Mặc trời nắng hay mưa, giữa không khí ngột ngạt, đặc quánh mùi xác chết động vật lẫn vào, những người mẹ với vóc dáng gầy guộc, cả đời lam lũ vẫn ngày ngày ra sức bới từng đống rác khổng lồ để kiếm từng đồng nuôi con học đại học.
Những ngày đầu tháng 3, giữa cái nắng “cháy da cháy thịt” của dải đất miền Trung, chúng tôi có mặt tại bãi rác Khánh Sơn (P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) để tận mặt chứng kiến những người phụ nữ với vóc dáng nhỏ bé, chạy tới chạy lui, hì hục đào bới khắp nơi, để chỉ mong nhặt nhạnh được thứ gì đó bán được. Họ vẫn cặm cụi, dốc hết sức đào bới kiếm từng đồng tiền lẻ để nuôi giấc mơ học đại học của các con.
[VIDEO] Ngày 8.3 của những người phụ nữ quanh năm ở bãi rác
Gồng mình kiếm tiền trên xác chết động vật
Trong cuộc sống thường ngày rác được cho là dơ bẩn, hôi thối và là những thứ bỏ đi. Thế nhưng đối với những người làm nghề bới rác tại bãi rác Khánh Sơn, nơi thì rác là nguồn thu nhập để nuôi sống gia đình, rác học phí của các con và thậm chí rác là mạng sống.
Đặc biệt, đối với những người mẹ làm nghề bới rác trang trải học phí cho các con thì rác là cả một giấc mơ về tương lai tưới sáng của các con.
Những phận đời bới rác mưu sinh... ẢNH: HUY ĐẠT
Đối với họ rác nuôi sống gia đình, rác giúp các con họ được thực hiện ước mơ ẢNH: HUY ĐẠT
Giữa trưa, dưới cái nắng gần 30 độ C, với đôi gánh trên vai, người phụ nữ với thân hình gầy guộc chậm chậm bước về phía bãi tập kết phế liệu. Kéo khẩu trang, quệt tay ngang mắt lau mồ hôi, tranh thủ tháo đôi bao tay, ghé mua bịch nước mía uống vội chờ xe rác vào bãi.
Tiếp chuyện chúng tôi bà Phan Thị Thương (52 tuổi, trú P.Hoà Khánh Nam, Q.Liên Chiểu) cho biết, bà làm nghề bới rác kiếm ve chai, sắt vụn… bán kiếm tiền đã hơn 20 năm nay.
Mỗi buổi sáng bà Thương bắt đầu công việc đào bới tại bãi rác lúc 4 giờ sáng và kết thúc công việc lúc 19 giờ. “Tôi cũng như những người khác làm nghề bới rác ở đây chủ yếu đào tìm là bao nilông, nhựa, chai lọ, sắt vụn… nói chung tất cả thứ gì có thể bán được.
Trung bình mỗi ngày chúng tôi thu nhập khoảng 150.000 – 200.000 đồng/ngày, tuỳ vào sức lực mỗi người. Khòe thì đào sâu, tìm được nhiều”, bà Thương nói.
Chị Thương cho biết, ngập mình trong rác mỗi ngày, đáo bới hết sức mỗi người thu nhập khoảng 150.000 – 200.000 đồng/ngày ẢNH: HUY ĐẠT
Cuốc, bao tay, chiếc nón đổi màu bụi bặm, khẩu trang… đó là những vật dụng baỏ hộ của những người kiếm sống nơi đây. Ra sức dùng dụng cụ tự chế như móc, cào để đào bới giữa những đống rác khổng lồ. Vừa hút bịch nước mía vừa kể, bà Thương cho biết muốn tìm được rác thì phải đào bới, bới thật sâu thật kĩ thì tìm được “đồ ngon”, nhưng cũng có lúc đào, bới trúng xác động vật đang phân hủy thì chịu không nổi vì mùi thối.
“Khiếp sợ nhất là gặp xác chết động vật, mùi thối kinh khủng lắm. Tôi đã có gần 30 năm làm nghề, nay mũi họng gì cũng không hít được mùi nữa rồi. Mà không phải mình tôi, ai ở đây cũng vậy”, bà Thương cười tâm sự.
Giữa bầu không khí hôi thối, đặc quánh mùi xác chết động vật những người mẹ này vẫn ngày ngày cần mẫn đào bới kiếm tiền nuôi con ẢNH: HUY ĐẠT
Đồ bảo hộ của người phụ nữ bới rác chỉ có chiếc nón, khẩu trang, ủng và đôi găng tay cũ rách ẢNH: HUY ĐẠT
Bãi rác này là nơi kiếm kế sinh nhai của hơn 300 người, hằng ngày bất kể ban ngày hay ban đêm, đều có sẵn nhiều người chờ những chuyến xe rác từ khắp nơi đổ về. Họ chờ để lao vào đào bới tìm các loại phế liệu lẫn lộn rác thải để mưu sinh, trong đó hầu hết là phụ nữ. Đằng sau những nhọc nhằn mưu sinh tại nơi được cho là hôi thối, mất vệ sinh nhất thành phố này đó chính là những đứa con ngoan, học giỏi.
Cuối ngày, nắng chiều yếu ớt dần lặn khuất sau núi, liên tục đổ võ chai nhựa vào sọt chờ bạn hàng đến thu gom, bà Nguyễn Thị Mãn (P.Hoà Khánh Nam, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) vẫn nỡ nụ cười tươi tiếp chuyện chúng tôi. Khi được hỏi về chuyện nghề và cuộc chiến mưu sinh tại bãi rác thì bà Mãn chỉ trả lời ngắn gọn “Tất cả vì con, sống chết cũng vì con. Miễn sao nó đừng khổ như mình là được”.
"Con tôi vừa học đại học vừa đi lượm rác"
Các con tôi có được cái chữ cũng nhờ rác, tụi nó sinh ra và lớn lên với rác, nhưng tôi vẫn khuyên dạy 2 đứa nhỏ còn lại phải lo học như chị để có cái chữ, có được công việc ổn định. Còn tôi, chắc là gắn đời mình với nơi đây rồi.
Bà Mãn
Đối với những người phụ nữ ngày ngày ngập lặn giữa bốn bề là rác, thì rác miếng cơm manh áo, rác là nguồn mưu sinh, rác giúp thực hiện ước mơ của những đứa con. Cứ thế, rác càng nhiều, bãi rác cũng theo đó lớn lên hằng ngày… đối với người dân nơi đây, rác càng nhiều thì cơ hội kiếm tiền càng dễ.
Đối với bà Mãn, niềm tự hào, động lực để bà bất chấp những bệnh tật, mùi hôi thối nơi đây để lao vào đào bới kiếm tiền đó chính là những đứa con học đại học.
Bà Mãn kề, bà có 4 người con, người con lớn đã có chồng và ổn định. 3 người còn lại thường ngày vẫn giúp bà kiếm tiền sau giờ học. Đến nay, cô con gái thứ 2 của bà đã vừa tốt nghiệp Đại học Y Dược Đà Nẵng.
“Các con tôi có được cái chữ cũng nhờ rác, tụi nó sinh ra và lớn lên với rác, nhưng tôi vẫn khuyên dạy 2 đứa nhỏ còn lại phải lo học như chị để có cái chữ, có được công việc ổn định. Còn tôi, chắc là gắn đời mình với nơi đây rồi", bà Mãn tâm sự.
Đứng đào bới cạnh bà Mãn, người phụ nữ chân ngập trong rác đến tận đầu gối, chị Phạm Thị Huệ (42 tuổi, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng), người đang mang trong mình bệnh tim. Thế nhưng hằng ngày chị Huệ vẫn đạp chiếc xe đạp cũ, leo lên con dốc cao, có mặt tại bãi rác Khánh Sơn để đào bới rác kếm tiền nuôi đứa con duy nhất học đại học theo di nguyện của người chồng quá cố.
Bà Mãn cho biết, các con bà vừa học vừa đi lượm rác phụ mẹ, bà Mãn tự hào rằng con gái bà đã tốt nghiệp đại học Y Dược ẢNH: HUY ĐẠT
Đào bới, tìm kiếm tất cả thứ gì có thể bán được ẢNH: HUY ĐẠT
Dẫu biết, phải đối mặt với các loại rác thải dơ bẩn, hít thở không khí ô nhiễm, nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh da liễu... rất cao.
Thế nhưng, vì miếng cơm manh áo, vì tương lai của các con. Những người mẹ này bất chấp, đánh đổi sức khoẻ để kiếm từng đồng tiền lẻ nuôi con ăn học ẢNH: HUY ĐẠT
Bà Huệ kể, cuối năm 2006 năm bão lớn lắm, sau bão nhà cửa sập, tốc mái, chưa kiệp sửa nhà thì chồng tôi phát hiện ung thư. Vài tháng sau thì qua đời, trước khi người chồng bệnh rồi qua đời có trăn trối với bà rằng phải ráng nuôi 2 đứa con ăn học nên người.
“Năm đó, con đầu tôi mới học lớp 1, không phụ lòng tôi, biết tôi khổ cực con tôi đứa nào cũng biết phận nhà nghèo, hiền lành và siêng học. Nay nó học năm thứ 2 đại học ngành kiến trúc, tôi khổ mấy cũng được để kiếm tiền nuôi con học hành hành đàng hoàng với hy vọng có cuộc sống đỡ vất vả so với cha mẹ”, bà Huệ tâm sự.
Lễ, Tết vẫn hì hục đào bới
Ngày Quốc tế phụ nữ 8.3, những người mẹ đang mưu sinh tại bãi rác Khánh Sơn vẫn cần mẫn đào bới kiếm tiền và không quan tâm hôm nay là ngày lễ hay tết. Họ chỉ cần biết, hôm nay kiếm được bao nhiêu tiền, tối nay các con ăn gì và cố làm vì con sắp đóng học phí…
Bãi tập kết những gì tìm kiếm được từ những đống rác khổng lồ ẢNH: HUY ĐẠT
Sự hi sinh lớn lao nhưng thầm lặng của người phụ nữ nơi đây chính để cho những đứa con được đủ đầy hơn
Anh Nguyễn Văn Ngọc Duy, kĩ thuật viên Xí nghiệp quản lý bãi và Xử lý chất thải, cho biết thường ngày anh đều có mặt tại bãi rác để theo chân các công nhân tính toán chỗ để san lấp, xử lý rác. Anh Duy kể ở đây thường ngày có rất nhiều người vào đây mưu sinh, đa phần là phụ nữ.
“Hầu như trời nắng cũng đi làm, trời mưa mặc áo mưa lên bãi. Họ làm việc không nghỉ ngơi, mệt quá thì mới mua nước mía đứng uống thôi. Chị em ở đây họ cũng chịu khó vì cuộc sống mưu sinh thôi, họ vất vả, chị em vất vả lắm”, anh Duy nói.
Vì cuộc sống mưu sinh, người phụ nữ hi sinh từng ngày, từng giờ họ dốc hết sức kiếm tiền trong bầu không khí ô nhiễm. Mùi đặc trưng của bãi rác đã ngấm sâu vào da thịt của họ, đeo đẵng theo chân từng người về nhà. Dẫu biết khi mưu sinh ở bãi rác, bệnh tật sẽ đeo bám họ nhưng vì tương lai con cái, những người mẹ này đã phải chấp nhận sống, chết cùng rác
Bình luận (0)