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.